1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Khe Sanh-Quảng Trị (9/7/1968-9/7/2018):

Khe Sanh nửa thế kỷ hoà bình: Sự đổi thay lớn lao!

(Dân trí) - Sau 50 năm hoà bình, từ mảnh đất chịu nhiều đau thương của khói lửa chiến tranh khốc liệt, mảnh đất Khe Sanh - Lao Bảo - Hướng Hoá đã vươn mình phát triển về mọi mặt, cơ sở hạ tầng, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao.

Đúng dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (9/7/1968-9/7/2018), đặt chân đến mảnh đất từng là chiến trường mới thực sự thấy được sự đổi thay kỳ diệu. Hướng Hoá - Khe Sanh bây giờ được mọi người nhắc đến là phố núi trên vùng giáp biên giới Việt Lào.

Khe Sanh sau 50 năm giải phóng đã phát triển vượt bậc
Khe Sanh sau 50 năm giải phóng đã phát triển vượt bậc

Vùng “đất lửa” trở mình…

Trò chuyện với các cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa - những người đã trực tiếp cầm súng chiến đấu, giải phóng vùng đất này đều bày tỏ sự vui mừng xen lẫn ngạc nhiên về sự “lột xác” của Khe Sanh-Hướng Hoá. “Mảnh đất này đã thực sự thay đổi, bộ mặt đô thị hiện ra mang những nét đẹp về sự khang trang, hiện đại. Nhà cao tầng mọc lên san sát, các nhà máy, khu chế biến được xây dựng khắp nơi”, một cựu binh bày tỏ.

Khe Sanh, Hướng Hóa khởi sắc sau 50 năm giải phóng (Thực hiện: Khánh Hưng - Hoàng Hùng)

Lao Bảo, Hướng Hóa hiện trở thành cửa ngõ quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Hàng hoá, nông sản của vùng được lưu thông, xuất khẩu ra các nước. Đó là tín hiệu vui cho thấy sự phát triển tích cực trên vùng đất này.

Thế nhưng, sự thay đổi ấy cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả xương máu đã đổ xuống. Cách đây nửa thế kỷ, với đau thương chết chóc, với bom đạn còn ngổn ngang ít ai ngờ rằng chiến trường ấy lại có sự thay đổi như bây giờ.

Đi trên tuyến Quốc lộ 9, rất rõ nhận thấy 2 thị trấn Khe Sanh và Lao Bảo phát triển khá năng động. Những khu chợ sầm uất, nhộn nhịp với lượng hàng hóa phong phú. Đặc biệt, tại Khu kinh tế Lao Bảo có nhiều nhà máy sản xuất hàng hóa. Vùng Lìa có nhà máy chế biến tinh bột sắn của Tổng công ty thương mại Quảng Trị. Nhìn ra xa là những đồi cà phê, hồ tiêu bạt ngàn. Cây cà phê, hồ tiêu là những sản phẩm đặc trưng của vùng, góp phần thay đổi đời sống người dân vùng đất này.

Nhiều nhà cao tầng mọc lên từ mảnh đất chịu nhiều bom đạn
Nhiều nhà cao tầng mọc lên từ mảnh đất chịu nhiều bom đạn

Ông Lê Xuân Huấn (trú tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) cho biết: “Trước đây, lúc mới đặt chân lên vùng đất này định cư còn thấy vết tích của bom đạn cày xới. Nhờ sự cần cù, nỗ lực trong lao động, thay đổi cây trồng mà đời sống dần khá lên. Đặc biệt, cây cà phê đã giúp cho người dân nơi đây khấm khá, có của ăn, của để”.

Cây cà phê, sản phẩm giá trị kinh tế cao trên vùng Hướng Hóa
Cây cà phê, sản phẩm giá trị kinh tế cao trên vùng Hướng Hóa

Từ chỗ còn đói nghèo, lạc hậu những người dân đồng bào Vân Kiều, Pa Cô tại các địa phương đã trồng cây sắn, cây chuối để xuất khẩu. Đây là 2 loại nông sản có giá trị của người dân Hướng Hóa. Khi nhà máy chế biến tinh bột sắn mọc lên, quy hoạch thành vùng chuyên canh, sản phẩm của bà con được thu mua thuận tiện hơn. Chuối được trồng ở vùng Lìa, vùng Tân Long được xuất khẩu ra nước ngoài. Những hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô trở thành những điển hình nông dân sản xuất và làm kinh tế giỏi. Đây là những kết quả tích cực làm thay đổi đời sống nhân dân.

Kỳ vọng phát triển công nghiệp công nghệ cao

Ông Đặng Trọng Vân – Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết, sau 50 năm xây dựng và phát triển, địa phương đã đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội. Trên lĩnh vực kinh tế, thành tựu nổi bật là sản xuất nông lâm nghiệp từ phương thức canh tác lạc hậu đã chuyển sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất và giá trị cao.

Cây mắc ca - loại cây có giá trị kinh tế cao được trồng ở Hướng Hóa
Cây mắc ca - loại cây có giá trị kinh tế cao được trồng ở Hướng Hóa

Địa phương đã quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến và tạo ra một số sản phẩm mang tính đặc thù, có thương hiệu và lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, như: Cà phê 5.318ha, hồ tiêu 219ha, caosu 1.075ha, mắc-ca hơn 400ha, sắn và các loại cây lấy bột 5.216ha, chuối gần 4.100ha… Trong đó, điển hình là cây cà phê, cây chuối và cây sắn trở thành cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho đồng bào dân tộc. Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp của huyện năm 2017 đạt 1.264 tỉ đồng.

Cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng, tạo nên sự khang trang. Trong những năm qua, hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 5.832 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 49,6% tổng giá trị sản xuất năm 2017 của huyện.

Năm 1998, Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo được Trung ương đầu tư xây dựng đã trở thành động lực thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội huyện.

Tính đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 32,3 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 28%. 100% xã, thị trấn có đầy đủ 3 cấp học từ mầm non đến THCS. Toàn huyện có 70 đơn vị trường học, trong đó có 20 trường đạt chuẩn quốc gia. Huyện có 1 Bệnh viện đa khoa và Phòng khám khu vực Lìa với quy mô trên 100 giường bệnh; có 21/22 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế…

Dự án điện gió kỳ vọng sẽ tạo ra giá trị kinh tế cao, thúc đẩy sự tăng trưởng
Dự án điện gió kỳ vọng sẽ tạo ra giá trị kinh tế cao, thúc đẩy sự tăng trưởng

Nhắc đến Quảng Trị, người ta thường nói đến gió Lào với sự khắc nghiệt thì hiện nay địa phương đã biến nó thành tiềm năng, lợi thế để phát triển. Tại xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, dự án điện gió Hướng Linh 2, công suất 30 MW, với 15 tua bin đưa vào hoạt động từ quý III/2017, chính thức hòa điện lưới quốc gia. Hiện có 5 dự án được cấp chủ trương đầu tư tại 3 xã Hướng Linh, Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) và Hướng Hiệp (huyện Đakrông).

Nói về những định hướng phát triển trong giai đoạn tới, ông Đặng Trọng Vân – Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, địa phương sẽ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng các cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho người dân ở thị trấn Khe Sanh, thị trấn Lao Bảo và các xã dọc quốc lộ 9 phát triển thương mại, dịch vụ. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác có tiềm năng lợi thế của “điểm đầu” trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây. Phát triển công nghiệp công nghệ cao như điện gió, thủy điện, công nghiệp chế biến, xây dựng các sản phẩm chủ lực. Thu hút đầu tư, tăng cường giao thương. Đặc biệt, xây dựng 2 đô thị: Khe Sanh và Lao Bảo để tạo sức hút, tạo điều kiện cho Hướng Hóa phát triển trong tương lai.

Đăng Đức