1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tết còn xa với người dân trên bãi giữa sông Hồng

Tại bãi giữa ven sông Hồng, một cái Tết nữa lại đến, cảnh vật chẳng có gì thay đổi, người dân vẫn cố gắng tìm kế mưu sinh từng ngày.

Tôi từng ghé bãi giữa sông Hồng vào mùa nước nổi. Khi ấy, những ngôi nhà không móng lênh đênh trên mặt nước, người dân thì “chạy” lên bờ tránh lũ.

Rồi dịp mùa hè, khi cái nắng bao trùm lên những mái nhà lợp bạt, tấm xi măng, người dân cũng lên bờ ngồi tránh nóng dưới bóng cây.

Cảnh vật tại xóm Phao những ngày giáp Tết không có gì thay đổi, vẫn xiêu vẹo, xập xệ.
Cảnh vật tại "xóm Phao" những ngày giáp Tết không có gì thay đổi, vẫn xiêu vẹo, xập xệ.

Những ngày giáp Tết hối hả này, lối vào bãi giữa sông Hồng tưởng chừng như xa gấp nhiều lần. Con đường ngoằn ngoèo không một bóng người, những hàng chuối rủ xuống đường, hai bên là những mái nhà lụp xụp khiến khung cảnh càng trở nên xơ xác, tiêu điều.

Không khí nơi đây bao trùm bởi sự yên ắng đến tẻ nhạt, thỉnh thoảng có tiếng người chạy xe máy, tiếng chó sủa, trái ngược với sự tấp nập, vồn vã của dòng người đi trên cầu Long Biên cách đó không xa. Với người dân khu bãi giữa, hàng chục năm nay “Tết có như không”. Họ dường như không có ý niệm gì về việc mua sắm trang trí Tết.

Ông Thảo ngồi co ro trong nhà trước từng cơn gió rét.
Ông Thảo ngồi co ro trong nhà trước từng cơn gió rét.

Đi qua cây cầu bắc tạm bằng vài tấm ván gỗ, nhà của ông Thảo (quê Nam Định) cũng vỏn vẹn vài mét vuông.

Đã ngoài 80 tuổi, không có con cái, ông Thảo sống một mình trên căn nhà cứ dập dềnh theo sóng nước. Không khí Tết trong nhà ông không có gì ngoài nải chuối, quả bưởi được cho.

Ông bảo “Tôi làm gì có Tết, Tết cũng như ngày thường thôi, chỉ mong có đủ ăn qua ngày”. Vừa nói, ông vừa xoa đôi chân gầy xơ, không đi tất trong những ngày lạnh buốt này.

Sống lâu trong cái khổ, cái lạnh, dường như những con người ở đây cũng quen với cảnh đông giá, càng quen hơn với cảnh Tết đến rồi Tết lại đi.

Gần cạnh nhà ông Thảo là nhà bà Tý (63 tuổi, quê Thái Bình). Gần 20 năm sống trên Hà Nội, bà Tý sống ở "xóm Phao" này cũng hơn chục năm. Cuộc sống xô đẩy khiến người phụ nữ có quê mà không về được. Dịp Tết này, nhà bà cũng chỉ có một ít bánh chưng và kẹo được tặng.

Bà Tý sắm bó dăm đào cho có không khí ngày Tết.
Bà Tý sắm bó dăm đào cho có không khí ngày Tết.

Bà Tý chia sẻ: “Nhìn người ta mua sắm nhiều, mình không có tiền nên cũng cố mua bó dăm đào nhỏ để có không khí ngày Tết".

Trong "xóm Phao" hiện tại có 26 hộ dân sinh sống với hơn 100 người, mỗi nhà có hoàn cảnh nhưng đều “dạt” về đây sống, nương tựa lẫn nhau. Trong xóm có hơn 3 chục đứa trẻ, Tết đến, đa phần chúng về quê cùng bố mẹ hoặc gửi về ăn Tết với ông bà. Những đứa trẻ ở lại cũng hết bạn chơi, tha thẩn trong nhà, đi loanh quanh trong xóm.

Gặp Linh (học lớp 9 trường Trung học Phúc Xá, Ba Đình) khi em đang ngồi trên ở lán nhỏ. Là đứa trẻ lớn nhất sống tại "xóm Phao" đi học, Linh dường như không có nhiều cảm xúc với ngày Tết. Nhiều năm sống tại đây cùng mẹ và anh trai, em cũng hiếm khi về quê ăn Tết cùng ông bà.

Linh bảo: “Quê em ở Hà Tây, nhưng do mẹ không về nên em cũng ở đây ăn Tết cùng mẹ luôn”. Giọng cô bé dường như không mấy hào hứng về ngày Tết cổ truyền của dân tộc trong khi ở cái tuổi của em, nhiều đứa trẻ vẫn háo hức chờ giao thừa, ngắm pháo hoa, mua quần áo mới.

Cận Tết, người dân khu bãi giữa vẫn tất bật với công việc thường ngày.
Cận Tết, người dân khu bãi giữa vẫn tất bật với công việc thường ngày.

Tìm đến gia đình ông Được, người được coi là trưởng xóm Phao này, không khí Tết cũng không khác là mấy. Hai vợ chồng ông vẫn tất bật thu dọn những buồng chuối già, những luống cà chua chín.

Ông Được nói: “Tết với chúng tôi thì có gì đâu, vẫn lao động và làm việc bình thường. May ra có các tổ chức, đoàn thể đến thăm thì người dân trong xóm cũng bớt được nỗi lo ngày Tết này”.

Trên dòng sông Hồng, vẫn còn đó những người dân vạn chài, những cư dân "xóm Phao" đón Tết với những nỗi lo toan khác nhau. Những đứa trẻ sống tại đây cũng thiếu thốn đi một phần của tuổi thơ, những ký ức về ngày Tết dường như quá xa vời bởi cha mẹ chúng phải lo làm ăn, kiếm sống./.

Theo Nguyễn Như/VOV.VN