1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghệ An:

Dân nghèo khốn đốn vì nhường đất, nhường nhà cho thủy điện

(Dân trí) - Nhiều người dân miền núi Nghệ An mất đất sản xuất, mất nhà, thậm chí hiến cả mồ mả tổ tiên để xây dựng các công trình thủy điện. Đổi lại, ngoại trừ hạ tầng giao thông được cải thiện, người dân ở đây phải nếm đủ khó khăn, cay đắng với hệ lụy kéo dài từ các công trình thủy điện.

Công trình thủy điện Suối Choang được xây dựng tại huyện Con Cuông, Nghệ An. (ảnh MCG)
Công trình thủy điện Suối Choang được xây dựng tại huyện Con Cuông, Nghệ An. (ảnh MCG)

Thời gian qua, cử tri các huyện miền núi Nghệ An liên tục có ý kiến về hệ lụy của các công trình thủy điện trên địa bàn đối với đời sống của họ. Rất nhiều cử tri thể hiện sự quyết liệt phản đối việc xây dựng thủy điện khi có các đoàn đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri.

Tuy nhiên từ năm 2016 đến nay, ngoài các thủy điện đã được vận hành, tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong có thêm 5 nhà máy thủy điện được xây dựng mới.

Trong phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII diễn ra tại TP Vinh vào chiều 18/7, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói: “Việc có nhà tái định cư, có điện, đường, trường, trạm đã làm cho cuộc sống của đồng bào ổn định hơn. Nhưng khi thủy điện đóng điện thì chắc chắn dân phải trả tiền điện, và cái mà người dân mất rất lớn là mất đất, mất nhà, ô nhiễm môi trường… Hệ lụy này còn kéo dài. Nếu không giám sát việc xây dựng thủy điện thì sẽ phải chịu hậu quả lớn”.

Đại biểu Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong lo lắng về những hệ lụy khi thời gian hỗ trợ tái định cư thủy điện Hủa Na kết thúc.
Đại biểu Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong lo lắng về những hệ lụy khi thời gian hỗ trợ tái định cư thủy điện Hủa Na kết thúc.

Huyện Quế Phong hiện có 10 nhà máy thủy điện, trong đó, 4 nhà máy đã phát điện, 2 nhà máy sẽ phát điện vào cuối 2018. Khi nhường đất cho thủy điện, đồng nghĩa với người dân mất đất sản xuất. Các địa điểm bố trí tái định cư lại không có quỹ đất để bố trí đất sản xuất cho người dân buộc người dân phải chấp nhận khai thác sản xuất ở đất rừng “khó nhằn”, kém hiệu quả hoặc phải khai thác lâm sản phụ khiến cuộc sống hết sức bấp bênh.

“Chỉ vài ba năm sau, khi mà các công trình tái định cư đã xuống cấp; huyện không có kinh phí hỗ trợ sửa chữa, dân thì nghèo, doanh nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ tái định cư, một cuộc khốn khó sẽ đeo đẳng đồng bào miền núi”, đại biểu Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong lo lắng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho rằng người dân đã hiến đất, hiến nhà, hiến cả mồ mả tổ tiên nhưng được hưởng lợi từ các công trình thủy điện quá ít.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho rằng người dân đã hiến đất, hiến nhà, hiến cả mồ mả tổ tiên nhưng được hưởng lợi từ các công trình thủy điện quá ít.

Tại Kỳ Sơn cũng có 10 công trình thủy điện, trong đó có 3 nhà máy đang hoạt động. “Khi triển khai xây dựng các công trình thủy điện thì địa phương cũng được hưởng lợi đó là có đường giao thông nông nông thôn nhưng người dân thì phải chịu nhiều hệ lụy. Khi xây dựng nhà máy thủy điện, người dân đã hiến đất, hiến nhà, hiến mồ mả cha ông nhưng sau khi thủy điện hoàn thành lại không được hưởng lợi, chưa kể là phải chịu nhiều hệ lụy khác như thiếu đất sản xuất, mất kế sinh nhai…”, đại biểu Nguyễn Thanh Hoàng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết.

Trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có 2 thủy điện Nậm Mô 1 và Mỹ Lý đã quy hoạch từ năm 2008 nhưng thời điểm hiện tại vẫn chưa triển khai. Việc quy hoạch treo dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là khiến gần 4.000 người dân sống trong khu vực được quy hoạch bất an. Đặc thù địa hình và điều kiện tự nhiên khiến việc di dân tái định cư hết sức khó khăn, nếu dự án triển khai Kỳ Sơn phải di vén dân, trong khi đó hình thức này cũng khó khả thi.

Khu tái định cư thủy điện Hủa Na (Quế Phong) đang bị xuống cấp, sạt lở.
Khu tái định cư thủy điện Hủa Na (Quế Phong) đang bị xuống cấp, sạt lở.

“Quy hoạch treo nên các công trình phúc lợi phải dừng thi công. Ba điểm trường kiên cố hóa của Mỹ Lý phải trả vốn do nằm trong vùng lòng hồ. Nhiều ưu đãi của Nhà nước không được thực hiện do vướng quy hoạch thủy điện. Nếu nhà máy thủy điện này xây dựng và đi vào hoạt động, thủy sinh ô nhiễm ảnh hưởng tới hơn 100 hộ dân mưu sinh bằng nghề này. Chúng tôi đề nghị tỉnh có ý kiến với Trung ương dừng 2 nhà máy thủy điện này”, ông Nguyễn Thanh Hoàng phát biểu.

Các đại biểu đề nghị HĐND tỉnh bỏ quy hoạch, không phát triển thêm thủy điện ở miền Tây Nghệ An; HĐND tỉnh cũng cần có một chuyên đề giám sát việc xây dựng nhà máy thủy điện và những tác động của hậu thủy điện trên địa bàn. Bên cạnh đó đại biểu cũng mong muốn tỉnh nghiên cứu về thực trạng tái định cư và xây dựng một chế độ đặc thù cho đồng bào tái định cư chứ không phụ thuộc vào các doanh nghiệp thủy điện như hiện nay.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm