Chuyện nghề:

Nữ nhân viên bê tráp xinh đẹp tháo chạy khỏi lễ ăn hỏi

"Khi lễ ăn hỏi kết thúc, nhóm đỡ tráp của chúng tôi được gia đình cô dâu mời lại dùng cơm. Bất ngờ một thanh niên say rượu tiến đến trêu ghẹo bạn nữ trong nhóm. Lời qua tiếng lại, nam thanh niên nổi nóng, liền lấy chiếc điện thoại ném vào người cô gái..." - anh Nguyễn Đức Hùng kể.

Làm dịch vụ cho thuê đội đỡ lễ, bê tráp ăn hỏi, anh Nguyễn Đức Hùng (SN 1989, ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ đã bén duyên với nghề được 5 năm.

Đức Hùng trải lòng, những năm tháng trong nghề đã cho anh nhiều kinh nghiệm và những nguyên tắc nhất định.

Trong đó, ngoài việc phải đi đúng giờ thì nguyên tắc bất di bất dịch mà anh luôn nhắc bản thân và các cộng tác viên của mình mỗi khi làm việc tại các gia chủ là không được tham lam.

"Theo đó, những nhân viên, cộng tác viên khi đến đỡ lễ, bê lễ tại các gia đình tuyệt đối không được "vòi" thêm tiền, ăn trộm tiền và đồ vật cá nhân của khách hàng", Đức Hùng giải thích.

Anh Đức Hùng chia sẻ về những tình huống hi hữu từng gặp phải khi làm việc.

Nữ nhân viên bê tráp xinh đẹp tháo chạy khỏi lễ ăn hỏi - 1

Tuy nhiên, Đức Hùng cho biết, anh và cộng sự tuân theo nguyên tắc đó nhưng nhiều đối tác, khách hàng thì không.

Trải qua 5 năm làm dịch vụ này, không ít lần, anh bị gia chủ tìm mọi cách để quỵt số tiền đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Đức Hùng kể, có lần, anh được một gia đình ở ngoại thành Hà Nội thuê tìm 7 nam thanh niên để bê lễ cho con trai họ với mức chi phí 3 triệu đồng.

Đến ngày, anh Đức Hùng cùng 6 nam thanh niên khác có mặt đông đủ tại nhà trai để bê lễ sang nhà cô dâu. Trên đường đi, một bạn nam trong nhóm của anh đã sơ ý làm rơi chiếc mâm lễ đựng trầu cau xuống đất.

Sự cố trên khiến cho những người tham gia đều lo lắng. Lúc đó, một người họ hàng của chú rể đã chạy đến lớn tiếng trách móc nam thanh niên trên.

Trước tình hình đó, Đức Hùng đã chạy phải xin lỗi để tiếp tục đưa đoàn bê lễ đến gia đình nhà cô dâu đúng giờ.

Đức Hùng cho biết, sau buổi đó, vì sợ gia chủ bận bịu với việc cưới xin nên anh đã hẹn họ 2 ngày nữa đến nhận tiền. Tuy nhiên đến ngày đến nhận tiền, gia đình này tuyên bố không trả tiền.

Anh bức xúc: "Hôm tôi đến lấy tiền, họ bảo rằng hai hôm sau sẽ trả. Hai hôm sau tôi đến, họ lại bảo hôm trước người của tôi làm rơi mâm lễ nên không trả tiền. Cuối cùng tôi đành ngậm bồ hòn làm ngọt ra về”.

Sau vụ đó, Đức Hùng rút ra được một kinh nghiệm là phải nhận 'tiền tươi thóc thật' tại hôm diễn ra ăn hỏi để tránh gặp tình trạng tương tự.

Anh chia sẻ, trong các lễ ăn hỏi, ngoài những chuyện như bị quỵt tiền, mất đồ..., vẫn còn tình trạng có người gây gổ, xô xát với đội bê, đỡ tráp. Bởi phần lớn thanh niên tham dự lễ ăn hỏi thường vui vẻ, thoải mái. Khi có chút men rượu, thi thoảng họ sẽ khó kiềm chế hành vi.

Muốn tránh được tai họa không may xảy ra từ tình huống này, những người làm dịch vụ như anh cần phải có kỹ năng ứng xử.

Một lễ ăn hỏi anh Nguyễn Đức Hùng tham gia.
Một lễ ăn hỏi anh Nguyễn Đức Hùng tham gia.

Đức Hùng kể, anh từng gặp trường hợp một cô gái trong đoàn đỡ lễ bị người đàn ông say rượu trong lễ ăn hỏi dọa dẫm cách đây ít tháng.

“Đó là lần tôi được thuê tìm 7 cô gái xinh đẹp bê tráp cho một đám hỏi ở Quảng Ninh. Vì ở tỉnh xa Hà Nội nên tôi và 7 cô gái này được gia đình này chu cấp toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại.

Đến ngày diễn ra lễ ăn hỏi, mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp. Khi kết thúc, tôi cùng nhóm đỡ tráp được gia đình cô dâu mời ở lại dùng cơm. Khi chúng tôi đang ngồi ăn thì một thanh niên say rượu tiến lại trêu ghẹo một nữ đỡ tráp xinh đẹp.

Bị trêu ghẹo, nữ đỡ tráp phản ứng thẳng thắn, khiến anh ta bực bội, cầm luôn chiếc điện thoại trên tay ném vào người bạn nữ.

Không khí đang vui vẻ thì bống chốc bỗng nhốn nháo vì gã say rượu sinh sự, dọa dẫm. Anh ta tiếp tục có những hành vi hung hãn khiến những bạn nữ đỡ tráp của tôi sợ hãi. Một số chạy vào nhà vệ sinh của gia chủ để cố thủ. Bạn nữ xinh đẹp bị trêu và một bạn khác thì chạy về phía cổng, vừa hay có xe taxi tới nên lên xe đi một mạch.

Tôi và người nhà cô dâu phải khá vất vả mới dừng được đám đông nhốn nháo. Khoảng 20 phút sau, tôi nhận được cuộc gọi của hai bạn nữ trên xe taxi khi họ đang ở địa điểm cách nhà cô dâu đang thuê Đức Hùng gần 20 km".

Người làm dịch vụ bê lễ, đỡ tráp hỏi sinh năm 1989 chia sẻ, nghề nghiệp của anh giống như làm dâu trăm họ, chiều lòng được tất cả mọi người là rất khó.

Anh tâm sự, trong trường hợp trên, tôi cho rằng, nếu nữ đỡ lễ bình tĩnh và có cách nói chuyện nhã nhặn, hài hòa hơn với gã thanh niên say rượu kia thì chắc sẽ tránh được chuyện xô xát.

Đây cũng là bài học mà tôi luôn nhắc nhở nhóm cộng tác viên của mình. Muốn nhận được số tiền xứng đáng, họ phải chuyên nghiệp từ tác phong, sự tháo vát cho đến thái độ ứng xử.

Theo Thanh Hải - Nhật Linh/Vietnamnet.vn