Thái Bình:
Chi 60 tỷ xóa bỏ “thủ phủ” lò vôi Cầu Nghìn
(Dân trí) - Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường từ những lò vôi ở thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, UBND tỉnh Thái Bình đã triển khai lộ trình đến tháng 8/2017 sẽ xóa bỏ toàn bộ 64 lò sản xuất vôi. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng gần 60 tỷ đồng từ (nguồn kinh phí 100% ngân sách tỉnh).
>>> Khói bụi từ “thủ phủ lò vôi” bủa vây khu dân cư
Tổ dân phố cầu Nghìn, thuộc thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) được xem là “thủ phủ lò vôi” ở Thái Bình. “Thủ phủ lò vôi” này được hình thành từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Vào những năm 1989 - 1990, Xí nghiệp Vôi Cầu Nghìn giải thể đã chuyển đổi cho hộ cá nhân sản xuất, kinh doanh vôi. Từ đó, một số hộ gia đình có điều kiện đã xây dựng và phát triển mạnh số lượng lò vôi và kinh doanh bến bãi vật liệu xây dựng tại khu vực cầu Nghìn, thị trấn An Bài.
Với việc kinh doanh từ vôi, các hộ gia đình ở đây cũng trở nên khá giả, các lò vôi cũng thi nhau mọc lên tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động. Tuy nhiên, cũng từ vôi hậu quả để lại với môi trường rất nặng nề, tình trạng ô nhiễm tại khu vực này đã lên đến mức báo động.
Vào tháng 8/2015, theo mẫu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình lấy tại 2 cơ sở sản xuất vôi tại đây, kết quả chỉ số bụi đã tổng vượt 1,6 đến 1,8 lần, chỉ số CO vượt 4,0 đến 4,2 lần so với QCVN 19:2009/BTNMT. Mẫu không khí xung quanh khu vực ở cả vị trí đầu và cuối hướng gió chỉ số bụi vượt 1,97 đến 3,17 lần so với QCVN 19:2009/BTNMT.
Nhiều nhà dân ở khu vực này phải liên tục đóng cửa gần như cả ngày để tránh khói bụi, ô nhiễm và tiếng ồn từ các lò vôi.
Nhằm đảm bảo môi trường và sức khỏe cho người dân, đảm bảo hành lang thoát lũ trên sông Hóa và hành lang an toàn giao thông cầu, QL10 khu vực Cầu Nghìn. UBND tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định số 3942 về việc phê duyệt Đề án xóa bỏ lò sản xuất vôi tại khu vực Cầu Nghìn, tại thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ.
Thực hiện đề án, ngay trong ngày 6/1, các cơ quan chức năng, lực lượng chuyên môn phối hợp triển khai bằng các trang thiết bị hỗ trợ, máy móc chuyên dụng để phá bỏ các lò vôi ở thị trấn An Bài. Theo chính quyền huyện Quỳnh Phụ, ngay trong tháng 1/2017 sẽ tháo dỡ khoảng từ 10 đến 15 lò vôi.
Ngay trong ngày 6/1, các cơ quan chức năng, lực lượng chuyên môn phối hợp triển khai bằng các trang thiết bị hỗ trợ, máy móc chuyên dụng để phá bỏ các lò vôi ở thị trấn An Bài
Theo đề án, đến hết tháng 8/2017 toàn bộ 64 lò vôi của 30 hộ dân, với 115 ruột lò trên tổng diện tích hơn 108.000 m2 sẽ phải xóa bỏ. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng gần 60 tỷ đồng (nguồn kinh phí 100% ngân sách tỉnh), gồm: chi phí hỗ trợ cho các chủ lò vôi (gần 51 tỷ đồng), kinh phí hỗ trợ người lao động, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí dự phòng và chi khác.
Theo quyết định ban hành, đối tượng được hỗ trợ là chủ các cơ sở, doanh nghiệp có lò sản xuất vôi; người lao động tham gia trực tiếp sản xuất tại các lò vôi sản xuất vôi phải tháo dỡ tại khu vực Cầu Nghìn. Phương thức hỗ trợ trực tiếp sau khi chủ lò vôi hoàn thành việc tháo dỡ lò vôi, vận chuyển phế thải đến nơi quy định. Thời gian hỗ trợ từ tháng 1 đến tháng 8/2017 (các chủ lò vôi thực hiện tháo dỡ sau thời gian này sẽ không được hỗ trợ).
Đến hết tháng 8/2017 toàn bộ 64 lò vôi của 30 hộ dân, với 115 ruột lò trên tổng diện tích hơn 108.000 m2 sẽ phải xóa bỏ
Mức hỗ trợ tối đa việc hỗ trợ thực hiện công tác tháo dỡ lò vôi, vận chuyển phế thải đến nơi đúng quy định cho chủ lò mức tối đa là 440 triệu đồng/1 ruột lò, thấp nhất là 264 triệu đồng/ 1 ruột lò (tùy theo việc chủ lò thực hiện sớm hay muộn trong thời gian quy định).
Đối với người lao động, kinh phí hỗ trợ được tính theo mức lương thực và quy đổi thành tiền. Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tư vấn giới thiệu việc làm.
Đức Văn