Cận cảnh cuộc sống của người dân tại nơi tạm trú tránh bão
(Dân trí) - Tối 25/12, trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Vũ Hồng – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện tại toàn tỉnh chưa có thiệt hại. Tỉnh đã chỉ đạo tới mỗi cán bộ, ngoài việc tập trung ứng phó với bão thì cần đảm bảo cơm no, chăn ấm cho người dân phải dời nhà, sơ tán tránh bão.
Vừa trở về trong chuyến khảo sát 4 huyện vùng U Minh (huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng), ông Phạm Vũ Hồng – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, dù bão số 16 suy yếu nhưng từ 13h chiều nay toàn tỉnh đã có mưa và gió, nhất là 4 huyện vùng U Minh có gió giật trên cấp 6.
Qua khảo sát thực tế, các địa phương làm tốt công tác vận động tuyên truyền cho người dân ứng phó với bão, như: sơ tán dân đến nơi ở an toàn, chằng chống nhà cửa, kêu gọi tàu cá vào tránh bão, di chuyển và kiên cố lồng bè cá… Trong buổi sáng ngày 25/12, tất cả tàu cá hoạt động trên vùng biển Kiên Giang đã vào đất liền.
“Nhờ bão suy yếu nên tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh chưa có thiệt hại về người và vật chất. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục chỉ đạo các đồng chí lãnh đạo địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình mưa bão; vẫn duy trì lịch trực 24/24, sẵn sàng hỗ trợ người dân” - ông Phạm Vũ Hồng cho biết.
Ngoài ra, ông Hồng nhấn mạnh, ngoài việc chú tâm vào công tác phòng chống bão 16 thì các địa phương còn tổ chức chăm sóc tốt cho người dân trong diện sơ tán tập trung, đảm bảo cơm no, chăn ấm cho bà con trong những ngày tránh bão.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh có đến 30.000 hộ dân cần di dời tránh bão. Số hộ dân này rải đều các địa phương và hiện nay người dân đã được bố trí vào những nơi ở an toàn. Riêng địa bàn TP Rạch Giá cũng là điểm nóng khi bão vào nên có 3 phường phải sơ tán dân.
19h tối ngày 25/12, PV Dân trí có mặt tại trường Cao đẳng sư phạm Kiên Giang (phường Rạch Sỏi, TP Rạch Giá), ghi nhận cảnh ăn ở của hơn 140 người dân đang tránh bão tại đây.
Bà Nguyễn Thị Mum – khu phố 7, phường Rạch Sỏi, đang bón cơm cho hai cháu ngoại bị tật từ nhỏ, cho biết: Do nhà cửa không đảm bảo an toàn nên gia đình bà được chính quyền đưa xe tới chở vào đây. Vì chạy bão nên đa phần người dân vào đây chẳng có gì nhưng được cán bộ, các cháu thanh niên hỗ trợ cơm ăn, nước uống và chăn màn… đầy đủ.
Chị Huỳnh Thị Yến cùng người cha 95 tuổi đang trú bão tại trường Cao đẳng sư phạm Kiên Giang kể, cha mẹ đều già, nhà cửa tạm bợ nên khi hay chính quyền thông báo sơ tán là vô đây liền. Từ chiều đến giờ, mưa gió lớn quá, chẳng biết ở nhà bây giờ thế nào nhưng bà con vào đây ở thì an tâm hơn nhiều so với ở nhà.
Ông Bùi Văn Tuất – Bí thư Đảng ủy phường Rạch Sỏi cho biết: "Nhận được chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi rà soát trên đìa bàn huyện có 360 người dân trong diện lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai và người tàn tật cần sơ tán vào nơi ở an toàn. Ngay buổi sáng 25/12, chúng tôi đã bố trí xe và tàu đến những gia đình thuộc sơ tán vận động người dân đến trường Cao đẳng sư phạm Kiên Giang tránh bão. Tính đến thời điểm này hiện có trên 150 người dân vào trường ở; số còn lại người dân tự di dời về gia đình người thân tránh bão. Khi đưa bà con về đây, địa phương vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, chùa… hỗ trợ gạo, nước uống, chăn, màng. Khi có thực phẩm, địa phương giao cho Hội phụ nữ phường tổ chức nấu cơm rồi mang đến cho người dân ăn".
Phú Quốc cơ bản hoàn tất công tác phòng chống bão
Đến 17 giờ ngày hôm nay, theo báo cáo của UBND huyện Phú Quốc đã di dời hơn 1.911 người, sơ tán tại chỗ 2.087 người, có hơn 2.500 ngôi nhà được chồng chắn, trên toàn huyện có 9 tụ điểm neo đậu tàu thuyền đã kiêu gọi 2.741 tàu thuyền về nơi neo đậu, hiện tại còn 24 tàu vẫn đang hoạt động trên biển, đang trên đường vào nơi neo đậu, huyện đã di dời được 260 lồng bè nuôi cá của người dân, và hiện tại còn 283 lồng bè chưa di dời được.
Công tác di dời dân được diễn ra ở các khu vực sát biển ở Gành Dầu, Hàm Ninh, Bãi Thơm, thị Trấn Dương Đông, An Thới và xã Hòn Thơm đến các trường học để ở. Chủ yếu là vận động di dời người già và trẻ em đến các trường học, và trụ sở cơ quan để đảm bảo an toàn cho người dân.
Huyện đã tháo dỡ hoàn tất các biển quảng cáo ban nơ, trên đường 30/4, đường Hùng Vương, đường Trần Hưng Đạo.
Chiều hôm nay các nhà hàng ở ven biển, chợ đêm Phú Quốc cũng đóng cửa ngưng kinh doanh.
Các lượng lượng quân đội, biên phòng, công an, lãnh đạo huyện, xã, thị trấn tức trục 24/24 trong trường hợp khẩn câp phải có phương án xử lý kịp thời đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, ngoài các cán bộ phường Rạch Sỏi đang trực chiến hỗ trợ, người dân còn có các bạn sinh viên, đoàn viên, cán bộ trường Cao đẳng sư phạm Kiên Giang cũng đang túc trực, sẵn sàng hỗ trợ người dân khi cần thiết. Hiện hầu hết các địa phương tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp đều có mưa kèm gió giật mạnh…
Tối nay, nhiều hàng quán trên đường 3/2- khu phố sầm uất của TP Rạch Giá đóng cửa vì ế khách
Bà Mum bón cơm cho cháu ngoại 26 tuổi bị tật nguyền từ nhỏ
Chính quyền địa phương ngoài lo cơm, nước uống còn lo chăn, màn cho người dân...
Hai cháu Võ Thị Ngọc Trinh và cháu Tôn Hòa Thông cùng bà ngoại vào trường Cao đẳng sư phạm Kiên Giang tránh bão khi cha mẹ đi làm ở Bình Dương
Nguyễn Hành