Thông tin thêm về bia đá cổ nhất Việt Nam

(Dân trí)- Với những căn cứ thể hiện trên bia hoàn toàn có thể khẳng định đây là tấm bia có niên đại sớm nhất Việt Nam. Văn bia có niên đại vào đầu thế kỷ thứ 4, sớm hơn niên đại của văn bia Đại Tùy được phát hiện trước đó là 3 thế kỷ.

LTS: Với những phát hiện xung quanh bia đá này, những người có chuyên môn đã khẳng định đây là tấm bia đá cổ nhất được phát hiện ở Việt Nam tính tới thời điểm này. Để độc giả có những thông tin chính xác nhất về phát hiện mới này, chúng tôi xin đăng bài viết của ông Nguyễn Phạm Bằng - cán bộ Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh. 
 
Tấm bia cổ có niên đại từ thế kỷ thứ 4
Tấm bia cổ có niên đại từ thế kỷ thứ 4

Vừa qua những người làm công tác nghiên cứu văn hóa đã phát hiện một tấm bia đá cổ tại nghè thôn Thanh Hoài, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. tấm bia đá cổ gồm 2 mặt với 2 niên đại khác nhau. Mặt thứ nhất có ghi niên đại“Kiến Hưng nhị niên cửu nguyệt”, chúng tôi tạm cho rằng đây là niên hiệu của Tấn Mẫn Đế (313 - 317), tức rơi vào tháng 9 năm 314. Mặt thứ hai có có dòng niên đại “Duy Tống Nguyên Gia chấp thất niên” (tức năm 450).

Kết cấu của bia gồm 2 phần: thân bia và đế bia. Thân bia được tạo tác bởi một phiến đá lớn, phần đầu bia được đục vát hai đầu thành hình tam giác tạo thành trán bia nhưng đã bị vỡ làm đôi. Đế bia là một khối đá hình hộp chữ nhật nhìn rất đồ sộ. Nếu bia vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu thì phần thân bia sẽ cao 200cm, rộng 100cm, dày 15cm; Phần đế bia có chiều dài 136cm, rộng 100cm, cao: 30cm.

Theo lời kể của nhân dân địa phương thì trước đây bia vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có một vết nứt chéo ngang thân bia, vào năm 1967 máy bay ném bom của Mỹ bị rơi trúng địa phận thôn Thanh Hoài, cách vị trí bia hiện nay khoảng 300m. Khi cho nổ các quả bom còn sót lại đã gây ra chấn động mạnh khiến cho tấm bia bị vỡ làm đôi như hiện nay.

Nghè thôn Thanh Hoài, nơi phát hiện tấm bia đá cổ
Nghè thôn Thanh Hoài, nơi phát hiện tấm bia đá cổ

Qua khảo sát chúng tôi thấy số chữ còn lại ở cả 2 mặt bia khá khiêm tốn, khoảng gần 300 chữ, mỗi mặt lại được viết theo một lối chữ khác nhau. Mặt thứ nhất có dòng niên đại Kiến Hưng nhị niên, hiện còn khoảng 120 chữ, được viết theo phong cách Lệ thư. Mặt thứ hai có niên đại Tống Nguyên Gia chấp thất niên còn khoảng 150 chữ, được viết theo phong cách Khải thư.

Hiện nay ở bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam có lưu giữ một trong những tấm bia đá cổ nhất Việt Nam, đó là tấm bia mang tên Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng bi văn, bia nguyên ở làng Trường Xuân, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Bia có ghi niên đại là ngày mùng 8 tháng 4 năm Mậu Dần, niên hiệu Đại Nghiệp thứ 14 (tức năm 618). Năm 2012, tại xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, bảo tàng tỉnh Bắc Ninh phát hiện và công bố tấm bia tháp xá lợi có dòng niên đại được ghi rõ “Đại Tùy Nhân Thọ nguyên niên, tuế thứ Tân Dậu, thập nguyệt Tân Hợi sóc thập ngũ nhật Ất Sửu” (tức ngày 14 tháng 10 năm 601)..

Nội dung văn bia ghi chép về nhân vật Đào Hoàng, là Đại tướng dưới thời Đông Ngô và Tây Tấn. Đào Hoàng từng làm Thứ sử Giao Châu trong khoảng 30 năm. Tuy nhiên mỗi mặt lại có một nội dung khác nhau: Mặt thứ nhất ghi chép về lai lịch, công trạng của ông; mặt thứ hai ghi chép về việc trùng tu nơi thờ tự của ông.

Văn bia gồm 2 mặt, mỗi mặt được khắc một niên đại khác nhau. Niên đại của mặt thứ nhất được ghi ở dòng cuối cùng của mặt bia: “Kiến Hưng nhị niên cửu nguyệt nhâm…”. Niên đại của mặt bia thứ 2 được ghi ở dòng thứ 5 (tính từ phải sang trái) như sau: “Duy Tống Nguyên Gia chấp thất niên, Thái tuế Canh Dần, thập nhị nguyệt (Bính Thìn)(Đúng vào niên hiệu Nguyên Gia năm thứ 27, sao Thái Tuế đóng tại Canh Dần, trước ngày 25 (ngày Canh Thìn) tháng 12 (tháng Bính Thìn)). Về niên đại Tống Nguyên Gia của mặt bia thứ hai ta có thể dễ dàng xác định được đây là niên hiệu của Lưu Nghĩa Long (424 - 453).Về niên hiệu Kiến Hưng được khắc ở mặt bia thứ nhất, theo khảo sát của chúng tôi thì từ sau năm Đào Hoàng mất (năm 300) cho đến nhà Tiền Lương thì có tới 7 lần niên hiệu Kiến Hưng được sử dụng. Trong vòng 57 năm (304 - 361) có đến 7 lần sử dụng niên đại Kiến Hưng, vậy thì niên đại Kiến Hưng được nhắc đến trong bia là niên đại nào? Giả thuyết thứ nhất, nếu theo logic về mặt thời gian thì niên hiệu Kiến Hưng của nhà Thành Hán là tương đối hợp lý, bởi theo niên đại này thì niên hiệu Kiến Hưng nhị niên sẽ là năm 305, tức 5 năm sau khi ông qua đời.

Giả thuyết thứ hai, theo chúng tôi thì đây là niên hiệu của Tấn Mẫn Đế (313 - 317) vì sau khi Đông Ngô hàng Tây Tấn thì Đào Hoàng lại trở thành đại tướng dưới triều đại này. Nếu tính từ khi ông mất cho đến niên đại Kiến Hưng thứ 2, tất cả là 14 năm (từ năm 300 đến năm 314), cũng không phải là khoảng thời gian quá lâu cho việc dựng bia. Thêm vào đó, trên tiêu đề được ghi ở trán bia:“ Tấn (?) cố sứ trì tiết quán quân tướng (quân) giao châu mục đào liệt hầu bi” (Chữ “tấn” chỉ còn bộ “viết” phía dưới, chữ “quân”trong ngoặc đứng mất hẳn, đọc theo vị trí chữ và chức phong của nhà Tấn cho Đào Hoàng trong Tấn thư). Với những cứ liệu trên, chúng tôi cho rằng dòng niên đại được nhắc đến trong bia rất có thể là niên hiệu của Tấn Mẫn Đế, tức niên hiệu Kiến Hưng nhị niên (314).

Trong bài viết lần này, chúng tôi mới chỉ công bố về vấn đề phát hiện một tấm văn bia quý và lược bàn về vấn đề niên đại của nó, còn về vấn đề nội dung và các vấn đề liên quan chúng tôi tạm thời chưa đề cập đến. Với hai giả thuyết về vấn đề niên đại nêu trên thì niên đại tuyệt đối của tấm bia vẫn còn là một ẩn số. Nhưng dù niên đại của nó có rơi và thời điểm nào đi chăng nữa (năm 305 hoặc 315) thì với những căn cứ hiện có chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định tính cho tới thời điểm hiện tại thì đây sẽ là tấm bia có niên đại sớm nhất Việt Nam được phát hiện, văn bia có niên đại vào đầu thế kỷ thứ 4, sớm hơn niên đại của văn bia Đại Tùy mới phát hiện trước đó là 3 thế kỷ.

 
 
 
 
Nguyễn Phạm Bằng
           Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh