Tìm thấy lá thư trong chai lâu đời nhất thế giới
(Dân trí) - Lá thư trong chai lâu đời nhất thế giới đã được ném xuống khỏi một con tàu thủy của Đức vào ngày 12/6/1886, khi con tàu này đang ở vị trí khoảng 1.000km ngoài bờ biển nước Úc.
Hiện tại, đây được biết tới là lá thư trong chai lâu đời nhất thế giới. Lá thư đã vừa được tìm thấy bởi một gia đình, khi họ đang ở trên một bãi biển vắng của nước Úc. Tại thời điểm tìm thấy lá thư, xe hơi của gia đình này đang bị mắc kẹt vì lún trong cát.
Lá thư 132 năm tuổi được viết bằng tiếng Đức trên một tờ giấy được cuộn tròn và buộc lại bằng một sợi dây. Chiếc chai đựng lá thư là một chai rượu gin của Hà Lan được sản xuất từ thế kỷ 19.
Trong lá thư, người viết đề cập rằng chiếc chai đã được ném xuống khỏi một con thuyền ba buồm có tên Paula khi con thuyền này đang ở khoảng cách 1.000km ngoài bờ biển miền tây nước Úc.
Mới đây, ở thời điểm 132 năm sau khi lá thư được thả xuống biển, nó đã được tìm thấy bởi một phụ nữ có tên Tonya Illman. Tonya đã chú ý thấy có một vật gì đó nhô lên khỏi mặt cát khi đang đi bộ cùng với gia đình mình trên một bãi biển thuộc miền tây nước Úc.
Chia sẻ về trải nghiệm thú vị vừa có, Tonya cho biết: “Trông chiếc chai như thể một cái chai cũ bình thường xinh xinh vậy thôi, nhưng rồi khi tôi nhặt nó lên chỉ vì thấy nó lạ lạ, cũ kỹ và có thể dùng để trang trí trên giá sách thì tôi nhận thấy trong chai có một lá thư”. Tonya sau đó đã mở chiếc chai ra và một mẩu giấy ẩm rơi ra.
“Chúng tôi mang lá thư về nhà, sấy khô, và khi chúng tôi mở mẩu giấy ra, đó là một mẩu giấy in những chữ tiếng Đức, trên giấy có cả những chữ viết tay mờ nhạt bằng tiếng Đức”, Tonya cho biết.
Gia đình cô Tonya đã mang lá thư trong chai này tới gặp ông Ross Anderson, một chuyên gia khảo cổ học chuyên về mảng hải dương học tại Bảo tàng Tây Úc (Western Australian Museum). Chính ông Anderson đã khẳng định rằng vỏ chai rượu và tờ giấy tìm thấy trong chai đều là thật, không phải “giả cổ”.
Sau đó, ông Anderson đã liên lạc với các đồng nghiệp trong cùng lĩnh vực ở Đức và Hà Lan để nhờ họ lần lại những mẫu chữ viết tay trong các cuốn hải trình còn được lưu lại từ thời bấy giờ.
“Thật đáng kinh ngạc, một đồng nghiệp đã tìm thấy một dòng nhật ký được viết vào ngày 12/6/1886 bởi một thuyền trưởng, trong đó thông tin lại rằng họ đã thả xuống biển một lá thư trong chai”, ông Anderson cho biết.
“Ngày tháng trên lá thư và ngày tháng trong hải trình là trùng khớp, vị trí thả chai cũng giống hệt nhau. Nét chữ cũng tương đồng khi cùng là những nét cong, nghiêng, giống nhau cả về cách viết, khoảng cách chữ, các nét nhấn, các chữ viết hoa và cách viết số”, ông Anderson cho biết thêm.
Hồi thập niên 1860, Đài quan sát Thủy quân Đức (German Naval Observatory) đã thực hiện một thí nghiệm để hiểu thêm về những con sóng của đại dương, bằng cách đề nghị các thuyền trưởng của các tàu thả chai xuống biển, trong mỗi chai đều cần có một mẩu giấy đề ngày tháng thả chai, vị trí thả chai và một số thông tin khác về chuyến hải trình của tàu.
Sau khi các thông tin về lá thư đã rõ, cô Tonya Illman đã gửi tặng chiếc chai và lá thư cho Bảo tàng Tây Úc. Lá thư trong chai vừa bị “mất” kỷ lục, cũng là lá thư có “tuổi đời” lâu thứ hai thế giới hiện nay (tính về thời điểm thư được tìm thấy), có “tuổi đời” 108 năm.
>> Bức thư trong chai cổ nhất thế giới được tìm thấy sau 108 năm
>> Câu chuyện về bức thư trong chai có thể làm thay đổi cuộc sống...
>> Lá thư của cô gái đoản mệnh, bạn nhất định phải đọc!
Bích Ngọc
Theo Telegraph