1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Bầu cử giống kinh tế thị trường, lấy tiếng nói người tiêu dùng để quyết định"

(Dân trí) - “Việc bầu cử giống như kinh tế thị trường, lấy tiếng nói của người tiêu dùng để quyết định, lấy nhu cầu của người tiêu dùng để xây dựng kế hoạch kinh doanh, chứ không phải lấy nhận thức chủ quan để tạo nên sản phẩm”, Tiến sĩ Võ Trí Hảo (Đại học Kinh tế TPHCM) ví von.

Xung quanh hoạt động bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân và Đại biểu Quốc hội đang diễn ra sôi nổi khắp cả nước, PV Dân trí có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Võ Trí Hảo (Giảng viên Chương trình Thạc sĩ Luật kinh doanh, ĐH Kinh tế TPHCM) về những vấn đề mà người dân, cử tri đang đặc biệt quan tâm.

Tiến sĩ Võ Trí Hảo, Giảng viên Chương trình Thạc sĩ Luật kinh doanh, ĐH Kinh tế TPHCM
Tiến sĩ Võ Trí Hảo, Giảng viên Chương trình Thạc sĩ Luật kinh doanh, ĐH Kinh tế TPHCM

Thưa ông, vấn đề nóng bỏng đang được dư luận đặc biệt quan tâm trước khi cử tri chính thức cầm lá phiếu đi bầu cử là về tư cách của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Dư luận thời gian qua băn khoăn về những thông tin một số ĐBQH thường bỏ họp hoặc chưa quan tâm đến những vấn đề bàn thảo trên nghị trường, không lắng nghe ý kiến của cử tri, tiếp xúc cử tri cũng chỉ là lấy lệ… Ông nhìn nhận thực tế này như thế nào?

Tôi nghĩ nguyên nhân chủ yếu ở đây là do tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm tới gần 70% nên đại biểu tuy vẫn coi sinh hoạt Quốc hội là quan trọng nhưng không phải là việc chính. Bởi vậy, vẫn có những trường hợp đại biểu bấm nút, bỏ phiếu hộ hay những trường hợp như là bỏ họp như báo chí đưa tin thời gian qua.

Cũng do những hiện tượng nêu trên nên vấn đề mà cử tri, người dân quan tâm lớn nhất tại cuộc bầu cử ĐBQH lần này chính là chất lượng đại biểu. Ông nghĩ thế nào về cơ cấu xây dựng hiện nay?

Cơ cấu đại biểu ĐBQH phải hướng đến chất lượng đại biểu. Phải có góc nhìn từ trên xuống. Phải làm sao cung cấp “sản phẩm” đầy đủ và chất lượng.

Chúng ta liên tưởng sự việc này giống như kinh tế thị trường, lấy tiếng nói của người tiêu dùng để quyết định, lấy nhu cầu của người tiêu dùng để xây dựng kế hoạch kinh doanh, chứ không phải lấy nhận thức chủ quan để tạo nên sản phẩm. Đương nhiên, doanh nghiệp (DN) nào sai lầm trong việc nhận thức nhu cầu của người tiêu dùng thì họ sẽ phải trả giá, thậm chí phá sản, nhường chỗ cho DN nào biết nắm bắt nhu cầu thị trường và đổi mới sáng tạo nhanh hơn.

Hoạt động hiệp thương hiện vẫn đi theo tư duy cũ, cơ cấu sẵn đại biểu cho dân dễ chọn và không chọn lầm người. Nhưng thực ra chọn nhầm người hay không, về bản chất thì phải do cử tri quyết định.

Theo ông, để có thể lựa chọn được những đại biểu đủ đức, đủ tài, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ứng cử vào Quốc hội khóa 14, những tiêu chí nào là quan trọng nhất?

Tiêu chí thì Luật bầu cử đã quy định, so với thế giới như thế là cao rồi. Vấn đề là quy trình để chọn người thực tài. Câu trả lời là hãy để người ứng cử tự do vận động tranh cử, cử tri tự do lựa chọn. Luật bầu cử chỉ mới cho phép “vận động bầu cử”, mà chưa cho phép “vận động tranh cử”. Quy định vận động bầu cử theo Điều 65, Điều 66 luật bầu cử hiện cũng còn hạn chế, khó để cho ứng viên có thể phô diễn hết tài năng cho toàn bộ cử tri, mà chỉ phô diễn với một bộ phận cử tri chọn lọc.

Cuộc bầu cử ĐBQH vừa phải giải quyết được vấn đề cơ cấu, thành phần đại biểu và yêu cầu về chất lượng đại biểu. Theo ông, làm thế nào để giải quyết được cả 2 tiêu chí này cùng một lúc?

Theo tôi, hãy để cho người dân tự quyết định. Bởi chính người dân có đủ điều kiện chọn đúng người đại diện cho mình, hơn nữa họ là người có quyền lợi liên quan nhất. Vấn đề là cần cơ chế phù hợp để người dân lựa chọn.

Tại cuộc bầu cử nào cũng vậy, cử tri, người dân luôn mong muốn mọi việc diễn ra công khai, minh bạch, công bằng vì tranh cử sẽ giúp chọn được những người xứng đáng. Ông có ý kiến gì về vấn vấn đề này?

Luật bầu cử hiện quy định người ứng cử được trả lời phỏng vấn về chương trình hành động của mình trên các phương tiện truyền thông địa phương tại nơi mình ứng cử (không được phép sử dụng các tờ báo, truyền hình quốc gia) hoặc tại trang thông tin điện tử của Ủy ban bầu cử (cơ quan địa phương). Theo tôi nên mở rộng, được phép sử dụng tất cả các kênh truyền thông của Đảng và Nhà nước, để cử tri có điều kiện thông tin tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Công Quang (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm