1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cục trưởng Cục An ninh mạng: Chưa có thông tin Facebook, Google rời khỏi Việt Nam

(Dân trí) - Trung tướng Hoàng Phước Thuận – Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cho rằng với thị phần lớn như hiện nay, chắc chắn Facebook, Google sẽ không rời khỏi Việt Nam và cũng chưa có thông tin nào như vậy.

Ngày 15/6, Trung tướng Hoàng Phước Thuận – Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) trao đổi với báo chí phân tích những vấn đề liên quan đến Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2019.

- Quá trình soạn thảo Luật An ninh mạng, ban soạn thảo có làm việc với Facebook, Google… tại Viêt Nam hay không? Phản ứng của họ trước các điều khoản được đưa ra trong dự luật thế nào?

- Quá trình xây dựng luật, chúng tôi đã tiếp cận cả với những người có trách nhiệm của Facebook, Google. Khi trao đổi với đại diện của các tập đoàn đó, tôi chưa thấy họ có ý kiến gì khác. Họ chỉ hỏi có ảnh hưởng gì không, và khi tôi giải thích thì họ thấy vấn đề phù hợp, đồng thời cho biết sẽ điều chỉnh chiến lược của họ cho phù hợp.

Có thể khẳng định rằng, ban soạn thảo đã tiếp thu, cầu thị, điều chỉnh cho phù hợp trước khi trình ra tại kỳ họp thứ 5 để Quốc hội biểu quyết thông qua.

Trung tướng Hoàng Phước Thuận – Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an)
Trung tướng Hoàng Phước Thuận – Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an)

- Tức là khi luật An Ninh mạng có hiệu lực, sẽ không có chuyện các tập đoàn lớn như Facebook, Google rời khỏi Việt Nam như nhiều ý kiến lo ngại?

Với thị phần của các tập đoàn này tại Việt Nam thì chắc chắn sẽ không có chuyện đó. Hiện nay cũng chưa có thông tin nào về chuyện các tập đoàn này sẽ rời khỏi Việt Nam.

Ở Việt Nam là 48 triệu tài khoản, tức là thị phần rất lớn và chiếm một vị trí gần như hàng đầu trong hoạt động kinh doanh của Facebook, Google tại Việt Nam.

- Một trong những vấn đề được đưa ra gần đây khi quy định về việc quản lý dữ liệu người dùng cũng khiến nhiều người lo ngại ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của công dân?

- Có thể nói, chưa có luật nào đưa ra những điều khoản bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng mới như luật này.Đặc biệt là tôn giáo, dân tộc lại càng được bảo vệ. Ai xúc phạm dân tộc, ai kỳ thị giới đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, đương nhiên là tùy theo mức độ và sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Ai bị xúc phạm nhân phẩm, ai bị bịa đặt thông tin mà hành vi đó quy chiếu theo 29 nội dung của Bộ Luật Hình sự (những điều luật trực tiếp và điều luật có liên quan) và kể cả Luật Dân sự thì họ phải bị xử lý. Điều đó có nghĩa là quyền của tổ chức và cá nhân rất được bảo vệ.

Chúng ta vẫn có thể thoải mái sử dụng mạng để hoạt động nếu không vi phạm pháp luật.Tôi khẳng định không có gì cản trở ngôn luận nếu chúng ta trình bày đúng quan điểm và không vi phạm những điều luật pháp đã quy định.

Chúng ta vẫn nói “thật sao ảo vậy”. Thực tế, Bộ Luật hình sự quy định 29 nội dung bị cấm thì quy chiếu theo đó, các hành vi này trên mạng cũng sẽ bị cấm.Bởi không thể có chuyện đe dọa giết người ở ngoài đời bị xử lý, còn đe dọa giết người trên mạng lại được tự do. Và không thể nào kích động biểu tình, mang bom xăng và gậy gộc ở ngoài đời bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn trên mạng thì không bị xem xét, xử lý.

- Cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại một số quy định trong Luật vi phạm các điều ước quốc tế?

- Tôi khẳng định chưa bao giờ vi phạm, chúng tôi đã rà soát rất đầy đủ các quy định, và cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Quốc phòng An ninh cũng đã trình bày rất rõ ràng.Tôi cũng lắng nghe các nhà ngoại giao với tư cách của Ban Biên soạn, và họ cũng đều khẳng định có phạm vi ngoại lệ và quốc gia nào cũng như vậy.

- Luật này ban hành liệu có trao quyền quá lớn cho cơ quan chức năng trong việc đánh giá thế nào là nội dung vi phạm. Theo ông, làm thế nào để tránh được đánh giá không khách quan khi họ đăng các thông tin đó trên mạng xã hội?

- Trong việc xác định thông tin vi phạm pháp luật, nếu liên quan đến vấn đề thông tin truyền thông thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ là người thẩm định. Khi liên quan đến văn hóa thì Bộ Văn hóa sẽ là người thẩm định. Còn cơ quan chuyên trách về an ninh mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng căn cứ vào những thẩm định đó mới đề nghị cung cấp các thông tin khi điều tra hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy không thể có chuyện lực lượng chuyên trách về an ninh mạng lạm quyền.

Hơn nữa, trong Luật này cũng quy định rõ các điều cấm đối với cơ quan chuyên trách về an ninh mang, hay với cá nhân, tổ chức nào đó lợi dung nghiệp vụ an ninh mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trật tự an toàn xã hội thì chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật.

Thực tế cũng có thể thấy, Cục An ninh mạng hay Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng của Bộ Quốc phòng cũng chưa có hành vi đó bao giờ. Còn việc ai đó sử dụng để tổ chức đánh bạc là vi phạm pháp luật và chúng ta đã xử lý nghiêm.

- Theo Luật này, nếu có hành vi phạm pháp luật thì phải cung cấp hết thông tin của tổ chức, cá nhân cho cơ quan chức năng?

- Trong Bộ Luật Hình sự, Tố tụng hình sự đã quy định rất rõ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan chức năng được quyền điều tra.Luật này cũng vậy, với các dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng về an ninh mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng có trách nhiệm thẩm định tài liệu đó có đúng vi phạm không, trên cơ sở đó sẽ đề nghị các doanh nghiệp viễn thông, internet cung cấp các thông số khi cần thiết.

Song thực tế, không ai đủ sức giám sát tất cả tài khoản của các cá nhân, và Luật cũng chỉ đề nghị doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp các thông số khi điều tra hành vi vi phạm pháp luật. Điều 26 của Luật An ninh mạng quy định rất rõ điều này.

- Khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, nhiều người lo thông tin cá nhân sẽ bị lộ lọt, vậy Luật an ninh mạng kiểm soát việc này thế nào?

- Hiện nay, chính các doanh nghiệp đang lưu trữ thông tin của cá nhân rất nhiều và những thông tin cá nhân cũng đang bị lộ lọt rất nhiều. Vì thế mới có chuyện, chúng ta vừa mới đến sân bay đã có tin nhắn mời đi taxi, chúng ta đang họp cũng nhận được thông tin mua bán đất ở chỗ này, chỗ kia. Việc lộ lọt này là do sự quản lý không tốt của các doanh nghiệp.

- Sau khi luật thông qua, chúng ta nhận được phản hồi gì của các tổ chức quốc tế và cá doanh nghiệp như Facebook, Google không, thưa ông?

- Đến giờ phút này tôi chưa nhận được bất cứ phản hồi gì. Tất cả những ý kiến như vừa qua phần lớn do một bộ phận sử dụng không gian mạng để kích động, chia rẽ, xuyên tạc, bịa đặt và họ cứ đồn rằng dư luận thế này, dư luận sẽ khác.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong