1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chỉ số cải cách hành chính: Từ “đội sổ”, Bộ LĐ-TB&XH vượt lên nhóm đầu

(Dân trí) - Kết quả chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2017 do Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố chiều 2/5 phán ánh đúng quá trình hoạt động của các bộ, ngành. Nổi bật nhất là sự “vượt cạn” của Bộ LĐ-TB&XH, từ chỗ “đội sổ” của năm trước, nay lên nhóm dẫn đầu.


Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tới dự Phiên Giao dịch việc làm đầu năm 2017 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tới dự Phiên Giao dịch việc làm đầu năm 2017 tại Hà Nội.

Việc chấm điểm 19 bộ, ngành và 63 UBND các tỉnh, thành về cải cách thủ tục hành chính là cách đánh giá khách quan điểm ưu - nhược trong việc thực hiện cải cách hành chính .

Qua đó giúp các bộ, ngành, địa phương có cơ sở xem xét, đánh giá điều chỉnh mục tiêu, nội dung cải cách hành chính hàng năm.

Kết quả chấm điểm cải cách hành chính được dựa trên nhiều “kênh”, như: Các Bộ, ngành tự chấm điểm; Bộ Nội vụ tổ chức Hội đồng thẩm định; điều tra xã hội học qua đối tượng người dân thụ hưởng…

Bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2017 được chia làm 2 nhóm

Nhóm thứ nhất gồm 12 bộ, cơ quan ngang bộ có chỉ cải cách hành chính trên 80%, như: Ngân hàng Nhà nước; Bộ TT&TT; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp; Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Bộ Nội vụ, Bộ TN&MT, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH.

Nhóm thứ hai gồm 7 bộ có kết quả từ 70 - 80%, gồm: Bộ VH-TT&DL, Bộ GTVT, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT, Bộ Y tế, Ủy ban dân tộc.

Bảng xếp hạng năm 2017 cho thấy sự ổn định về vị trí đứng đầu của Ngân hàng Nhà nước so với năm 2016, bên cạnh đó là các Bộ Tài Chính, Bộ KH&CN, Bộ TT&TT cũng giữ vững vị trí có nhóm thứ nhất.

Ngoài ra, một số vị trí xếp hạng có sự xáo trộn đáng kể.

Điểm dễ nhận thấy nhất là cú “vượt cạn” khá ngoạn mục của Bộ LĐ-TB&XH với chỉ số đạt được là 80 % (mức tăng cao nhất với 8,09 %). Kết quả này đưa Bộ LĐ-TB&XH vượt lên nhóm dẫn đầu.

Trước đó, Bảng xếp hạng năm 2016 cho thấy, Bộ LĐ-TB&XH đứng ở vị trí “bát bét” - cuối cùng của nhóm thứ 2, với chỉ số dừng với kết quả 71,91%. Trong Bảng xếp hạng năm 2017, vị trí trên thuộc về Uỷ Ban Dân tộc.

Để có những kết quả như này, trong năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động triển khai nhiều cải cách với nỗ lực của toàn ngành, trong đó phải kể đến sự quyết liệt từ cấp lãnh đạo cao nhất.

Được biết, LĐ-TB&XH là ngành với hơn 10 lĩnh vực bao quát nhiều vấn đề hệ trọng trong đời sống dân sinh, như: Việc làm, bảo trợ xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội, xuất khẩu lao động, giáo dục nghề nghiệp, người có công, phòng chống tệ nạn xã hội, an toàn lao động…

Thẳng thắn thừa nhận những bất cập, trong năm 2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã đề nghị Tập đoàn Vietel hợp tác nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2017-2020.

Ngay trong tháng 12, một số dịch vụ CNTT đã đi vào hoạt động. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH quyết tâm đưa các dịch vụ liên quan tới lĩnh vực việc làm, an toàn lao động, quản lý lao động ngoài nước, người có công và dạy nghề sẽ áp dụng CNTT ở mức tối đa trong năm 2018.

Đây là những kết quả ban đầu trong việc thực hiện cam kết nhằm đưa những mục tiêu cải cách hành chính thành hiện thực mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung từng chia sẻ với báo giới: “Năm 2018, ngành LĐ-TB&XH xác định CNTT là khâu đột phá trong việc quản lý lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Thông qua đó cung cấp tối đa các dịch vụ công trực tuyến, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp”.

Sắp ra mắt Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2018), Bộ LĐ-TB&XH kết hợp với Bộ Quốc Phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến công bố Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ (Tên miền sẽ là: thongtinlietsi.gov.vn).

Đây là hệ thống ứng dụng CNTT được xây dựng nhằm tăng sự tương tác, giúp người dân bớt thời gian và công sức khi tìm kiếm thông tin liên quan tới liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ.

Cổng cũng là nơi cập nhật, bổ sung và kiểm soát tính chính xác của các thông tin liên quan. Dự kiến, Cổng sẽ được giao cho Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) điều hành.

Hoàng Mạnh