1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thái Bình:

Dân lao đao vì tôm nuôi chết do dịch bệnh

(Dân trí) - Thời gian gần đây, hàng loạt hộ nuôi tôm ở các huyện Tiền Hải và Thái Thụy (Thái Bình) vô cùng lo lắng vì tôm nuôi chết do bị bệnh dịch đốm trắng khiến hơn 70ha diện tích nuôi tôm của hơn 308 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều diện tích tôm nuôi bị chết khiến người nuôi tôm lao đao.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình, dịch bệnh đốm trắng phát sinh trên địa bàn bắt đầu từ ngày 4/5. Đến nay dịch đã phát triển rộng ở 451 ao nuôi (trong đó có 130 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, 383 ao nuôi tôm sú) của 308 hộ trên địa bàn hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải với tổng diện tích hơn 65 ha.

Tôm nuôi chết do bị dịch đốm trắng gây ra
Tôm nuôi chết do bị dịch đốm trắng gây ra

Tại huyện Tiền Hải, số tôm nuôi bắt đầu bị bệnh, chết từ ngày 8/5, đến nay đã lên đến 37ha, với số lượng tôm chết là 10 triệu con. Nơi bị thiệt hại nặng nhất là xã Nam Cường, theo thông tin từ phía HTX Nam Cường địa phương này có hơn 90 hộ là có tôm bị chết và diện tích bị chết là hơn 20ha. Ngay sau khi xảy ra việc tôm nuôi có dấu hiệu bệnh chết, phía cơ quan chức huyện Tiền Hải đã kiểm tra, xét nghiệm, xác định nguyên nhân tôm chết là do bệnh đốm trắng.

Anh Nguyễn Xuân Hòe, một hộ nuôi tôm ở xã Nam Cường cho biết: “Nhà tôi có 2 ao tôm chết với tổng diện tích gần 10.000 m2. Ao đầu tiên thì được 17 ngày thì tôm chết, còn cái ao sau tôm mới bắt đầu chết mấy ngày hôm nay. Tôi đã xử lý lại nước nhưng tôm vẫn chết, ở đây nhiều hộ dân bị nữa, tình trạng này cứ diễn ra khiến việc kinh doanh, sản xuất của chúng tôi thua lỗ nặng nề”.

Người nuôi tôm lao đao vì nhiều ao nuôi tôm bị chết
Người nuôi tôm lao đao vì nhiều ao nuôi tôm bị chết

Cũng xảy ra tình trạng tôm nuôi chết như ở một số xã tại huyện Tiền Hải, tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy đã có 68 hộ dân có tôm nuôi bị chết do mắc bệnh đốm trắng, bị thời tiết phức tạp tác động nên bệnh lan rộng.

Tính đến ngày 24/5, hiện tượng tôm chết đã xảy ra tại 513 ao, trong đó có 130 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, 383 ao nuôi tôm sú của 308 hộ dân ở 7 xã thuộc hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Tổng diện tích ao có tôm chết là 72,7ha với số lượng giống thả khoảng 17,526 triệu con. Qua xét nghiệm mẫu bệnh phẩm ở 7 xã, có 18/18 mẫu dương tính với bệnh đốm trắng.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nguồn nước lấy vào nuôi đầu vụ có độ mặn thấp chỉ từ 5 - 7‰ (trong khi độ mặn phù hợp yêu cầu là 15 - 18‰); việc xử lý nước và cải tạo ao đầm chưa tốt, không có ao lắng, ao xử lý chất thải nước thải nên mầm bệnh không được xử lý triệt để.

Thời tiết từ đầu tháng 5 đến nay diễn biến phức tạp, biên độ dao động nhiệt lớn, có những ngày mưa lớn kèm lượng nước ngọt vào ao nuôi nhiều làm môi trường ao bị biến động, giảm sức đề kháng của tôm. Ngoài ra, nguyên nhân khác là do việc phát hiện và xử lý ao bệnh của một số hộ nuôi chưa kịp thời, mật độ nuôi dày…

Người dân xử lý ao nuôi tôm bằng Chlorine
Người dân xử lý ao nuôi tôm bằng Chlorine

Chiều ngày 25/5, ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đi cùng đoàn công tác đã xuống kiểm tra việc tôm chết do dịch bệnh tại huyện Thái Thụy và yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền để người nuôi tôm hiểu rõ nguyên nhân tôm chết và bùng phát dịch bệnh thời gian qua để bà con không hoang mang.

Phía UBND tỉnh Thái Bình cũng đã xuất 13 tấn hóa chất Chlorine dự trữ hỗ trợ cho các địa phương đồng thời huy động nguồn hóa chất của các huyện, xã và hộ nuôi trồng để xử lý dịch bệnh. Đến ngày 23/5, đã có 412 ao với diện tích 58 ha được xử lý hóa chất. Số còn lại sẽ được xử lý cấp tốc trong cuối tháng 5.

Đức Văn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm