Vì sao người diễn hài nhiều mà tiếng cười lại rẻ rúng, dung tục?

(Dân trí) - Đó là câu hỏi mà rất nhiều người yêu thích sân khấu hài trăn trở và thắc mắc từ nhiều năm nay. Đó cũng là thực trạng đáng báo động về tiếng cười dễ dãi, rẻ rúng, dung tục… đang "xâm lấn" truyền hình.

Nhà nhà, người người theo nghiệp hài

Những ngày vừa qua, trong khi giới làm nghề và dư luận vẫn chưa hết ngỡ ngàng bởi chuyện thí sinh Tấn Lợi đoạt giải quán quân game show “Thách thức danh hài” một cách dễ dàng với màn chọc cười tục tĩu… thì câu chuyện ca sĩ Hương Lan xấu hổ bỏ dở đám cưới ca sĩ Đình Bảo vì hai nghệ sĩ Việt Hương, Hoài Tâm có những trò “giễu cợt quá sức thô tục” (từ dùng của Hương Lan) trên sân khấu lại một lần nữa dấy lên bất cập về sân khấu hài hiện nay.

Và điều đáng nói là dù những chia sẻ của ca sĩ Hương Lan được có phần gay gắt nhưng đa số ý kiến lại đồng tình với quan điểm đó của chị. Thậm chí, có người còn xem đó là “lời chung” của số đông khán giả Việt ở trong và ngoài nước mà từ lâu họ không muốn nói ra.

Nhìn nhận một cách đa chiều thì số lượng nghệ sĩ hài hoặc những người theo sân khấu hài ở Việt Nam đang tăng lên một cách “chóng mặt” mỗi năm. Nghệ sĩ Bảo Chung cho rằng, sau mấy năm anh qua Mỹ, bây giờ trở lại Việt Nam, gặp ai anh cũng thấy họ diễn hài.

Dù bị cho là chọc cười tục tĩu nhưng thí sinh tấn Lợi vẫn đoạt giải quán quân trong game show Thách thức danh hài. Ảnh: TL.
Dù bị cho là "chọc cười tục tĩu" nhưng thí sinh tấn Lợi vẫn đoạt giải quán quân trong game show Thách thức danh hài. Ảnh: TL.

“Nếu thời “vàng son”, các nhóm hài ở Nam Bắc chỉ khoảng 20 – 30 nhóm thì bây giờ đếm không xuể. Ngày xưa không ít nhóm hài nhưng cứ nhắc đến nhóm nào là người ta kể ra vanh vách tên tuổi, đặc điểm, duyên hài của từng thành viên trong nhóm; tiểu phẩm để đời của từng nhóm thì nay nhắc đến chưa chắc họ đã nhớ được tên của ai, ngoại trừ những người thường xuyên xuất hiện trên truyền hình”, nghệ sĩ Bảo Chung nói.

Tương tự, đạo diễn Đức Thịnh cũng nhìn nhận, chưa nước nào có người diễn hài nhiều như ở Việt Nam. Ngoài sự dịch chuyển nhu cầu “cần tiếng cười” của khán giả thì việc bùng nổ các game show truyền hình cũng là yếu tố khiến nhiều người theo đuổi sân khấu hài hơn. Tuy nhiên, không phải cứ đi theo hài là có thể diễn hài, bởi “sân khấu hài” phải được nhìn nhận là một bộ môn nghệ thuật đúng nghĩa. Theo nam đạo diễn này, ngày xưa, mỗi nhóm hài đều có những nét duyên riêng biệt và diễn không ngưng nghỉ trên các sân khấu trong Nam – ngoài Bắc nhưng sự nghiệp của mỗi nhóm cao nhất cũng chỉ có vài ba tiểu phẩm để đời. Vì lẽ đó mà các nghệ sĩ hài chân chính sống được với nghề và nuôi dưỡng được tên tuổi của họ trong lòng khán giả hàng mấy chục năm trời.

Nhiều nghệ sĩ hài nhìn nhận rằng, khoảng 3 năm trở lại đây, khi làn sóng truyền hình thực tế có điều kiện “nở rộ” trên truyền hình thì các game show về hài cũng mọc ra như “nấm sau mưa”.

“Khoảng 3, 4 năm trở lại đây, game show bùng nổ với lượng tiểu phẩm hài quá nhiều. Bạn thử đếm xem trên sóng truyền hình hiện nay có bao nhiêu game show, 1 tuần có bao nhiêu tiểu phẩm hài được phát sóng. Tôi cược là không dưới 30 tiểu phẩm/ tuần”, đạo diễn Đức Thịnh nói.

Các nhà sản xuất dựa vào nhu cầu “cần tiếng cười” của khán giả nên “đẻ” ra đủ loại game show hài: từ game hài cho người lớn đến game hài cho trẻ con; từ các cuộc thi cho nghệ sĩ hài trẻ đến cuộc thi cho những người không chuyên; từ đài truyền hình trung ương đến đài truyền hình địa phương… Bất cứ ở kênh nào, người ta cũng phải buộc lòng “đối diện” với game show hài. Và từ các game show này mà đội ngũ theo nghiệp diễn hài ngày càng tăng lên. Số lượng nhân sự tăng lên nhưng chất lượng hài lại ngày càng có vấn đề khiến cho các game show hài càng ngày trở nên nhạt nhẽo. Khán giả ngày càng xa dần các game hài vì nhận thấy tiếng cười trên truyền hình bị rẻ rúng, dễ dãi và dung tục quá mức.

Tiếng cười ngày càng dễ dãi, rẻ rúng và tục tĩu

Trong lời nhắn nhủ gửi tới Việt Hương, ca sĩ Hương Lan viết rằng: “… Sân khấu cho dù lớn hay nhỏ thì vẫn luôn là sân khấu. Em đứng trên sân khấu cầm micro thì em là người biểu diễn, chị ngồi ở dưới xem thì chị là khán giả của em. Là nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu trăm đường khó khăn, nếu yêu nghề thì hãy vì tất cả mọi người bên dưới đang chăm chú nhìn lên và lắng nghe em. Những gì em nói, em làm đều tác động đến mọi người bên dưới, từ người lớn tuổi cho đến trẻ nhỏ. Đừng nói tục. Sự thô tục trong văn hóa người Việt mình từ xưa đến nay đã luôn là lời khinh rẻ, cho cả người nghe lẫn người nói… Thời gian của các em còn dài, hãy trở thành những người nghệ sĩ “sạch” để đem đến cho quý khán thính giả những phút giây giải trí lành mạnh và có ích trong cuộc sống bon chen, mệt mỏi mà mọi người đã phải chịu đựng hàng ngày…”. Câu nói này ngay lập tức được rất nhiều nghệ sĩ lẫn cư dân mạng chia sẻ lại trên trang cá nhân như một cách bày tỏ sự đồng tình.

Nghệ sĩ hài Tấn Beo tâm sự, ngày xưa, những người theo nghiệp sân khấu hài chân chính vẫn luôn xem khán giả như “tổ nghề” của mình. Bởi chính khán giả là những người nuôi sống nghệ sĩ, cho họ miếng cơm manh áo, cho họ ánh hào quang danh vọng và cho cả cơ hội để nuôi dưỡng tiếng tăm. Vì lẽ đó, mỗi lần bước ra sân khấu họ có sự chuẩn bị chu đáo và không được phép mua tiếng cười một cách dễ dãi, tầm thường.

Lệ Rơi cũng từng đi thi game show hài. Ảnh: TL.
Lệ Rơi cũng từng đi thi game show hài. Ảnh: TL.

“Tôi theo nghiệp sân khấu hài hơn 20 năm qua nhưng từ trước tới nay tôi không dám diễn tục, không dám ăn nói nhố nhăng trên sân khấu, bất kể sân khấu gì. Quan điểm của tôi từ khi bước chân vào nghề là không cho phép mình “cù nách” khán giả bằng những câu nói, những câu thoại… dung tục. Tôi rất sợ bị khán giả gán cho mình mấy chữ “nghệ sĩ hài dung tục”. Tôi sợ điều đó lắm bởi như thế chẳng khác nào người ta chửi mình là dơ bẩn. Tôi cực kỳ kỵ điều đó”, Tấn Beo nói.

Nam nghệ sĩ này cho rằng, game show truyền hình nở rộ, tạo điều kiện cho nhiều bạn trẻ có cơ hội trưng trổ tài năng, nhất là tài năng tấu hài. Nhiều bạn trẻ đã đưa được những cái mới, những cái thuộc về thời đại… vào tiết mục của mình nhưng cũng có những người ngay từ khi mới bước chân lên sân khấu đã lạm dụng chuyện hài nhảm, hài tục… để chọc cười khán giả.

“Khán giả yêu tiếng cười nên có thể nhiều lúc người ta hơi dễ tính. Tuy nhiên, dễ tính không có nghĩa là người ta chấp nhận những tiếng cười rẻ rúng, nhảm nhí, nhạt nhẽo… Mới đầu họ còn bỏ qua được nhưng đến một lúc không thể chấp nhận được nữa thì họ sẽ tẩy chay. Mà đau lòng là chuyện tục, nhảm, nhạt lại đang ngày càng bị lạm dụng trên sân khấu. Các em còn quá trẻ nên không biết đâu là giới hạn. Bằng mọi cách đạt được mục đích của mình chứ không có ý làm nghề lâu dài. Vì lẽ đó mà game show truyền hình càng khiến khán giả rời xa tiếng cười nghệ thuật, xa sân khấu hài đúng nghĩa và xa những nghệ sĩ hài đi lên bằng con đường nghệ thuật chân chính”, Tấn Beo thật lòng tâm sự.

Bản thân nghệ sĩ hài Trà My cũng chia sẻ rằng, đôi lúc chị cảm thấy rất buồn bởi ngày nay nhiều người trẻ lạm dụng các chiêu trò để chọc cười khán giả mà không nghĩ đến “cái hậu” về sau.

“Không phải cứ cầm mic ra nói đôi ba câu là khán giả sẽ cười, sẽ yêu… diễn hài vô cùng khó. Không phải ai cũng diễn hài được. Khán giả đã bỏ tiền, bỏ thời gian, lặn lội đường xa đến xem mình diễn… thì phải đem đến điều gì lý thú cho người ta. Mà đã bước lên sân khấu là phải nên nhớ, ở dưới sân khấu không chỉ có người trẻ, còn có cả người già, có cả con nhỏ… Những câu dung tục của mình có thể khiến cho người trẻ cười sảng khoái nhưng lại ảnh hưởng đến tư duy thẩm mỹ của con trẻ và khiến người già cảm thấy xấu hổ. Thế nhưng ngày nay có nhiều bạn trẻ cứ bước được lên sân khấu để khán giả biết đã rồi tính sau. Có thể, chỉ cần trong game show đó được biết đến đã hoặc chỉ cần đạt được giải thưởng chứ không có ý theo nghề lâu dài. Có nhiều người chưa định vị được mình có theo nghệ thuật hay không. Và như thế là vô cùng nguy hiểm. Những nghệ sĩ làm nghề chân chính, người ta hiếm khi diễn tục lắm vì người ta ý thức được giá trị của mình, biết được khán giả đến với họ vì điều gì”, nghệ sĩ Trà My nói.

Bài 2: Game show hài đang làm “biến dạng” tiếng cười?

Hà Tùng Long