Trao 42 huy chương Vàng, 81 huy chương Bạc cho các nghệ sĩ chèo
(Dân trí) - Tối 8/10, tại Nhà hát chèo Ninh Bình đã diễn ra Lễ bế mạc “Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016”. Tại lễ này, BTC đã trao 42 huy chương Vàng, 81 huy chương Bạc cho các nghệ sĩ – diễn viên tham gia cuộc thi.
Cuộc thi năm nay có sự tham gia của gần 900 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 16 đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống trên toàn quốc. Các nhà hát đã mang về cuộc thi 27 vở diễn với các đề tài khác nhau như dân gian, lịch sử, dã sử, truyền thuyết, huyền thoại, danh nhân địa phương và hiện đại. Đó chính là 27 bức thông điệp gửi gắm những tư tưởng, khát vọng, những ước ao cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân ái hơn.
Theo NSND Đào Văn Lê, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, cuộc thi đã thu hút đông đảo khán giả yêu chèo của Ninh Bình và các địa phương lân cận đến xem. Đây là một trong những yếu tố góp phần vào thành công chung của cuộc thi, cũng là thực tế khẳng định nghệ thuật dân gian nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả, tiếp sức cho các tiết mục biểu diễn của người nghệ sỹ.
Sự phong phú về đề tài, chủ đề tư tưởng, nhiều diện mạo có tính sáng tạo đã làm nên toàn cảnh bức tranh đa sắc màu của nghệ thuật chèo trong đời sống hôm nay. Không phải là cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Chèo hiện đại nhưng tại cuộc thi này tính hiện đại đã lấp lánh và trở thành linh hồn của hầu hết các vở diễn. Tất cả đều mang được hơi thở của cuộc sống hôm nay, những vấn đề của cuộc đời hiện tại. Không khí hiện đại được bộc lộ trong tư tưởng của các vở diễn, trong kết cấu, trong hình tượng các nhân vật, trong thủ pháp nghệ thuật, đạo diễn, trong sự sáng tạo của diễn viên.
Nhiều vở diễn đã tránh được sự quá câu nệ, phụ thuộc vào lối cấu trúc nguyên sy như Chèo truyền thống, mạnh dạn phá cách, đẩy nhanh tiết tấu, tạo yếu tố hấp dẫn từ thủ pháp nghệ thuật đến xây dựng hình cốt chuyện nên đã khắc phục được sự cũ kỹ, trì trệ, buồn chán.
Đây là sự đổi mới sáng tạo để nghệ thuật Chèo phù hợp với nhịp đập của đời sống hiện đại, làm cho tác phẩm vẫn giữ được những nguyên tác của chèo nhưng vẫn mang sắc màu của cuộc sống đương đại, để cho tác phẩm lắng đọng trong nhận thức và cảm xúc của người xem. Cuộc thi lần này bên cạnh những đạo diễn gạo cội đã thành danh, đã xuất hiện một số đạo diễn trẻ. Các đạo diễn trẻ đã làm cho các vở diễn mang đậm phong cách chèo, ít vay mượn, lai căng các loại hình nghệ thuật khác. Tại cuộc thi này các nghệ sỹ, diễn viên của các đoàn nghệ thuật đã hoàn thành vai diễn của mình.
Các nghệ sỹ lên sân khấu với tinh thần trách nhiệm cao nhất thể hiện khát vọng cống hiến của người nghệ sỹ trong lao động nghệ thuật. 14 ngày diễn ra cuộc thi tại Ninh Bình đã thực sự là những ngày hội của những nghệ sỹ Chèo trong cả nước và là dịp để khán giả được thưởng thức những vở chèo xuất sắc. Qua đó nhân lên tình yêu của nghệ sỹ, khán giả với sân khấu truyền thống, để cùng nhau bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị tinh hoa của nghệ thuật Chèo. Tinh thần hăng say, hết lòng vì nghệ thuật của các nghệ sỹ, sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh cùng với tình yêu nghệ thuật sân khấu Chèo truyền thống của người dân đất Cố đô đã tạo nên thành công của cuộc thi.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cũng cho rằng, cuộc thi còn nhiều hạn chế cần khắc phục như: tình trạng khan hiếm kịch bản hay, kịch bản mới; còn có những vở diễn chưa được chuẩn bị chu đáo từ kịch bản, đạo diễn đến diễn xuất; không thống nhất phong cách trong thiết kế mỹ thuật...
Để khắc phục những hạn chế đó, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên chỉ rõ: “Để nghệ thuật sân khấu Chèo ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả các Cuộc thi tôi đề nghị Cục NTBD, Hội NSSK Việt Nam cùng các cơ quan chức năng liên quan phát huy những kết quả đạt được, đoàn kết, khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo xây dựng nên những tác phẩm có chất lượng cao hơn nữa cả về nội dung và hình thức thể hiện nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị quý báu của nghệ thuật truyền thống; quan tâm bồi dưỡng các nghệ sĩ có trình độ cao về chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là niềm đam mê nghiệp tổ.
Chú trọng dàn dựng nhiều hơn nữa vở diễn đề cập đến những vấn đề sôi động trong cuộc sống hiện nay với những con người mới, những điển hình mới và phê phán cả những tiêu cực đang hiện hữu. Từ thành công của Cuộc thi, ngoài nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật, tôi đề đề nghị đơn vị chủ quản hãy tạo điều kiện tốt nhất để những tác phẩm tham gia Cuộc thi được biểu diễn phục vụ đông đảo công chúng trong nước và bạn bè quốc tế, đặc biệt là đối với khán giả trẻ”.
Kết quả, Ban tổ chức cuộc thi đã trao 5 huy chương Vàng (Nàng Thứ phi họ Đặng - Nhà hát Chèo Hà Nội; Không phải là vụ án - Nhà hát Chèo Nam Định; Tấm lòng vàng - Đoàn Nghệ thuật Chèo Thanh Hóa; Dây tràng hạt diệu kỳ - Nhà hát Chèo Việt Nam; Đời luận anh hùng- Nhà hát Chèo Quân đội), 5 huy chương Bạc (Bùi Viện - Nhà hát Chèo Thái Bình; Lưu Bình trả nghĩa - Nhà hát Chèo Ninh Bình; Cánh chim trắng trong đêm - Nhà hát Chèo Hà Nội; Tình mẫu tử - Nhà hát Chèo Hưng Yên; Giai nhân và anh hùng - Nhà hát Chèo Vĩnh Phúc) cho các vở diễn xuất sắc. Về cá nhân, Ban tổ chức đã trao 42 huy chương Vàng, 81 huy chương Bạc cho các nghệ sĩ, diễn viên tại cuộc thi.
Sau 14 ngày đua tài tràn đầy sôi nổi, hào hứng và sáng tạo, với lòng say mê, tình yêu nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm cao của các nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ của 16 đơn vị “Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc - 2016” đã thành công tốt đẹp.
Hà Tùng Long