“Tôi đau lòng khi nghĩ đến thức ăn bẩn và những người sứt mẻ tâm hồn”

(Dân trí) - Nhạc sĩ “À í a” Lê Minh Sơn khoe rằng, trong thời gian “ở ẩn” anh vẫn sáng tác được nhiều ca khúc mang tính xã hội. Những ca khúc anh viết nên từ chối nỗi sợ hãi của mình mỗi khi nghĩ đến thực phẩm bẩn và con người bẩn. Con người bẩn theo anh là những người bị sứt mẻ về tâm hồn.

Được biết, thời gian qua anh sáng tác được rất nhiều ca khúc nặng tính xã hội. Điều gì thôi thúc một người nhạc sĩ luôn nói “không” với mạng xã hội, báo chí, truyền hình… quan tâm đến đời sống đến vậy?

Trước đây tôi cũng viết những bài hát nặng tính xã hội như vậy rồi chứ không phải như bây giờ. Nhiều vấn đề xã hội mình đưa ra trong các ca khúc dù đã cách đây 20 năm rồi nhưng vẫn còn rất mới. Còn mới đây, tôi có những ca khúc mới như: Hai ruộng rau, Sứt sựt sừn sưn, Khèn mơ, Đi, Đồ cũ… Ngày xưa trên chiếu chèo, các cụ mượn hình tượng “cu Sứt” để khuấy đảo chiếu chèo, bây giờ tôi đưa ra hình tượng cu Sứt thời hiện đại đó là những người sự sứt mẻ về tâm hồn, sứt mẻ về nhân cách… Họ chính là hình ảnh của một lớp người trong xã hội, nhất là nhóm người mang sự vô cảm. Bài này mới được Tùng Dương biểu diễn trong đêm liveshow của anh Xuân Hinh mới đây và tạo nên những hiệu ứng tốt. Xã hội bây giờ rất cần những loại âm nhạc như thế này.

Lê Minh Sơn sau nhiều năm ở ẩn. Ảnh: Tuấn.
Lê Minh Sơn sau nhiều năm ở ẩn. Ảnh: Tuấn.

Với “Hai ruộng rau” tôi muốn nói rằng, ngày xưa người nông dân rất thật thà chất phác nhưng bây giờ họ trồng hai ruộng rau, một ruộng để ăn, một ruộng để bán. Tôi đau lòng mỗi khi nghĩ đến rau bẩn, thực phẩm bẩn, con người bẩn....Tôi nghĩ, với những ca khúc đẫm tính xã hội như thế này sẽ gây nên một hiệu ứng đặc biệt trong đêm nhạc sẽ diễn ra vào 18/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tôi nghĩ rằng, thay vì sáng tác những ca khúc đau đớn, quằn quại, uỷ mị… trong tình yêu thì nên sáng tác những thứ rất cần cho xã hội này. Những người trẻ cầm bút hãy cất lên tiếng nói của thế hệ trẻ và giữa thời buổi xã hội đang ngổn ngang nhiều thứ cần phải nói. Đây đồng thời cũng là trách nhiệm của những người sáng tác. Nhà thơ hay nhà văn cũng thế. Đến bây giờ người trẻ không thể sống mãi bên li cà phê, Facebook, trò chơi điện tử… Đời sống đang rất cần những người trẻ cất lên tiếng nói thế hệ mình.

Anh thọc sâu vào những vấn đề xã hội như thế thì có sợ người ta ghét không?

Tôi nghĩ không ai ghét đâu. Tôi nhớ, cách đây mười mấy năm tôi viết “À í a”… xong chú An Thuyên bảo: “Sơn ơi, hơi rét”, chú Nguyễn Cường mới bảo rằng: “Sơn không phải là người làm chính trị đâu. Sơn chỉ là “con sói” đi hoang, đi đến đâu hắn đánh dấu lãnh thổ của hắn một cái rồi lại đi chứ không đề cập sâu lắm vào những vấn đề xã hội”. Và bây giờ, ở tuổi 41 rồi, tôi biết mình cần phải làm những gì để cho có lợi nhất cho cuộc sống tâm hồn của mình.

Những ca khúc xã hội đòi hỏi phải gắn mình với những bước chuyển của đời sống nhưng anh lại “tuyệt giao” với mạng xã hội, báo chí, truyền hình… thì anh lấy chất liệu sống ở đâu mà sáng tác?

Câu hỏi này rất, nó gợi lại cái gì đó tò mò về Lê Minh Sơn. Tôi từng nói rằng: “Đời sống mới là quan trọng. Đi. Cuộc đời lãi nhất là những chuyến đi, kể cả đi trong suy nghĩ”. Càng đi càng có nhiều chất liệu vùng miền để viết. Trong bài “Cu Sứt thời hiện đại”, tôi đưa ra một số vấn đề xã hội nổi cộm… dưới gốc độ âm nhạc. Viết về âm nhạc xã hội không dễ, nếu viết không cao tay, không có sứ mệnh của người viết xã hội thì bài hát dễ thành bài báo lắm.

Lê Minh Sơn chia sẻ, trải nghiệm của những chuyến đi đã giúp anh có nhiều vốn thực tế để sáng tạo âm nhạc. Ảnh: Tuấn.
Lê Minh Sơn chia sẻ, trải nghiệm của những chuyến đi đã giúp anh có nhiều vốn thực tế để sáng tạo âm nhạc. Ảnh: Tuấn.

Ngày xưa tôi ngưỡng mộ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Tôi thích văn của cô ấy lắm và rất mong muốn gặp cô ấy. Có lần vào Cà Mau làm chương trình hỏi thì cô ấy đã về Sài Gòn mất rồi. Sau này những tản văn của cô ấy cũng viết rất là hay. Giọng văn của cô ấy rất đơn giản đúng như tâm hồn của người Nam Bộ nhưng phải là những người trải nghiệm lắm mới viết được những điều đơn giản như vậy. Âm nhạc của tôi trong những ca khúc nặng tính xã hội cũng thế.

Còn tôi cũng không đến nỗi tuyệt giao hoàn toàn với thế giới công nghệ đâu, tôi vẫn xem hoạt hình với con hàng ngày. Hoạt hình là một thứ rất vĩ đại và phù hợp với cả tuổi thơ lẫn người lớn. Có những cái mình nghĩ vô lí nhưng không vô lí tí nào. Bởi một nhà bác học đã từng nói rằng: “Sự sáng tạo còn vĩ đại hơn cả tri thức”. Và điều này chỉ hoạt hình mới làm được. Tại sao hoạt hình Việt Nam không phát triển được là vì sự tưởng tượng quá kém.

Điều gì khiến anh dạo này chỉ chăm làm các đêm nhạc mà không đam mê làm đĩa cho ca sĩ như trước?

Với luật bản quyền như của chúng ta hiện nay thì việc làm đĩa vừa xong đã bị huỷ diệt rồi. Ngày xưa tôi làm đĩa rất nhiều. Người làm liều trong sự nhạy cảm. Năm 2003, đĩa của Ngọc Khuê bán được 4 vạn bản, đĩa Thanh Lam bán được 3 vạn, đĩa của Tùng Dương tái bản mấy lần… Bụp một phát đến năm 2004 thì mọi thứ chững lại. Hỏi ra thì các bạn ấy bảo có internet, người ta toàn nghe miễn phí trên mạng, đánh sập công nghệ sản xuất băng đĩa còn quá non trẻ của Việt Nam.

Tôi vẫn muốn làm đĩa nhưng hầu như không tác dụng nên mình nghĩ làm đêm nhạc có khi còn đưa âm nhạc sống được hơn. Một vài năm làm một đêm nhạc, nếu viết được nhiều thì làm nhiều hơn. Tôi làm bởi nhu cầu tự thân của mình và cũng vì khán giả họ mong muốn được thưởng thức những đêm nhạc đó. Tôi không làm vì ngông cuồng hay để lấy tiếng tăm gì cả.

Anh nhận mình là “con sói đi hoang”, bây giờ anh còn “đi hoang” không?

Thực ra, đó là hình tượng rất là hay mà tôi thích ví với mình. Ngày xưa, thế hệ bọn tôi rất mê Jack London, mà viết về sói thì chẳng ai qua được ông ấy cả. Chú Trần Tiến có viết một bài về con sói của tôi, con sói của chú Trần Tiến trong âm nhạc là một con sói đầy thương cảm, còn con sói của tôi đầy rách nát và không bầy đàn. Thường thường, sói, sư tử và hổ thường sống bầy đàn nhưng sói của tôi rách nát và thích hoan lạc.

Mới đây chú Trần Tiến ra mắt một cuốn sách rất là hay. Ngày xưa tôi mê chú ấy lắm nhưng không nghĩ là chú ấy lại viết được hay đến thế. Cứ tưởng rằng, trong làng nhạc người giáo triết nhất là nhạc sĩ Dương Thụ thì cuốn sách hay này phải là của chú Dương Thụ ra trước mới đúng, nào ngờ chú Trần Tiến ra trước lại còn rất hay nữa.


Lê Minh Sơn sẽ tổ chức đêm nhạc Tiếng khóc kêu trong hũ vào ngày 18/11 tại Hà Nội. Ảnh: Tuấn.

Lê Minh Sơn sẽ tổ chức đêm nhạc "Tiếng khóc kêu trong hũ" vào ngày 18/11 tại Hà Nội. Ảnh: Tuấn.

Đều là những “con sói” trong âm nhạc, anh nhận thấy giữa anh và nhạc sĩ Trần Tiến có gì giống nhau?

Có chứ, giữa tôi và chú Trần Tiến chơi với nhau khá lâu. 19 tuổi tôi đã chơi với chú ấy rồi. Vài “Chuồn chuồn ớt” là tôi cũng viết vì Trần Tiến đấy. Nếu các bạn đọc tự truyện của Trần Tiến sẽ thấy trong cuốn này có câu chuyện chuồn chuồn đỏ, đó chính là câu chuyện tôi viết thành chuồn chuồn ớt. Khi viết xong bài này tôi hát cho ông nghe, ông bảo rất thú vị, đây là một sự kế thừa.

Tôi có một sự may mắn là được chơi với nhạc sĩ Nguyễn Cường từ năm 11 tuổi và chơi được với chú Cường là chơi được với chú Dương Thụ, Phó Đức Phương, Trần Tiến. Những người bạn chơi lúc nào cũng khiến tôi đầy ám ảnh. Tôi được như hôm nay là cũng nhờ các chú ấy rất nhiều.

Nhạc sĩ Trần Tiến thời anh biết có khác nhiều so với bây giờ?

Chú ấy vẫn thế thôi, người nghệ sĩ làm sao thay đổi được. Có những cái mà nói ra cũng không thể hiểu được đâu bởi chính ông ấy còn không hiểu được thì sao mình hiểu được. Có một điều là chú ấy rất thông minh. Nhưng nếu nói về sự thông minh trong âm nhạc thì chú Cường là người tôi yêu quý nhất.

Lê Minh Sơn nhận mình mà một con sói rách nát và thích hoan lạc. Ảnh: Tuấn.
Lê Minh Sơn nhận mình mà một "con sói" rách nát và thích hoan lạc. Ảnh: Tuấn.

Nhiều người bảo, anh và nhạc sĩ Trần Tiến giống nhau ở chỗ “tốn gái” lắm?

Tôi chưa bao giờ nhận mình như thế cả, tôi chỉ nhận mình là người dại gái chứ chưa bao giờ khôn gái. Trước phụ nữ tôi luôn là một “thằng khờ”. Nhiều người bảo tôi nói về phụ nữ đi nhưng tôi biết gì về phụ nữ đâu mà nói. Phụ nữ họ còn không hiểu họ thì tại sao mình hiểu họ được.

Trước nay, anh hiện lên trong mắt mọi người là một ông bố yêu con. Vậy con anh lớn rồi có còn thân thiết với anh như trước?

Con trai của mình lớn rồi nên hai bố con không tắm chung với nhau như trước nữa. Cu cậu bây giờ cao 1m74, nặng 70kg rồi nên bố con chia sẻ theo kiểu khác, kiểu của hai người đàn ông. Nói thật là tôi muốn có 100 đứa con để mình chăm sóc, khi đứa này lớn lại có đứa khác chơi với mình. Nhưng bây giờ nghĩ đến chuyện đẻ con vợ mình lại lắc đầu nguầy nguậy.

Cám ơn anh đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long