1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Huy động trực thăng cứu hộ tai nạn trên cao tốc?

(Dân trí) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an - vừa nêu đề xuất về việc trang bị máy bay trực thăng để cứu hộ giao thông đường cao tốc. Theo lãnh đạo Cục CSGT, trường hợp đường cao tốc ùn tắc đến 30 km thì việc cứu hộ, cứu nạn rất khó khăn.

Ngày 30/3, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết bảo đảm trật ATGT quý I/2018, đề cập vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên đường cao tốc, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT - đề nghị, các tuyến cao tốc ngay từ khi xây dựng cần được đầu tư hệ thống giám sát đồng bộ, có các trạm, đội CSGT, trạm y tế, cứu hộ, cứu nạn giao thông.

Theo lãnh đạo Cục CSGT, đội ngũ cấp cứu, cứu hộ cứu nạn trên cao tốc cần chuyên nghiệp, tinh nhuệ, phương tiện cấp cứu hiện đại để đáp ứng yêu cầu thực tế.

“Hiện nay, cần trang bị máy bay trực thăng để cứu hộ giao thông đường cao tốc. Trường hợp đường cao tốc ùn tắc đến 30 km, việc cứu hộ, cứu nạn rất khó khăn.” - ông Tuấn đề xuất.

Máy bay trực thăng được đề xuất sử dụng tham gia cứu hộ, cứu hạn trên đường cao tốc (ảnh minh họa)
Máy bay trực thăng được đề xuất sử dụng tham gia cứu hộ, cứu hạn trên đường cao tốc (ảnh minh họa)

Ông Tuấn cũng nhắc lại ngày 18/3 vừa qua, trong vụ tai nạn trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, lực lượng CSGT phải dùng xe đặc chủng để cấp cứu kịp thời cháu bé 3 tháng tuổi đang nguy kịch và một trường hợp nạn nhân đang cấp cứu thì gần hết bình dưỡng khí bị kẹt trên con đường này do các tai nạn trên gây ùn tắc.

"Dù sử dụng xe dẫn đoàn cảnh sát vẫn rất vất vả mới đưa được họ đến bệnh viện kịp thời. Với tình hình này trên các đường cao tốc, có lẽ phải trang bị máy bay trực thăng để cứu hộ, thậm chí huy động lực lượng quân đội.” – ông Tuấn cho hay.

Cùng đó, ông Tuấn đưa ra đề nghị điều chỉnh giảm tốc độ trên một số đoạn cao tốc, như: đường Pháp Vân - Cầu Giẽ xuống 80km/h, phân tốc độ theo làn đường; hạn chế tốc độ tại các nút ra, vào trên các tuyến đường cao tốc.

Tại tuyến cao tốc Hà Nội - Ninh Bình nên đặt dải phân cách cứng giữa đường bằng bê tông như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và không nên trồng cây như hiện nay. Bởi đội ngũ bảo trì, bảo dưỡng cây rất nguy hiểm cho giao thông trên cao tốc.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cũng cho rằng, các tuyến cao tốc hiện ít trạm dừng nghỉ nên có tình trạng người dân trèo lên cao tốc để đón xe khách. Vì vậy, cần nghiên cứu thí điểm lập một số trạm dừng nghỉ như trên tuyến cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Lào Cai... để người dân đón xe khách, phục vụ phát triển kinh tế -xã hội các địa phương.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng cục CSGT
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng cục CSGT

Riêng vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách, Phó cục trưởng Cục CSGT cho biết công an TP. Hà Nội đã giao Phòng Cảnh sát hình sự khẩn trương điều tra để xác định nguyên nhân. Khi có kết luận Bộ Công an sẽ có thông báo chính thức.

“Công tác điều tra đang tiến hành rất thận trọng, đảm bảo khách quan để không làm oan người ngay và không để lọt tội phạm.” - ông Tuấn nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình lưu ý các Bộ: GTVT, Xây dựng, Công an cần quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển và bảo đảm trật tự ATGT, văn minh trên đường cao tốc.

Theo Phó Thủ tướng, đường cao tốc cũng là bộ mặt của đất nước, nhưng nhiều tuyến đường chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế, vì vậy cần xây dựng, quản lý đường cao tốc theo tiêu chuẩn quốc tế và giữ gìn trật tự, văn minh.

Châu Như Quỳnh