“Táo Quân cần xin lỗi vì mỉa mai, cười cợt người đồng tính”
(Dân trí) - Nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa nói, không thiếu đề tài hài hước để Táo quân khai thác thay vì cười cượt, mỉa mai người đồng tính. Chuyên gia giáo dục, TS Vũ Việt Anh thì cho rằng ê kíp Táo quân cần có lời xin lỗi về những ngôn từ gây tổn thương đến cộng đồng LGBT…
Chương trình Táo quân đã gắn bó với khán giả truyền hình 15 năm nay, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi đêm giao thừa. Trong đó, nhân vật Bắc Đẩu do nghệ sĩ Công Lý đảm nhận để lại nhiều ấn tượng bởi giọng điệu cùng ngoại hình nửa nam nửa nữ.
Trong Táo Quân 2018, vai diễn của Công Lý tiếp tục gây ấn tượng với vẻ ngoài nữ tính và bị các Táo đem ra “bàn tán” gây cười như: "trông như con cave già chuyển giới hỏng" hay "nam không ra nam nữ không ra nữ", "Con chi sống trên trời không phải nữ cũng chẳng phải nam", "bọn phụ nữ một nửa"...
Việc Táo Quân dùng giới tính của Bắc Đẩu để tạo tiếng cười đã gây nhiều tranh cãi, thậm chí phản đối chương trình. Có ý kiến cho rằng ở thời đại này, càng ngày càng nhiều người ủng hộ người đồng tính, không còn coi đó là một bệnh lý nữa mà coi đó là một giới tính khác với nam, nữ…
Mới đây, Tổ chức bảo vệ người đồng tính cũng khiến dư luận xôn xao khi gửi thư phản đối Táo Quân vì về việc lấy giới tính của Bắc Đẩu ra để tạo tiếng cười.
“Không thể lấy mục tiêu gây cười để mỉa mai người đồng tính”
Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, các chương trình hài thường sử dụng ngôn ngữ nhạy cảm với mục đích gây cười. Không chỉ là Táo Quân, gặp nhau cuối năm mà còn rất nhiều chương trình, nhóm hài đã dùng cách thức chọc cười bằng cơ học như giả gái, sứt môi, nói ngọng, răng hô, thậm chí giả tiếng người dân tộc, tiếng địa phương… để mang lại tiếng cười cho khán giả. Tuy nhiên, vì mục tiêu gây cười mà mỉa mai người đồng tính, cũng như đem khuyến khuyết của người khuyết tật ra để cười cợt là điều khó chấp nhận.
Theo ông Trịnh Trung Hòa, việc Táo Quân sử dụng từ miêu tả Bắc Đẩu "trông như con cave già chuyển giới hỏng" hay "nam không ra nam nữ không ra nữ", "Con chi sống trên trời không phải nữ cũng chẳng phải nam", "bọn phụ nữ một nửa"... là ngôn từ không chuẩn, xúc phạm đến cộng đồng LGBT.
“Không thiếu đề tài để khai thác yếu tố hài hước để Táo Quân khai thác thay vì cười cợt, mỉa mai người đồng tính. Họ cần được thông cảm, chia sẻ chứ không nên kỳ thị. Dù là sự vô tình, không cố ý nhưng cũng là điều ê kíp chương trình phải suy nghĩ, rút kinh nghiệm. Theo tôi, với những chương trình lên sóng truyền hình cần được kiểm duyệt kỹ càng để phát hiện những yếu tố, ngôn từ nhạy cảm; tránh xảy ra tình trạng phát sóng rồi lại gây ồn ào…”, ông Trịnh Trung Hòa nói.
“Táo Quân cần có lời xin lỗi vì ngôn từ gây tổn thương…”
Đồng quan điểm với nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa, chuyên gia giáo dục, TS Vũ Việt Anh cũng cho rằng hài kịch với vai trò là dùng tiếng cười là để uốn nắn cuộc sống. Vì vậy mọi thành phần, sự việc, nhóm đối tượng đều có thể trở thành chủ đề được phản ánh trong hài kịch. Những nhóm đối tượng này đều bình đẳng trước cuộc sống và cũng có những vấn đề, thói hư tật xấu như bao nhóm người khác còn điều chỉnh, sửa đổi...
Tuy nhiên việc lạm dụng quá mức sẽ gây ra phản cảm cho người xem. Ngay cả những người bình thường khi nghe những lời miệt thị về giới tính của Bắc Đẩu trong Táo Quân cũng đã cảm thấy khó nghe chứ chưa nói đến những người thuộc giới tính thứ ba.
TS Vũ Việt Anh chia sẻ: “Họ được thế giới chấp nhận, luật pháp Việt Nam thừa nhận, xét về mặt sinh học họ còn là đối tượng bị thiệt thòi, vì thế nếu không có những sự đồng cảm, chia sẻ cùng với họ thì ít nhất cũng coi họ là thành phần bình đẳng trong xã hội chứ không nên miệt thị thành phần yếu thế này. Tôi cho rằng không chỉ là Táo quân mà các chương trình hài kịch khác cũng giảm bớt việc sử dụng thủ pháp cười cơ học, rẻ tiền, bậy bạ, miệt thị.. làm tổn thương đến những nhóm người khác biệt trong xã hội”.
Theo TS Vũ Việt Anh, thư ngỏ gửi Đài Truyền hình Việt Nam của Viện ISEE và Trung tâm ICS - Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT là hành động cần thiết để bảo vệ cộng đồng này. “Thiết nghĩ Đài Truyền hình Việt Nam, đại diện ê kíp thực hiện chương trình Táo Quân cần có lời xin lỗi về những ngôn từ làm tổn thương đến cộng đồng này, đó cũng là phép tắc tối thiểu trong giao tiếp mà những người làm văn hóa cần phải thực hiện”, TS Vũ Việt Anh nói.
Nguyễn Hằng