Chuyện về người gánh hành trang, tháp tùng Bác Hồ về nước
(Dân trí) - Ngày 2 Tết năm Tân Tỵ (1941), sau “ba mươi năm ấy chân không nghỉ” lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí của mình đã đặt bước chân đầu tiên lên đất mẹ tại cột mốc 108 (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Những bước chân để tiến tới thành công của cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tháp tùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước vào mùa xuân năm 1941 có 5 người gồm: Phùng Chí Kiên; Lê Quảng Ba; Thế An; Phạm Văn Lộc và Đặng Văn Cáp. Câu chuyện này cũng đã được họa sĩ Trịnh Phòng tái hiện qua bức tranh sơn dầu “Bác Hồ về nước”. Trong bài viết này, chúng tôi xin được nói về người gánh hành trang trong bức tranh, ông chính là Phạm Văn Lộc.
Người được Bác Hồ đứng ra tổ chức đám cưới
Chúng tôi tìm về thôn Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình tìm gặp anh Lê Văn Lợi, là cháu nuôi, cũng xem như là con nuôi của bà Nguyễn Thị Cúc, người vợ của ông Phạm Văn Lộc.
Trong cuộc nói chuyện, anh Lợi đã cho chúng tôi xem nhiều tài liệu, tranh, ảnh về người mẹ nuôi, bà nuôi mà anh đã lưu giữ bấy lâu. Cùng với đó là những câu chuyện xúc động về mẹ nuôi và liệt sĩ Phạm Văn Lộc, người luôn ở bên cạnh Bác Hồ trong những năm tháng hoạt động cách mạng.
Anh Lợi cho biết, bà nuôi, cũng là mẹ nuôi của anh có 3 chị em gái, bố mất sớm. Lúc bà Cúc mới 4 tuổi, bà được mẹ dẫn qua Lào sơ tán. Bà Cúc từng nhận mẹ của anh Lợi làm con nuôi, sau đó lại tiếp tục chủ động xin nhận anh Lợi làm con nuôi.
Theo lời kể của anh Lợi, liệt sĩ Phạm Văn Lộc tên thật là Nguyễn Văn Ty. Những năm 20 của thế kỷ trước, gia đình ông Ty cùng nhiều người khác phải tha phương cầu thực tận nước Xiêm La (tức Thái Lan). Tại đây, ông đã gặp và yêu bà Nguyễn Thị Cúc. Cả hai đều là người trong tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội.
Năm 1928, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (tên gọi lúc đó là Thầu Chín) nhận thấy vẻ lanh lợi, tháo vát, giỏi võ và biết cả việc bốc thuốc chữa bệnh nên vận động Nguyễn Văn Ty ở cạnh mình để giúp đỡ. Ông Thầu Chín đã cải tên Nguyễn Văn Ty thành Phạm Văn Lộc để dễ hoạt động cách mạng.
Anh Lợi tâm sự, bà Cúc từng kể lại với anh rằng, những năm tháng ở Thái Lan, ông Thầu Chín nhận thấy tình cảm nồng thắm giữa ông Lộc và bà Cúc nên đã đứng ra tổ chức đám cưới cho hai người.
Gánh hành lý, tháp tùng Bác Hồ về nước
Đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sang Trung Quốc gặp đại biểu các đảng để tiến hành hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong chuyến đi này, Người quyết định đưa cả ông Lộc theo cùng, cũng từ đó hai vợ chồng ông Lộc, bà Cúc đành phải ly biệt.
Trước khi theo chân Bác, ông Lộc đã thổ lộ với ông Nguyễn Văn Bun (ông ngoại anh Lê Văn Lợi), một người cũng tha phương cầu thực, đồng cảnh ngộ với ông Lộc rằng, nếu sau này vợ chồng ông Bun có con thì hãy cho một đứa về ở với bà Cúc cho vui. Ông Bun lúc đó đã vui vẻ đồng ý và về sau đã thực hiện lời hứa này.
Năm 1960, Bà Cúc cũng theo vợ chồng con gái nuôi (con gái ông Bun) về nước, và cũng để về tìm lại tung tích về người chồng Phạm Văn Lộc. Một ngày cuối tháng 5/1979, bà Cúc tình cờ đọc được một bài viết trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 19/5/1979, chào mừng sinh nhật Bác Hồ. Đó là bài viết của đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác, trong đó có đoạn nói về bà và ông Lộc thời ở Xiêm La.
Niềm hy vọng tìm được chồng lại bừng lên trong bà. Không đợi thêm được nữa, bà Cúc gom góp tiền bán nước kèm tiền bán đàn gà chọi còn nhỏ mà anh Lợi đang nuôi, được tất cả là 11 đồng 2 hào rồi hai bà cháu ra Hà Nội tìm đồng chí Vũ Kỳ để hỏi về ông Lộc.
Khi gặp bà Cúc, đồng chí Vũ Kỳ đã kể lại cho hai bà cháu nghe những cống hiến lớn lao cho cách mạng của liệt sĩ Phạm Văn Lộc. Ông Lộc sau khi theo Bác sang Trung Quốc, luôn ở cạnh Người, nấu ăn, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Bác tận tình.
Trong chuyến vượt biên giới để trở về Tổ quốc (1941), ông Lộc gánh tư trang cho Bác (đúng như hình ảnh trong bức tranh “Bác Hồ về nước” của họa sĩ Trịnh Phòng). Đến ngày giành được độc lập (2/9/1945), ông Lộc vẫn ở cạnh Bác Hồ.
Ông Lộc là người lo cơm nước và bảo vệ Bác Hồ ở Pác Bó. Kháng chiến chống Pháp, ông về An toàn khu Thái Nguyên tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Phạm Văn Lộc trở về Khuôn Tát, dưới chân núi Hồng, ông bị sốt rét ác tính, bị bệnh đường ruột mất ngày 3/6/1948.
“Chính bác Vũ Kỳ, bác Kháng (Cục trưởng Cục cảnh vệ Bộ Công an) khâm liệm ông Lộc. Ông được chôn cạnh cây đa, gần khe suối ở Yên Định, Thái Nguyên. Sau khi chôn cất ông Lộc xong chu đáo, Bác Hồ mới ra về”, anh Lợi kể lại lời của đồng chí Vũ Kỳ.
Sau ngày gặp được đồng chí Vũ Kỳ, bà Cúc được Chính phủ và Nhà nước đặt trong diện quan tâm đặc biệt. Hai bà cháu được chính quyền địa phương xã Lương Ninh làm nhà lợp ngói để ở. Bà Cúc được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Khu dưỡng lão thành phố Huế và qua đời tại đây vào ngày 6/5/1990.
Tiến Thành