Mục tiêu 50% người lao động tham gia bảo hiểm xã hội không đạt

(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện chưa bao phủ toàn dân. Năm 2017 mới chỉ đạt gần 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn trên 70% chưa tham gia. Mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH không đạt được.

BHXH chưa hướng tới toàn dân

Chính sách BHXH bao gồm bảo hiểm hưu trí - tử tuất; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm ốm đau, thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công - cho biết, với vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, BHXH luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển và coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững đất nước cũng như thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tính đến năm 2017, tổng số người tham gia BHXH là 13,9 triệu người. Số người tham gia bảo hiểm tự nguyện (BHTN) là 11,7 triệu người; thực hiện cho trên 3 triệu người hưởng chế độ hưu trí, BHXH hàng tháng. Trong năm 2017, có 9,1 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 0,7 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; trên 56 nghìn người hưởng chế độ tai nạn, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Phó Thủ tướng đánh giá, mô hình tổ chức hệ thống BHXH với việc tách cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan tổ chức thực hiện chính sách về cơ bản là phù hợp với thông lệ quốc tế, đã phát huy được vai trò và tính hiệu quả trong từng khâu thiết kế, xây dựng, hoạch định đến tổ chức thực hiện chính sách, thu, chi và quản lý Quỹ BHXH.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH được tăng cường. Hệ thống pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật về BHXH thường xuyên được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật BHXH được chú trọng hơn; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế về BHXH được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH còn nhiều hạn chế, yếu kém, như: Diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật cũng như quy mô tham gia BHXH trên thực tế còn thấp, chưa hướng đến bao phủ toàn dân. Hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ. BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia.

“Trên thực tế, năm 2017 mới chỉ đạt gần 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn trên 70% chưa tham gia. Mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị không đạt được” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hiện nay, các nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng, chia sẻ và bảo đảm bền vững tài chính chưa được quán triệt đầy đủ, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn, chính sách BHTN nặng về giải quyết hậu quả khi người lao động thất nghiệp mà chưa chú ý thỏa đáng đến phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Chưa thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập với tiền lương của người đang làm việc theo Kết luận số 63-KL/TW ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI và Luật Bảo hiểm xã hội. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế.

“Tình trạng vi phạm pháp luật, trốn đóng, nợ đóng BHXH, nhất là khu vực doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến, chậm được khắc phục.Tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN còn nhiều hạn chế” - Phó Thủ tướng cho hay.

Mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH không đạt được
Mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH không đạt được

Trong khi đó, cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và nhân sự của bộ máy thực hiện BHTN còn bất hợp lý, phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, chưa phù hợp với nguyên lý bảo hiểm và thông lệ quốc tế nhưng chậm được sửa đổi, chưa phát huy được các chức năng tích cực của chính sách. Nhận thức của một bộ phận người lao động và người sử dụng lao động về BHXH chưa đầy đủ. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật hiệu quả chưa cao.

Do "lỗi" chủ quan

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, những hạn chế, yếu kém, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Đơn cử như chính sách BHXH của nước ta mới được hình thành và phát triển cùng với quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong khi tư duy, lý luận - nhận thức về BHXH cần quá trình từng bước hoàn chỉnh; năng lực thiết kế hệ thống còn hạn chế. Việc hình thành, hoàn thiện chính sách BHXH đòi hỏi thời gian dài trong khi chúng ta mới thực hiện được hơn 20 năm. Vì vậy, việc xây dựng chính sách, pháp luật, thiết kế bộ máy tổ chức thực hiện BHXH còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa đồng bộ.

Theo Phó Thủ tướng, đặc trưng cơ cấu lao động ở nước ta là phần lớn làm việc ở khu vực không có quan hệ lao động. Thu nhập của số đông người dân còn thấp và không ổn định, áp lực chi tiêu trước mắt lớn. Mạng lưới an sinh xã hội phi chính thức dựa trên mô hình gia đình truyền thống còn phổ biến. Do đó, không ít người dân chưa quan tâm tham gia BHXH.

Bên cạnh đó, năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BHXH nhiều mặt còn hạn chế. Nhận thức còn chưa đầy đủ, sâu sắc, chưa coi công tác này là một trụ cột trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Khả năng phân tích, dự báo còn bất cập. Chưa làm tốt công tác sơ kết, tổng kết thực tiễn và kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá công tác thông tin, truyền thông chưa được chú trọng, nhận thức về BHXH trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của các chủ thể tham gia BHXH còn nhiều hạn chế, nhất là ý thức về quyền lợi, trách nhiệm đóng góp BHXH của người sử dụng lao động và người lao động.

Châu Như Quỳnh