1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đại đao 500 năm tuổi của Mạc Đăng Dung - đâu là sự thật?

(Dân trí) - Mỗi năm có hàng vạn người đổ về Khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc ở huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, chiêm bái thanh đại đao nặng hơn 30kg, được cho là vũ khí xông trận của Mạc tổ Mạc Đăng Dung.

Tuy nhiên, không ít nhà nghiên cứu cổ vật, nghiên cứu lịch sử cho rằng chưa có cơ sở khoa học nào để khẳng định đây là thanh bảo đao của vua Mạc Đăng Dung, ngoài những câu chuyện truyền miệng của những người ít nhiều có liên quan đến dòng học Mạc.
 
Toàn cảnh khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc

Toàn cảnh khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc

 

Nườm nượp người kéo về chiêm bái đại đao

 

Chúng tôi về khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc vào những ngày cuối tháng 3. Mặc dù không khí lễ hội đầu xuân không  còn cao điểm nhưng nhân viên ban quản lý khu tưởng niệm vẫn không có cả thời gian ăn trưa. Từng đoàn khách nối nhau vào thăm viếng, khói hương nghi ngút; ai cũng muốn mục sở thị thanh đại đao bí hiểm tương truyền là của Mạc tổ Mạc Đăng Dung hơn 500 năm về trước.

 

Ông Ngô Minh Khiêm, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kiến Thụy, trưởng Ban quản lý di tích khu tưởng niệm các vua nhà Mạc kể về đại đao với những chi tiết đầy kỳ bí. Theo ông Khiêm, thời còn là tướng dưới triều Lê, Mạc Đăng Dung đã sử dụng thanh đại đao này để xông pha trận mạc và thắng lớn trong nhiều trận dẹp quân phản loạn. Khi ngài  băng hà, đại đao được thờ ở thái miếu Thăng Long, sau đó được rước về lăng miếu Cổ Trai (nay là Ngũ Đoan, Kiến Thụy).

 

Cuối năm 1592, Mạc triều thất thủ, trước đêm Trịnh Tùng tàn phá Dương Kinh, thân vương Mạc Đăng Thận đã dẫn quân mang theo đại đao, vượt biển tìm đến đất Kiên Lao thuộc phủ Thiên Trường (Xuân Trường, Nam Định nay) định cư và đổi thành họ Phạm. Mặc dù phải mai danh ẩn tích nhưng bảo đao của tiên đế vẫn được thờ phụng trang nghiêm tại từ đường chi họ Phạm gốc Mạc thôn Ngọc Tĩnh. Vì thế thanh đao này còn có tên gọi khác là Định nam Đao. Và không ít con của dòng họ này được sự phù trợ của đao thiêng mà nhiều lần ứng thí đỗ cao, được phong quan tước trong nhiều triệu đại sau.
 
Cảnh rước đao từ Nam Định về lại khu tưởng niệm tại Hải Phòng
Cảnh rước đao từ Nam Định về lại khu tưởng niệm tại Hải Phòng

 

Mãi đến năm 1821, Phan Bá Vành khởi binh chống lại triều đình, muốn dùng đại long đao của Mạc Thái Tổ để làm linh khí. Trước tình thế đó, chi họ Phạm đã chôn giấu thanh bảo đao và từ đấy thanh đao bị thất lạc.

 

Năm 1938, họ Phạm Ngọc Tỉnh trùng tu từ đường và vô tình tìm được thanh long đao sau 90 năm bị vùi sâu dưới lòng đất. Tại thời điểm phát hiện, mặc dù đã han rỉ, vỡ mẻ đi nhiều nhưng thanh đao được xác định dài 2,55 m, nặng 25,6 kg; ước lượng khi còn mới, thanh đao có trọng lượng trên 30 kg.

 

So với niên tuổi và trọng lượng, kích thước của đại long đao trên, không lấy làm lạ khi vũ khí thiêng này được con cháu họ Mạc và người dân trong vùng tôn làm bảo vật. Anh Khiêm khẳng định thêm: “Hiện nay ở châu Á chỉ còn hai binh khí hiếm là vật thái bảo được lưu thờ đó là thanh long đao của Tống Thái Tổ nhà Bắc Tống và Đại đao 500 năm tuổi của Mạc Đăng Dung đang được thờ tại đây. Và thanh đại đao này về kích thước, trọng lượng cũng chẳng thua kém gì đại đao của Quan Vân Trường, một vị tướng tài trong tác phẩm văn học Tam Quốc Diễn Nghĩa bên Trung Quốc”.

 

Tôi rời Khu tưởng niệm nhà Mạc, mang theo nhiều băn khoăn về câu chuyện thanh đại đao được cho là của Mạc Đăng Dung. Nếu đúng là bảo đao của Mạc Đăng Dung 500 năm về trước thì quả là một niềm tự hào lớn không chỉ của riêng người dân Hải Phòng mà của cả lịch sử dân tộc. Và việc bảo vệ một cổ vật vô giá như thế tại một khu tưởng niệm nằm giữa cách đồng hoang vu có ổn không?
 
Bảo dưỡng đại đao định kỳ
Bảo dưỡng đại đao định kỳ

 

Cần có cơ sở khoa học

 

Mang quan điểm và những đánh giá trên về đại đao tới trao đổi với các nhà sử học và khảo cổ học ở Hải Phòng, tôi bất ngờ nhận được những quan điểm khác. Ông Nguyễn Bá Thanh Long, Phó Chủ tịch Hội cổ vật Hải Phòng, cho biết: “Đến thời  điểm này thanh long đao đang được thờ tại Khu tưởng niệm triều Mạc vẫn chưa có kết luận chính thức của giới khoa học về niên đại và nguồn gốc. Để làm được điều này không quá khó. Dể khẳng định một vật đã tồn tại được bao nhiêu năm và thuộc triều đại nào, các nhà khảo cổ học, bảo tàng học và lịch sử học ở Việt Nam có thể đưa ra kết luận chính xác được. Vì mỗi triều đại phong kiến cũ, trên bảo vật của họ đều có chất liệu, hoa văn, kiểu dáng và họa tiết đặc trưng. Đó gọi là minh văn trên bảo vật, cổ vật.

 

Tuy nhiên đại long đao nói trên không hề có minh văn và cũng không có lấy một dấu tích vật thể nào để khẳng định. Lâu nay dư luận tôn vinh nó chỉ dựa vào những câu chuyện truyền tai nhau. Vì thế để tìm câu trả lời xác đáng cho giá trị và nguồn gốc của thanh đao này cần có sự vào cuộc nghiêm túc của các nhà khoa học.

 

Con số 500 năm tồn tại của thanh bảo đao đúng hay chưa? Đã gọi là bảo vật quốc gia thì phải có hồ sơ kết luận của cả một hội đồng giám định. Còn nếu không phải thì cũng cần công bố chính thức để tránh việc người dân hôm nay và các thế hệ mai sau hiểu sai lệch về lịch sử.

 

Điều này cũng giống như việc mấy năm trở lại đây người ta vẫn cho rằng Mạc Đăng Dung là hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi, nhưng cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã khẳng định là không phải”.
 
Bảo dưỡng đại đao định kỳ


Bảo dưỡng đại đao định kỳ
Thanh đại đao được cho là của Mạc Đăng Dung 500 năm về trước, hiện được thờ trang nghiêm tại Khu tưởng niệm vương triều Mạc.

 

Dưới góc nhìn sử học, Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Hải Phòng cho rằng, việc khẳng định một đại đao đã tồn tại bao lâu, có giá trị thế nào, không phải là việc nhỏ. Cần dựa trên những kiểm chứng khoa học và những dấu tích của lịch sử. Báo chí đã thông tin nhiều và điều này cũng đã góp phần định hướng cho dư luận tin vào sự có mặt của một trong hai vũ khí quý nhất châu Á đang được lưu giữ ở Hải Phòng.

 

Chúng ta rất cần dựa vào những tiêu chí như gia phả, tộc phả hay thần phả của chi họ lâu nay giữ đao. Nhưng tất cả những chứng cứ lịch sử này đã không còn. Chỉ dựa và truyền ngôn, mà truyền ngôn thì khó tránh khỏi dị bản và đương nhiên ít thuyết phục nhất. 

 

Tiến sĩ Sơn nêu quan điểm: “Theo cá nhân tôi, việc cho đây là đại đao của Mạc Đăng Dung từng xông pha trận mạc là không hợp lý. Nếu sau khi trưng cầu giám định, đúng là vật cổ có niên đại tồn tại cùng triều Mạc thì nên dừng lại ở góc độ là một thanh bảo đao biểu tượng cho sức mạnh, cho vương quyền của một triều đại. Một thanh đao nặng 30 kg, với sức vóc của người Việt Nam ở thế kỷ 16 thì dù có lực lưỡng cỡ nào cũng không thể mang được nó mà rong ruổi khắp sa trường”.

 

Hàng năm có hơn 2 vạn lượt khách đổ về Khu tưởng niệm để tham quan và chiêm bái đại đạo của Mạc Đăng Dung. Tuy nhiên, nguồn gốc của bảo đao đến giờ vẫn chỉ dừng lại ở góc độ giai thoại. Còn để khẳng định điều này như một cổ vật quý của lịch sử dân tộc thì còn phải chờ... Bởi lịch sử không thể kết luận dựa hoàn toàn vào những tin đồn. Thiết nghĩ, đã đến lúc các nhà quản lý văn hóa, các tổ chức liên quan cần vào cuộc một cách nghiêm túc để có thể đi đến một kết luận khoa học, để cổ vật được tôn vinh đúng tầm, hoặc chí ít cũng giải tỏa được những băn khoăn trong dư luận.

 

Lam Giang