1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hiểm họa “lao động chui” sang Trung Quốc

Công an 2 tỉnh Quảng Bình và Thanh Hóa vừa phát hiện nhiều vụ môi giới, đưa hàng trăm lao động sang Trung Quốc trái phép và bắt nhiều đối tượng “cò” đã gióng lên một hồi chuông báo động. Tìm hiểu của PLVN cho thấy, rất nhiều trường hợp lao động đi “chui” đã bị đánh đập, nợ lương, ngược đãi và phải tìm mọi cách để trở về tay trắng.


Vợ chồng anh Ba, chị Hằng đành trở về tay trắng sau 2 năm lao động “chui” ở Trung Quốc.

Vợ chồng anh Ba, chị Hằng đành trở về tay trắng sau 2 năm lao động “chui” ở Trung Quốc.

Nắm được thực trạng người dân miền Trung thiếu việc làm đang tăng cao sau Tết Nguyên đán và nắm được tâm lý của người lao động nhàn rỗi mong muốn đổi đời, nhiều đối tượng “cò” xuất khẩu lao động đã tinh vi “làm giá”, tổ chức đưa người trốn đi Trung Quốc trái phép và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội. Riêng người lao động thì luôn đối mặt với vô vàn rủi ro, có trường hợp phải trả giá bằng cả tính mạng.

Đáng báo động!

Trong tháng 3/2018, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã liên tiếp phát hiện 3 vụ/5 đối tượng tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lao động. Trong đó, đã ngăn chặn thành công 2 vụ/3 đối tượng tổ chức đưa 9 người đang trên đường ra các tỉnh phía Bắc để trốn sang Trung Quốc; 1 vụ/2 đối tượng móc nối với một đối tượng ở Nghệ An đưa 16 người sang Trung Quốc lao động “chui”.

Cụ thể vào ngày 12/3, Công an huyện Bố Trạch (Quảng Bình) phối hợp với Phòng CSGT – Công an tỉnh này bắt quả tang Nguyễn Đức Chung (21 tuổi, trú xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) đưa các lao động đi trên xe khách ra Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động. Chung khai được Hồ Thị Nguyệt (SN 1981, ở Hải Trạch) thuê dẫn lao động đi. Công an lập tức triệu tập Nguyệt và khai thác được “nữ quái” này là người cầm đầu 1 đường dây môi giới trái phép lao động sang Trung Quốc và thường xuyên móc nối Chung để “tuyển mộ” lao động khi có nhu cầu.

Tại Thanh Hóa, chỉ trong tháng 3, Công an các huyện Cẩm Thủy, Hậu Lộc, Thạch Thành cũng liên tiếp phát hiện quả tang nhiều vụ tổ chức đưa người đi xuất cảnh sang Trung Quốc trái phép để làm việc. Vào ngày 15/3, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Hà Trung đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời 2 xe khách chở 12 công dân thuộc các xã Hà Tân, Hà Toại, Hà Tiến… cũng đang chuẩn vượt biên trái phép sang Trung Quốc để lao động. Được biết, những người lao động Việt Nam muốn vượt biên sang Trung Quốc làm việc chủ yếu đi theo khu vực tiểu ngạch của 4 cửa khẩu chính là: Chi Ma (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Cao Bằng và Lào Cai.

Các vụ việc nói trên tất nhiên chỉ là con số của bề nổi. Còn thực tế, nạn đưa người trốn sang Trung Quốc lao động trái phép lại diễn biến ngày càng ồ ạt, tinh vi và xảo quyệt. Nhất là các đối tượng đóng vai trò tổ chức, cầm đầu. Khác trước đây, thủ đoạn và vai trò của những “cò” lao động trái phép nay đã thay đổi từ việc tác động người dân, lời hứa hẹn và cũng không tổ chức thu tiền trước.

Người lao động sẽ được các đối tượng tổ chức cho bắt xe khách hoặc thuê xe du lịch để chở ra các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, cho biết cách thức và lộ trình đi bằng con đường tiểu ngạch. Chi phí được các đối tượng báo trước để mọi người chuẩn bị là từ 5 – 7 triệu đồng và sang đến Trung Quốc mới thực hiện việc giao tiền… Do vậy, việc phát hiện và xử lý đối với những đối tượng này hết sức khó khăn.

“Nữ quái” cầm đầu đường dây môi giới lao động xuất cảnh sang Trung Quốc trái phép Hồ Thị Nguyệt (trái) và Phạm Văn Thắng – đối tượng bị Công an Quảng Bình bắt giữ về hành vi tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài lao động trái phép
“Nữ quái” cầm đầu đường dây môi giới lao động xuất cảnh sang Trung Quốc trái phép Hồ Thị Nguyệt (trái) và Phạm Văn Thắng – đối tượng bị Công an Quảng Bình bắt giữ về hành vi tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài lao động trái phép

Nếu như trước đây, ở Thanh Hóa số người qua Trung Quốc “làm chui” chủ yếu chỉ tập trung ở các huyện ven biển Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa... thì hiện nay tại 27 huyện thị, thành phố ở Thanh Hóa đều có người sang Trung Quốc. Đặc biệt, trong những năm gần đây, chưa bao giờ tình trạng lao động chui lại nóng đến như vậy. Tại Quảng Bình, tình hình này cũng lan rộng ra toàn huyện Bố Trạch và nhiều xã của các huyện, thị khác…

Nhiều nguy hiểm và rủi ro

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ hướng ra biển ở thôn Thượng Đức (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), anh Nguyễn Văn Ba (42 tuổi) đang cặm cụi vá lại tấm lưới đánh cá. Sau 2 năm trốn sang Trung Quốc làm việc, vợ chồng anh trở về với cảnh trắng tay. “Để đi xe sang Trung Quốc phải trả trước 5 triệu. Đến tháng nhận lương phải trích một khoản cho môi giới, nhận 1 triệu thì phải trích cho chúng 200 ngàn. Nếu chúng mượn tiền khéo mà mình không cho mượn thì bị gây sự, có khi không được ông chủ trả lương”.

Năm 2016, cũng như nhiều gia đình khác ở vùng bãi ngang miền Trung, gia đình anh Ba chịu ảnh hưởng nặng nề do sự cố môi trường biển. Không có vốn liếng để đi xuất khẩu lao động tại các thị trường truyền thống như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…, anh Ba và vợ - chị Lê Thị Hằng nghe lời ngon ngọt môi giới sang Trung Quốc. Cuộc sống xa quê, thu nhập bấp bênh, khi vợ chồng anh gửi tiền tích cóp về nước thì bị bọn môi giới ăn chặn đủ đường. Cuối năm 2017, bố ruột qua đời thì vợ chồng anh Ba quyết định khăn gói trở về, vỡ mộng giàu sang lao động xuất ngoại “chui” và quay lại với nghề cũ là chèo thuyền thúng đánh cá trên biển trang trải hàng ngày nuôi con.

Cùng chung hoàn cảnh, chị Trần Thị Lệ (29 tuổi, xã Hưng Trạch) cho biết, do làm ruộng không đủ nuôi con, chị tin lời bọn cò mồi, chạy vạy đi vay mượn đủ 15 triệu đóng tiền làm lộ phí. Nơi xứ người, chị phải quần quật làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày trong xưởng sơn, xưởng gỗ với điều kiện ăn ở bẩn thỉu. Sợ lao động bỏ trốn, chủ xưởng luôn lấy cớ nợ tiền lương. “Không ai muốn đi lao động chui cả, vì luôn trong cảnh thấp thỏm sợ bị cảnh sát nước ngoài bắt giữ, phạt tiền. Đa số người đi là lao động tay chân, trình độ thấp, không biết tiếng nước ngoài nên dễ bị chủ xưởng lừa, chèn ép” – chị Lệ ngao ngán kể lại.

Theo như lời anh Ba, chị Lệ ở Trung Quốc, họ đã chứng kiến nhiều một số người Việt Nam sang lao động “chui” như mình và bị tử vong nhưng không có giấy tờ hợp pháp nên chẳng có quyền lợi gì. Để đưa được thi thể về, gia đình nạn nhân phải bỏ ra một số tiền rất lớn trong khi đó gia cảnh của họ hầu hết đầu rất khó khăn…

Tránh để “tiền mất, tật mang”

“Các đối tượng môi giới luôn dặn người dân khi đi đừng báo với chính quyền địa phương, vì có thể bị bắt nên bà con luôn che giấu hành vi của số đối tượng cò mồi. Nhắm vào những gia cảnh nghèo khó, các đối tượng môi giới dùng lời lẽ ngon ngọt, hứa hẹn lương cao, không tốn chi phí lớn. Sang đến nơi rồi mới té ngửa là bị lừa, nhiều lao động phải quần quật bán công sức mình chỉ đủ để trả nợ, trả lãi vay cho bọn môi giới” – ông Trương Công Mỹ, Phó trưởng Công an xã Đức Trạch cho hay. Hầu như năm nào cũng có vài chục lao động ở Đức Trạch bị môi giới đưa qua Trung Quốc, Lào, Campuchia làm việc “chui”. Danh sách theo dõi của Công an xã này vẫn đang lưu tên tuổi, địa chỉ rõ ràng của hàng trăm lao động bất hợp pháp qua các năm để theo dõi.

Tính toàn huyện Bố Trạch, tình trạng này ngày càng diễn biến phức tạp. Từ năm 2014 đến nay, huyện này tiếp nhận hơn 600 trường hợp bị phía Trung Quốc trục xuất về nước, 14 trường hợp chết không rõ nguyên nhân và nhiều trường hợp bị phía Trung Quốc bắt giữ, đòi tiền chuộc mới được trao trả… Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 311 trường hợp đang lao động tại Trung Quốc và số rất ít trong số này có hợp đồng hợp pháp.

Còn thống kê từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho thấy, từ năm 2016 trở về trước, hơn 14.500 công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc. Hơn 2.100 trường hợp bị đẩy đuổi về nước; 22 trường hợp bị bắt và đưa ra xét xử; 28 trường hợp tử vong và hàng trăm trường hợp khác phải bỏ tiền chuộc. Hiện vẫn còn hơn 2.600 người đang lao động trái phép tại Trung Quốc.

Ông Phạm Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình cho biết, số lượng lao động bất hợp pháp sang Trung Quốc qua các năm tương đối lớn và không thể thống kê được. Các công ty hay người môi giới lao động này không hề đăng ký pháp lý mà tự tự ý đi thông báo tuyển dụng lao động. Ông Đồng khuyến cáo các lao động cần tìm hiểu kỹ các thông tin trên mạng, báo chí, các cơ hội việc làm rõ ràng để tránh cảnh “tiền mất tật mang”. Hiện Sở LĐ-TB&XH đã mở sàn giao dịch việc làm và đường dây nóng của dịch vụ này để người lao động chủ động nắm bắt thông tin kịp thời, tìm kiếm được công việc phù hợp.

Theo Báo Pháp Luật VN