1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ GTVT kết luận vụ Cục Hàng hải bị tố có dấu hiệu tham nhũng

(Dân trí) - “Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định không có bất cứ cá nhân cán bộ nào của Cục và Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam liên danh, liên kết thành lập công ty sân sau. Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo Cục chưa nhận bất cứ một khoản tiền nào của Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam”.

Theo nguồn tin của PV Dân trí, Thanh tra Chính phủ vừa nhận được văn bản số 2344/KL-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải kết luận nội dung tố cáo đối với Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nạo vét luồng hàng hải sông Thị Vải. Trước đó, Ban Dân nguyện Quốc hội đã chuyển đơn thư tố cáo có danh của công dân tới Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giải quyết theo thẩm quyền.

Trụ sở Cục Hàng hải Việt Nam- Bộ Giao thông vận tải.
Trụ sở Cục Hàng hải Việt Nam- Bộ Giao thông vận tải.

“Chưa nhận bất cứ một khoản tiền nào”

Tại văn bản số 2344, Bộ GTVT đã viện dẫn rất nhiều văn bản, quyết định để làm rõ nội dung tố cáo “Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GTVT đã cố tình gây khó khăn cho Công ty Đan Thành trong việc thực hiện dự án, làm trái quy định của Quyết định số 73/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ GTVT quản lý tại các dự án” là chưa có cơ sở.

Bộ GTVT lý giải, năm 2015 Cục Hàng hải Việt Nam đã chấp thuận dự án, trong đó có nội dung: Khối lượng nạo vét trên 905.218m3; thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 đến hết quý I/2017. Trên cơ sở đề xuất của Công ty Đan Thành trình Cục Hàng hải Việt Nam hồ sơ điều chỉnh, chỉ đề xuất thời gian và khối lượng nạo vét đạt chuẩn tắc (không đề xuất khối lượng nạo vét duy tu).

Đơn tố cáo chính danh cũng nêu: “Cục Hàng hải Việt Nam nhiều lần yêu cầu công ty ký hợp đồng thực hiện dự án phần khối lượng theo số liệu khảo sát thông báo hàng hải của Tổng công ty Bảo Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam là 26.160,9m3 mặc dù Công ty Đan Thành không đồng ý với khối lượng quá thấp, thấp hơn hẳn 56 lần số liệu đã được thẩm định và phê duyệt. Việc đó dẫn đến công ty không thể thu hồi được vốn đầu tư đã bỏ ra, dẫn đến gây thiệt hại kinh tế, gặp khó khăn và lâm vào cảnh phá sản. Cũng như Nhà nước thất thu các khoản thuế phí liên quan đến dự án nếu giảm khối lượng từ 905.208,03m3 xuống còn 26.160,9m3 với tổng số tiền thuế phí hơn 11 tỷ đồng”.

Từ báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan, Bộ GTVT cho rằng tố cáo này chưa có cơ sở, bởi khối lượng hơn 26.160 m3 chỉ là một đoạn chồng lấn với đoạn dự án xã hội hoá của Công ty Đan Thành, không phải cho toàn dự án; thực tế nhà đầu tư chưa ký hợp đồng, chưa triển khai dự án. Cục Hàng hải Việt Nam cũng khẳng định chưa có văn bản nào điều chỉnh khối lượng của toàn dự án từ hơn 905.2000 m3 xuống còn hơn 26.160 m3.

Tuy vậy, Bộ GTVT thừa nhận văn bản của Cục Hàng hải Việt Nam chưa đề cập đến khối lượng cho toàn dự án xã hội hoá mà Công ty Đan Thành thực hiện 10,5km là nguyên nhân có việc hiểu chưa đúng về khối lượng và thực hiện hợp đồng của nhà đầu tư này.

Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam đề xuất kế hoạch nạo vét duy tu luồng hàng hải bằng ngân sách nhà nước trên tuyến Vũng Tàu-Thị Vải năm 2016-2017 có đoạn trùng với đoạn luồng đã được giao cho Công ty Đan Thành thực hiện đều trước khi nhận được văn bản của Cục Hàng hải Việt Nam thông báo về đoạn luồng đã giao nạo vét xã hội hoá.

Cục Hàng hải Việt Nam là đơn vị được phân bổ ngân sách chứ không phải Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam. Việc lập kế hoạch nạo vét, duy trì được Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng cho toàn tuyến Vũng Tàu- Thị Vải.

Khi được phân bổ ngân sách nạo vét, căn cứ tình hình phát triển dự án xã hội hoá, Cục Hàng hải Việt Nam đã yêu cầu không thực hiện khảo sát, thi công bằng ngân sách nhà nước đoạn luồng đã giao cho Công ty Đan Thành thực hiện. Thực tế năm 2016-2017 đoạn luồng chồng lấn đã không tổ chức nạo vét từ nguồn ngân sách như vậy.

Đáng chú ý nhất, Bộ GTVT đã làm rõ nội dung tố cáo: “Cục Hàng hải Việt Nam làm trái lợi ích nhóm, sân sau và có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí tiền ngân sách nhà nước đối với Cục Hàng hải (Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang) và Tổng công ty Bảo Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam”.

Kết quả xác minh của Bộ này cho thấy, các hoạt động tham mưu trong công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật chuyên ngành hàng hải đều thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Hàng năm các hoạt động của Cục Hàng hải Việt Nam đều được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, trong các kết luận chưa có kết luận nào kết luận Cục Hàng hải Việt Nam hoặc cá nhân của Cục Hàng hải Việt Nam nào vi phạm pháp luật về làm trái, lợi ích nhóm, tham nhũng lãng phí như nội dung người tố cáo nêu”.

Cục Hàng hải Việt Nam và cá nhân lãnh đạo cơ quan này không có văn bản nào chỉ đạo hoặc có sự ưu ái cho Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc tác động yêu cầu tổng công ty phải giao phần việc của tổng công ty cho tổ chức, đơn vị, cá nhân nào thực hiện.

“Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định không có bất cứ cá nhân cán bộ nào của Cục và Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam liên danh, liên kết thành lập Công ty sân sau và Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo Cục chưa nhận bất cứ một khoản tiền nào của Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam”- thông báo của Bộ GTVT gửi Thanh tra Chính phủ nêu và kết luận “nội dung tố cáo chưa có cơ sở”.

Dự án nạo vét sông Thị Vải có rất nhiều điều tiếng (Ảnh: Người lao động).
Dự án nạo vét sông Thị Vải có rất nhiều điều tiếng (Ảnh: Người lao động).

Cục Hàng hải Việt Nam kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan

Bộ GTVT cho rằng, nguyên nhân có các nội dung tố cáo nói trên xuất phát từ việc cơ quan tham mưu tổ chức quản lý dự án xã hội hoá chưa tốt, chưa kịp thời tham mưu cho Bộ giải quyết dứt điểm các vướng mắc tồn tại trong việc triển khai dự án, thực hiện dự án xã hội hoá.

Cục Hàng hải Việt Nam ban hành văn bản số 3549/2016, văn bản số 1884/2017 gửi cho nhà đầu tư chưa đề cập đến khối lượng cho toàn dự án Công ty Đan Thành thực hiện 10,5km là nguyên nhân việc hiểu chưa đúng về khối lượng của nhà đầu tư.

Hơn nữa, Dự án nghiên cứu tổng thể, toàn diện tuyến luồng tàu biển Cái Mép-Thị Vải, Công ty CP Tư vấn thiết kết cảng-kỹ thuật biển là tư vấn lập dự án trong phương án nêu giao cho Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam liên danh với doanh nghiệp khác thực hiện việc thu xếp vốn và tổ chức đầu tư là không đúng.

“Hồ sơ tài liệu nghiên cứu tổng thể, toàn diện tuyến luồng tàu biển Cái Mép-Thị Vải quản lý hồ sơ chưa chặt chẽ, chưa giao cụ thể cho một đơn vị quản lý”- Bộ GTVT khẳng định.

Chính vì vậy, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân có trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, thiếu sót.

Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì phối hợp với Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và các đơn vị liên quan làm việc với nhà đầu tư Công ty Đan Thành để rà soát toàn bộ các nội dung liên quan đến việc quản lý, triển khai thực hiện dự án mang tính tổng thể, toàn diện, khách quan, đúng pháp luật. Nếu xét thấy cần thiết, Cục Hàng hải Việt Nam trưng cầu một đơn vị tư vấn độc lập, có uy tín tiến hành khảo sát, đánh giá lại một cách khách quan phương án và khối lượng nạo vét của dự án xã hội hoá của nhà đầu tư.

Bộ GTVT cũng giao Thanh tra Bộ GTVT đôn đốc theo dõi việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo và chủ động nắm bắt diễn biến tình hình sau khi có kết luận này.

Thế Kha