Bất lực với hàng nghìn taxi ngoại tỉnh “đổ” về Hà Nội hoạt động

(Dân trí) - Hàng nghìn xe taxi do các tỉnh lân cận Hà Nội cấp phép, lẽ ra phải hoạt động phục vụ nhân dân địa phương, nhưng lại đồng loạt “tụ” về Hà Nội kiếm khách, gây sức ép cho giao thông Hà Nội và tạo ra môi trường kinh doanh vận tải taxi không lành mạnh.

Taxi ngoại tỉnh “quay đầu” về Hà Nội như thế nào?

Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có quy định: Xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt (Hà Nội là đô thị đặc biệt) và không quá 12 năm tại các địa phương khác.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Dân trí, một số doanh nghiệp vận tải có xe taxi hết hạn hoạt động tại Hà Nội đã ra các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… để xin cấp phép hoạt động thêm 4 năm nữa dưới hình thức thành lập trụ sở chính hoặc chi nhánh hoạt động tại các tỉnh này. Nhưng trên thực tế, các xe này lại vẫn “quay đầu” về Hà Nội hoạt động.


Rất nhiều xe taxi của hãng Sao Thủ đô do Bắc Ninh cấp phép nhưng lại hoạt động ở Hà Nội.

Rất nhiều xe taxi của hãng Sao Thủ đô do Bắc Ninh cấp phép nhưng lại hoạt động ở Hà Nội.

Về vấn đề này, ông Dương Đình Hải - Phó Trưởng phòng Pháp chế - An toàn (Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh) thừa nhận: “Thực tế là có hiện tượng các xe taxi hết hạn ở Hà Nội đã về các tỉnh lân cận Hà Nội để xin cấp phép lại. Đối với những xe này chúng tôi phải kiểm tra, nếu Sở GTVT Hà Nội đã thu hồi phù hiệu và xe vẫn còn đăng kiểm thì chúng tôi mới cấp. Tuy nhiên, để một doanh nghiệp vận tải nào đó xin cấp phép kinh doanh vận tải (KDVT) bằng ô tô tại Bắc Ninh phải đủ các điều kiện theo qui định của pháp luật thì chúng tôi mới tiến hành cấp phép”.

Theo thống kê, tại tỉnh Bắc Ninh số xe có BKS Hà Nội được Sở GTVT tỉnh này cấp phù hiệu taxi khoảng hơn 500 xe.

Còn tại Hưng Yên, ông Nguyễn Đức Đoàn – Trưởng phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT tỉnh Hưng Yên) - cho biết, hiện tại (tính đến ngày 19/7) Sở này đã cấp phù hiệu cho 518 xe taxi có BKS Hà Nội của 7 hãng taxi như: Green, Minh Sáng, Thành Lợi, Thanh Nhàn, Hà Nội Sao, Quốc Tuấn, Việt Nam Taxi.

Cũng theo ông Đoàn, có thời điểm kiểm tra đã phát hiện 407 xe taxi được Sở GTVT tỉnh Hưng Yên cấp phù hiệu nhưng chỉ hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra thực tế thì trụ sở chi nhánh, văn phòng tại Hưng Yên không có nhân viên, người điều hành; gọi điện theo số máy niêm yết của hãng nhưng không có người trả lời hoặc không có xe phục vụ.

Một nguyên nhân dẫn đến lượng xe taxi gia tăng tại Hà Nội được Sở GTVT TP Hà Nội chỉ rõ là do các đơn vị vận tải mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đi lại bằng xe taxi của người dân trên địa bàn Hà Nội. Một số doanh nghiệp có Giấy phép KDVT hoạt động tại Hà Nội đã thành lập chi nhánh tại các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hòa Bình, Ninh Bình,… để di chuyển phương tiện của đơn vị đầu Hà Nội, đầu phương tiện và xin cấp phép phù hiệu của các tỉnh đó.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến tháng 7/2016, Sở GTVT Hà Nội đã xác nhận gần 7.600 xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi chuyển đi xin cấp phù hiệu ở các địa phương khác. Qua rà soát, một phần lớn các phương tiện này được đưa về hoạt động thường xuyên trên địa bàn Hà Nội (khoảng 3.000 xe).

“Tôi lấy ví dụ, một chiếc xe ô tô sản xuất năm 2008, được Hà Nội cấp phù hiệu taxi năm đó. Đến năm 2016 thì xe taxi này hết hạn, Hà Nội thu hồi phù hiệu, nhưng xe này lại ra tỉnh ngoài xin cấp phù hiệu 4 năm nữa rồi lại quay về Hà Nội hoạt động. Nếu Hà Nội không tìm cách xử lý những xe này thì quy định niên hạn 8 năm với xe taxi không có tác dụng, khách hàng Thủ đô vẫn phải ngồi trên những chiếc xe taxi cũ nát” – một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị cho biết.

Chính quyền bất lực hay buông lỏng quản lý?

Thực trạng nêu trên đang gây sức ép giao thông rất lớn cho Thủ đô Hà Nội, trong khi đó thành phố này đang nỗ lực tìm mọi cách để giảm ùn tắc giao thông. Vậy taxi đăng ký ở tỉnh ngoài có được phép hoạt động ở Hà Nội?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Kim Toản – Trưởng phòng Pháp chế - An toàn (Sở GTVT Bắc Ninh) cho biết: “Theo Nghị định 86 của Chính phủ không cấm phạm vi hoạt động của xe taxi, do đó khi phát hiện những xe taxi do Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh cấp phép mà hoạt động tại Hà Nội thì chúng tôi cũng không có cơ sở để phạt họ mà chỉ nhắc nhở thôi”.

Taxi Hà Nội Sao do Sở GTVT tỉnh Hưng Yên cấp phép nhưng cũng thường xuyên hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Taxi Hà Nội Sao do Sở GTVT tỉnh Hưng Yên cấp phép nhưng cũng thường xuyên hoạt động trên địa bàn Hà Nội.

Theo khảo sát thực tế của phóng viên một số hãng taxi như Sao Thủ đô (do Bắc Ninh cấp phép), taxi Hà Nội Sao (Hưng Yên cấp), taxi Thanh Nhàn (Hưng Yên cấp),… có rất nhiều xe đang hoạt động gần như 100% ở Hà Nội. Vậy đơn vị cấp phép đã quản lý, giám sát và xử lý như nào? Ông Toản giải thích: “Khi nhắc nhở thì họ nói chở khách theo yêu cầu, cái này cũng khó, hơn nữa trong luật không cấm”.

Phóng viên lập luận: “Sở GTVT Bắc Ninh hoàn toàn có thể nắm được số giờ hoạt động của từng xe taxi do Sở cấp phép ở địa bàn nào một cách chính xác nhờ thiết bị giám sát hành trình, chỉ cần trích xuất từ máy tính ra là biết hết”. Ông Toản im lặng một lúc rồi nói sẽ kiểm tra sau (?!).

Thực tế, nếu căn cứ vào Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT thì không có qui định cụ thể phạm vi hoạt động của xe taxi. Chính vì vậy các doanh nghiệp vận tải đã lợi dụng kẽ hở này ồ ạt đưa xe taxi ngoại tỉnh cấp phép về Hà Nội hoạt động như những chiếc xe “taxi dù”.

Trước đó, trả lời PV Dân trí về nội dung này, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho biết, trên địa bàn thành phố hiện nay có số lượng lớn taxi hoạt động cố định nhưng được đăng ký kinh doanh ở tỉnh khác. Với thủ đoạn đó đơn vị kinh doanh taxi tìm cách trốn tránh sự quản lý, giám sát của nhà nước. Không chịu sự quản lý của ai nên những lái xe này thường lợi dụng tăng giá cước, bắt chẹt hành khách. Thực tế là đa số các xe taxi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách bị lực lượng chức năng xử lý đều đăng ký kinh doanh ở tỉnh khác.

Nguyễn Dương