1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Nam:

Cá chết ở sông Bồng Miêu: Doanh nghiệp và người dân cùng "đầu độc"?

(Dân trí) - Sau sự cố nước thải của Công ty 6666 tràn ra môi trường làm cá chết hàng loạt, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm sát, giám sát chặt chẽ việc dừng hoạt động của công ty này và xử lý ngay tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu.

Doanh nghiệp nói gì sau sự cố?

Sau khi sự cố tràn nước thải ra môi trường làm cá chết, trao đổi với PV Dân trí, ông Trương Quốc Sỹ - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 (Công ty 6666) - cho hay, công ty ông đã tạm dừng khai thác từ năm 2015.

Cá chết trên sông Bồng Miêu ngày 17/3
Cá chết trên sông Bồng Miêu ngày 17/3

Theo ông Sỹ, việc khai thác quặng xái của công ty ông đã tạm dừng; tuy nhiên để bảo trì máy móc, cứ 10 ngày ông cho công nhân khởi động máy móc 2 ngày để bảo dưỡng tránh han gỉ, sau đó thì dừng lại. “Chúng tôi không sản xuất gì vì nói thật, sản xuất là thua lỗ”, ông Sỹ nói.

Về sự cố nước thải thoát ra sông, ông Sỹ khẳng định, chiều ngày 16/3, công ty có đưa một chiếc xe xúc đất vào khu vực đập thải để san gạt bờ đập trồng cây bảo vệ bờ đập, trong quá trình đó xe bị sa lầy. Sau đó có cho một chiếc xe xúc khác để kéo xe bị lầy. Công ty có hạ một đoạn bờ đê và có tràn ra ngoài khoảng10 m3 nước.

Khu nghiền, lọc quặng xái của Công ty 6666
Khu nghiền, lọc quặng xái của Công ty 6666

“Nước này là nước mưa lâu ngày tụ đọng tại đập thải, vì lâu nay công ty chúng tôi đã tạm dừng hoạt động, không phải là nước thải độc hại thải ra từ quá trình sản xuất. Sự việc hạ đoạn bờ đập của Công ty 6666 đã có người dân và UBND xã Tam Lãnh xác nhận vụ việc là do một xe máy xúc bị lầy nên công ty dùng một máy xúc khác để kéo nên phải hạ đoạn đập bờ đập này. Đoạn bờ đập này đã được công ty chúng tôi sửa lại như cũ”, ông Sỹ nói.

Ông Sỹ cũng cho biết, hiện Công ty 6666 chấp hành lệnh chấp hành tạm dừng, tuy nhiên thời gian qua công ty gặp rất nhiều khó khăn, việc tạm dừng hoạt động của công ty khá lâu, dẫn đến máy móc để lâu ngày hoen gỉ, hư hỏng thiệt hại rất lớn; công ty phải trả lãi vay ngân hàng vì công ty đã vay ngân hàng và bạn bè để đầu tư, đến nay chưa hoàn được vốn, công nhân không có việc làm... Tổng vốn đầu tư của Công ty 6666 vào mỏ vàng Bồng Miêu trên 61 tỉ đồng.

Bãi chứa thải quặng của Công ty 6666
Bãi chứa thải quặng của Công ty 6666

Có một thực tế là dòng sông Bồng Miêu bị đầu độc là do tình trạng khai thác vàng trái phép của người dân địa phương và các nơi đổ về khu vực mỏ vàng này để khai thác, có lúc lên đến hàng trăm người. Họ dùng bơm nước áp lực cao xịt vào đất, lấy quặng về xay đãi và dùng cyanua lắng vàng, sau đó tất cả đều đổ ra sông. Bởi thế sông Bồng Miêu ngậm hóa chất độc và bùn đỏ quanh năm.

Cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt mỏ vàng Bồng Miêu

Về sự cố nước thải Công ty 6666 tràn ra môi trường, bà Lê Thị Tuyết Hạnh – Phó Giám đốc Sở TN-MT Quảng Nam đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam.

Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm sông Bồng Miêu là từ hoạt động khai thác vàng trái phép
Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm sông Bồng Miêu là từ hoạt động khai thác vàng trái phép

Theo bà Hạnh, nguyên nhân cá chết tại khu vực suối Trang chảy ra sông Bồng Miêu có nhiều nguồn thải, trong đó bao gồm các hoạt động khai thác vàng trái phép (của người dân) và có cả nguồn nước thải của Công ty 6666.

“Do vị trí có cá chết cách điểm bờ hồ bị vỡ khoảng 1km nên chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây cá chết trên sông là do nước thải của Công ty 6666 gây ra”, bà Hạnh kết luận.

Tuy nhiên, bà Hạnh cũng cho rằng, Công ty 6666 đã không thực hiện đúng các yêu cầu của UBND tỉnh như không thực hiện việc dừng toàn bộ hoạt động khai thác, sử dụng quặng tại các bãi thải và hoạt động vận chuyển, tuyển, chế biến quặng đuôi tại bãi thải mỏ vàng Bồng Miêu…

Sông Bồng Miêu đục quanh năm do các hoạt động khai thác khoáng sản gây ra
Sông Bồng Miêu đục quanh năm do các hoạt động khai thác khoáng sản gây ra

Báo cáo của Sở TN-MT cũng nêu rõ: “Sau khi Công ty khai thác vàng Bồng Miêu dừng hoạt động khai thác vàng cho đến nay, vấn đề môi trường ở khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là việc khai thác vàng trái phép, cùng với việc hoạt động của Công ty 6666 tại khu vực chưa đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường dẫn đến tình trạng ô nhiễm, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư khu vực”.

Trên cơ sở báo cáo của Sở TN-MT, chiều ngày 20/3, ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gởi các cơ quan chức năng về việc kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và khắc phục ô nhiễm môi trường ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu.

Theo đó, UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, Công an tỉnh, Sở TN-MT, xã Tam Lãnh có trách nhiệm khẩn trương tổ chức kiểm tra, truy quét, xử lý ngay tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện, đặc biệt khu vực sông Bồng Miêu và Đồi Sim, xã Tam Lãnh.

Xử lý nghiêm các trường hợp bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản vàng trái phép; tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ việc Công ty 6666 dừng toàn bộ hoạt động khai thác, sử dụng quặng tại các bãi thải mỏ vàng Bồng Miêu và hoạt động vận chuyển, tuyển, chế biến quặng đuôi tại bãi thải mỏ vàng Bồng Miêu, xưởng chế biến tận thu kim loại vàng, chì ở khu vực Suối Trang và xưởng chế biến tận thu kim loại vàng ở khu vực Hố Lò 5 theo đúng chỉ đạo của Bộ TN-MT…

Công an tỉnh phối hợp, hỗ trợ UBND huyện Phú Ninh tổ chức kiểm tra, truy quét, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực xã Tam Lãnh; tiến hành thanh kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đồn Công an xã Tam Lãnh đã để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý trong thời gian qua, xử lý nghiêm các trường hợp bao che, tiếp tay cho các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản trái phép.

Ngoải ra, tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Công ty 6666 thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ TN-MT; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố vỡ hồ chứa nước thải và báo với cơ quan chức năng để theo dõi, quản lý và chỉ đạo.

Công Bính