Việt Trinh tiết lộ về quãng thời gian trượt dài trong rượu bia vì thị phi bủa vây
(Dân trí) - Việt Trinh thú nhận, đã có thời điểm chị trượt dài trong rượu chè, chán nản và tuyệt vọng. Tuy nhiên, nhờ một cú điện thoại của đứa cháu 12 tuổi mà chị đã tỉnh ngộ và nhận ra sai lầm của mình.
Việt Trinh sinh năm 1972 là diễn viên điện ảnh nổi tiếng một thời của Việt Nam. Chị từng là cái tên gây “bão” tại các rạp chiếu phim vào những năm 90 của thế kỷ XX và được xem là nữ hoàng phòng vé thời điểm đó. Nữ diễn viên này bắt đầu đóng phim từ thập niên 80 nhưng tên tuổi của cô chỉ thực sự được khán giả biết đến nhiều qua vai nữ chính Oanh trong bộ phim “Ngọc trong đá” của đạo diễn Trần Cảnh Đôn.
Thành công từ vai diễn đầu tiên đã giúp Việt Trinh lọt vào mắt xanh của nhiều đạo diễn và được trao cơ hội tham gia vào nhiều dự án lớn khác như: Lệnh truy nã, Xương rồng đen, Vĩnh biệt mùa hè, Sao em nỡ vội lấy chồng… Năm 1996, phim truyền hình “Người đẹp Tây Đô” mà Việt Trinh thủ vai chính được công chiếu và đã gây tiếng vang lớn. Đây là một trong những bộ phim truyền hình nổi tiếng nhất của Việt Nam và cũng là bộ phim gắn liền với tên tuổi người đẹp ảnh lịch.
Nữ diễn viên này lưu dấu trong lòng nhiều thế hệ khán giả bởi vẻ đẹp hiền hòa, phúc hậu và đôi mắt buồn gắn với các cuộc tình oan trái trên các thước phim. Sau những biến cố lớn trong đời, chị đã tạm rời xa màn ảnh khi đang ở trên đỉnh cao của danh vọng. Mãi tới năm 2008, chị mới tái xuất màn ảnh qua bộ phim: Duyên trần thoát tục, Những đóa hoa tình yêu, Câu chuyện cuối mùa thu… Năm 2011, chị thử sức mình ở lĩnh vực đạo diễn với sản phẩm truyền hình đầu tay mang tên “Trở về”. Năm 2013, chị tiếp tục đạo diễn phim “Vợ của chồng tôi” và đến 2017 Việt Trinh là giám đốc sản xuất của phim “Ba điều ước”. Cho đến nay, Việt Trinh vẫn là cái tên đẹp trong lòng công chúng ái mộ.
Nhớ về thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp khi chia sẻ với MC Nguyên Khang trong chương trình "Chuyện đêm muộn", nữ diễn này thú nhận rằng, sự nổi tiếng đến quá nhanh khiến cho chị có đôi phần choáng ngợp. Và một người trẻ như chị đã nhanh rơi vào trạng thái tự cao, háo thắng, chảnh choẹ…
“Thời điểm từ năm 1992 - 1997, do chưa có mạng xã hội như bây giờ nên muốn tương tác với nghệ sỹ là phải viết thư tay. Muốn coi phim phải chạy theo các đoàn chiếu bóng lưu động vì tivi nhà có nhà không… Vì thế, việc gặp được nghệ sỹ là mong ước rất lớn của nhiều khán giả.
Có một lần tôi đi diễn cùng anh Lê Tuấn Anh, anh Lý Hùng và anh Ngọc Sơn tại Nghệ An mà sân khấu đã bị sập vì rất đông khán giả đổ xô tới xem các nghệ sĩ. Khán giả ngày xưa cuồng nhiệt lắm. Bạn có thể cảm nhận rõ mong muốn được gặp người nổi tiếng ở ngoài đời như thế nào, được nắm tay người mình hâm mộ lớn ra sao. Và chính vì vậy sự yêu thương và tung hô nghệ sỹ lớn hơn bây giờ rất nhiều”, Việt Trinh chia sẻ.
Nữ diễn viên cũng tâm sự rằng, người nổi tiếng nào cũng lo sợ đến một ngày nào đó, mình sẽ không còn được tung hô như vậy nữa. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có những cách giải quyết khác nhau. Bản thân chị chấp nhận hôm nay mình không còn đứng ở đỉnh cao mà đã được thay thế bằng những người trẻ hơn mình nhưng trong các bạn trẻ “hot” nhất đó vẫn có hình ảnh của chị, chị không bị lụi tàn.
“Nhiều khi tôi phải nhìn nhận rằng, ánh sáng hào quang mà mình có, có thật hay không, có sờ nắm được hay không hay chỉ là ảo vọng. Nhưng ông trời cho mình sự nổi tiếng bao giờ cũng đính kèm theo đó là sự tai tiếng. Khi mình dính vào thị phi, tai tiếng rồi mình lại ước: “Sao mình không là một thường dân đi cho khoẻ?”. Những lần tôi gặp sự cố hoặc vướng scandal tai tiếng nhất cuộc đời, tôi lại nhận ra rằng, tất cả những hào quang mình đang có không thật như mình nghĩ. Nhiều nghệ sỹ tin nghề là nghiệp nên nhiều khi muốn bỏ nhưng không bỏ được vì vẫn yêu nghề lắm. Bỏ rồi lại quay trở lại vì yêu nghề quá.
Riêng tôi, tôi lại nghĩ, mình đã được như vậy rồi, bây giờ mình giữ làm sao để trong lòng công chúng luôn nhớ tới mình. Nghệ sỹ của nhân dân nghĩa là trong lòng nhân dân có mình. Nếu mình gần gũi công chúng, có nhiều vai diễn hay để cống hiến, cho dù sau này mình không còn là một ngôi sao nổi tiếng, không còn ở đỉnh cao nữa… nhưng khi nhắc tới mình, người ta vẫn nhớ tới, vẫn yêu thương, đó chính là nghệ sỹ nhân dân”, Việt Trinh trải lòng thêm.
Theo nữ diễn viên “Người đẹp Tây Đô”, khi đang ở đỉnh cao danh vọng chị dính vào những chuyện thị phi. Cảm giác lúc đó rất mệt mỏi, chán chường, tuyệt vọng… gấp bội lần người bình thường. Nếu tiếp tục phải chịu đựng sẽ có cảm giác không sống nổi. Thời điểm đó, chị nghĩ sẽ bỏ nghề diễn, làm một công việc bình thường, có cuộc sống bình thường để luôn được bình an trong tâm hồn, không cần là ngôi sao nọ, ngôi sao kia nữa.
“Trong ngần đó năm, tôi không dám xem tivi vì xem tivi sẽ rất nhớ nghề. Nhưng duyên nghiệp dẫn dắt kiểu gì, chị Châu Thổ lên Bình Dương thăm tôi, chị em ngồi trò chuyện về phim ảnh và thế là cảm hứng lại trỗi dậy. Vậy là trở lại liền nhưng sự trở lại lần này tôi không có mưu cầu nổi tiếng, đánh bóng mình lên nữa. Tôi biết, dù bây giờ mình có làm gì đi nữa cũng không thể trở lại được cái đỉnh ngày xưa nữa”, Việt Trinh kể.
“Người đẹp Tây Đô” kể thêm rằng, thời điểm kinh khủng nhất đối với chị là trước năm 1997. Đó là khi dòng phim mỳ ăn liền chuyển đổi sang dòng phim nghệ thuật. Người ta rất ác cảm với dàn diễn viên của dòng phim mỳ ăn liền vì cho đó là những người đi muộn về sớm, đòi lương cao, hống hách, kiêu ngạo... Người ta dị ứng tới mức nhắc tới tên của ai trong dàn diễn viên đó đều không muốn mời.
“Năm 1996, có một lần xe của tôi vừa đi lên đến giữa cầu kiệu, tôi nhìn xuống dưới thất kẹt xe kinh khủng. Bỗng dưng, trong tôi nảy ra một cảm giác chán nản vô cùng. Tự nhiên thấy mình không còn được rực rỡ như trước. Tâm trạng xuất hiện trong thời điểm là buồn bã, rối bời, cảm thấy mình bị quên lãng, cảm thấy mọi người dị ứng với mình, mọi người thành kiến với mình… nên tôi sa đà vào uống rượu.
Ban đầu chỉ uống vài ly nhưng sau đó ghiền. Trong một năm đó, tối mà không có rượu là tôi chịu không được. Tôi bỏ nghề luôn, ai mời tôi cũng không thiết tha gì hết, cảm thấy chán mọi thứ. Nghiện rượu được một thời gian tôi sa sút kinh khủng. Mặt mày mập ú ra, nhìn rất chi là xấu xí. Ở nhà, mọi người khuyên thôi đừng uống rượu nữa mà hư người nhưng tôi không nghe.
Một lần, đứa cháu con bà chị khoảng 12 tuổi gọi điện cho tôi từ lúc 7h sáng. Tối hôm đó tôi đi uống rượu về khuya nên ngủ dậy muộn thì đứa cháu gọi điện. Nó bảo: “Út Trinh ơi, mẹ con bảo út Trinh đừng uống rượu nữa, uống rượu vào nhìn út Trinh xấu lắm, không đẹp như hồi trước nữa”. Nhận được điện thoại của đứa cháu xong tôi tỉnh luôn. Tỉnh rượu và tỉnh ngộ.
Sau đó, bộ phim “Người đẹp Tây Đô” bấm máy. Lúc đầu, chú Phạm Khắc, Nguyễn Hồ và anh Lê Cung Bắc… đã casting rất nhiều diễn viên trẻ đẹp cho vai Bạch Cúc. Nhưng cuối cùng, anh Lê Cung Bắc lại thấy vai này hợp với tôi hơn cả nên mời tôi lên. Thú thật, lúc đầu tôi không nghĩ mình sẽ được mời vào vai Bạch Cúc đâu.
Khi lên, chú Phạm Khắc, Nguyễn Hồ bắt tôi phải cam kết không được đi trễ về sớm, phải gắn kết với đoàn phim, không được hống hách, không được chảnh choẹ… Mấy chú bảo, thời gian qua thấy tôi có một số điều tiếng về thái độ làm việc, nếu tôi còn yêu nghề thì các chú sẽ giao vai này cho tôi nhưng phải hứa không được giữ thái độ làm việc như cũ nữa mà phải nghiêm túc và hết mình với nghề. Nghe các chú nói thế tôi ngồi khóc tại chỗ luôn. Tại sao các bậc cha, bậc chú… lại thương mình quá như vậy.
Trong nghệ thuật, có 3 người tôi mang ơn đó là anh Trần Cảnh Đôn – người đã cho tôi vai chính đầu tiên phim “Ngọc trong đá”, anh Lê Cung Bắc là người sinh ra tôi lần thứ 2 với vai Bạch Cúc trong “Người đẹp Tây Đô” và chị Châu Thổ - người cho tôi nghề đạo diễn sau một thời gian dài tôi ở ẩn. Những người giúp đỡ tôi là những duyên lớn đưa tôi đến với nghề”, Việt Trinh xúc động kể lại.
Hà Tùng Long