1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hải Phòng:

Chính quyền cưỡng chế barie, dân tập trung giữ để bảo vệ đường

(Dân trí) - Trong khi hàng chục cán bộ có mặt để tháo dỡ barie, người dân lại tập trung giữ barie để ngăn cản xe của doanh nghiệp đi vào vì cho rằng đoạn đường do họ đóng góp kinh phí làm nên.

Vào lúc 9h sáng 31/5, tại khu dân cư ngõ 27, đường 208, xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng đã diễn ra việc cưỡng chế chiếc barie.

Cụ thể, hàng chục cán bộ trong đó chủ yếu là công an xã, huyện đã được điều đến hiện trường để thực hiện việc phá bỏ trạm barie này với mục đích “dọn đường” cho hoạt động lưu thông của phương tiện có trọng tải lớn thuộc công ty VICO. Việc làm này bị các hộ dân tại ngõ 27 phản đối.

Hiện trường vụ dân bao vây giữ barie
Hiện trường vụ dân tập trung giữ barie

Theo phản ánh của người dân, đoạn đường mà họ tự ý lập barie là do dân trực tiếp đóng góp một khoản tiền lớn cho xã để xây dựng theo thông báo thu lệ phí xây dựng cơ sở hạ tầng CV số 01/TB – UB ban hành ngày 11/11/2005. Tuy nhiên mới đây, công ty bột giặt VICO xây dựng dự án nhà máy mở rộng trên khu vực này và biến ngõ đi của khu dân cư 27 thành cổng chính và đường vận chuyển của mình. Việc làm này của công ty được chính quyền chấp thuận nhưng lại chưa được sự đồng ý của người dân.

Hàng chục cán bộ, công an kiên quyết khống chế dân để tháo dỡ barie
Lực lượng chức năng tham gia buổi cưỡng chế, tháo dỡ barie

Trước tình trạng xe tải công suất lớn thường xuyên vào ra nhà máy qua ngõ 27 đã làm ảnh hưởng đến đường và đời sống dân sinh của khu dân cư, chiếc barie đã được họ tự dựng lên để giữ đường. Bên cạnh đó, người dân ở đây cũng tố công ty VICO đã tác động lên hệ thống thoát nước gây tắc, ngập mỗi khi mưa xuống dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường.

Cuộc cưỡng chế chiếc barie diễn ra trong vòng 2 giờ đồng hồ, cuối cùng chiếc barie đã được phá bỏ sau một thời gian dài tồn tại. Sau khi cưỡng chế thành công, lực lượng công an địa phương đã bắt hai người dân tham gia giữ barie là bà Nguyễn Thị Nga, 37 tuổi và Lê Thị Nguyệt Nga, 50 tuổi về trụ sở công an xã. Đến 19h tối ngày 31/5 hai người dân này vẫn chưa được về nhà.
 
Tại buổi cưỡng chế, các phóng viên của cơ quan báo chí có mặt tác nghiệp theo đúng luật định đã gặp phải sự cản trở “bất thường” từ phía đoàn cường chế. Có cán bộ còn chỉ mặt, xưng hô thiếu văn hóa với phóng viên và giật máy ảnh, che chắn gây khó cho báo chí tác nghiệp.

Cán bộ đoàn cưỡng chế ngăn cản phóng viên tác nghiệp
Cán bộ đoàn cưỡng chế ngăn cản phóng viên tác nghiệp

Ông Nguyễn Văn Hoàn, chủ tịch UBND huyện An Dương thể hiện quan điểm xung quanh vụ việc này: Việc người dân lập barie gây hạn chế các phương tiện vận tải lớn của doanh nghiệp ra vào là không hợp lí. Chính quyền buộc phải tháo bỏ theo chỉ đạo. Những nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân huyện sẽ có trách nhiệm giải quyết tuy nhiên phải kiến nghị bằng văn bản.

Trao đổi với PV Dân trí, đại diện công ty VICO cho biết: “Theo bên chúng tôi được biết thì đoạn đường mà công ty đang sử dụng là do xã bỏ tiền ra làm chứ không phải tiền của dân”.

Thu Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm