Bộ Công an trả lời về trường hợp được nộp phạt tại chỗ
(Dân trí) - Theo Bộ Công an, Khoản 1 Điều 56 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Một người dân gửi câu hỏi tới Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (www.mps.gov.vn): “Tôi vi phạm lỗi vượt đèn đỏ và bị CSGT xử phạt. Tôi đã đề nghị được nộp phạt tại chỗ để tiếp tục lưu thông vì có việc đang rất vội nhưng CSGT không đồng ý. Tôi muốn hỏi, những lỗi vi phạm giao thông nào thì được nộp phạt tại chỗ?”.
Trả lời, Bộ Công an cho biết Khoản 1 Điều 56 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản”
Hành vi “vượt đèn đỏ” là vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông theo quy định tại Nghị định số 46/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Cụ thể, tại Điểm c Khoản 4 Điều 6 đối với phương tiện là xe mô tô với mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng và tại Điểm a Khoản 5 Điều 5 đối với phương tiện là xe ô tô có mức phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
“Căn cứ theo các quy định trên, hành vi vi phạm của công dân phải thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính và thực hiện các trình tự xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật”- Bộ Công an cho hay.
Một công dân khác cho biết, năm 2013 có bán 1 chiếc xe máy nhưng lúc đó không làm thủ tục sang tên. “Hiện tại tôi cũng không gặp, không liên hệ được với người mua chiếc xe đó. Bộ Công an cho tôi hỏi, tôi muốn xác nhận và chứng thực xe đó không thuộc quyền sở hữu của tôi nữa thì tôi phải làm thế nào?”- người này thắc mắc.
Theo Bộ Công an, Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an quy định về đăng ký xe hướng dẫn về chứng từ chuyển quyền sở hữu đối với xe cá nhân như sau: “…Quyết định bán, cho, tặng hoặc hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật; Hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính; Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực…”
Quy định trách nhiệm của chủ xe được nêu tại Khoản 2 Điều 6: “Ngay khi có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi. Trường hợp chủ xe không thông báo thì tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đó đến khi tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.”
“Như vậy, bạn phải thực hiện các thủ tục trên khi bán xe”- Bộ Công an hướng dẫn.
Bồi thường thiệt hại trong một vụ tai nạn giao thông
“Tôi đang tham gia giao thông trên đúng phần đường, làn đường của mình và hoàn toàn đúng tốc độ cho phép, nhưng đột ngột có một người đâm vào sau xe của tôi khá mạnh và đã tử vong. Tôi muốn hỏi, tôi có phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp này hay không?”- một công dân gửi câu hỏi tới Bộ Công an.
Trả lời việc này, Bộ Công an dẫn quy định tại Khoản 4 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Cơ quan Công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm, cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và Ủy ban nhân dân địa phương bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn”.
Vì vậy, việc điều tra giải quyết tai nạn giao thông là các hoạt động điều tra do lực lượng Cảnh sát nhân dân tiến hành theo quy định của pháp luật, nhằm phát hiện và thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu có liên quan để xác định diễn biến, nguyên nhân, điều kiện gây ra tai nạn giao thông. Đồng thời xử lý những hành vi gây ra tai nạn giao thông (xử lý hành chính nếu hành vi của người gây tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm hoặc xử lý hình sự nếu hành vi của người gây tai nạn giao thông có đủ dấu hiệu của tội phạm) theo quy định của pháp luật.
Pháp luật không quy định cho Cơ quan Công an có chức năng giải quyết dân sự, việc giải quyết dân sự là do các bên có liên quan tự thỏa thuận với nhau.
Trong trường hợp các bên có liên quan không thỏa thuận được, theo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015, một trong các bên khởi kiện ra Tòa dân sự để giải quyết.
Thế Kha