Táo Quân đem người chuyển giới ra làm trò cười là phản cảm?
(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng, việc tạo hình nhân vật Bắc Đẩu của Táo Quân là một cách đem người của cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) ra làm trò cười. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đó là việc làm tăng thêm màu sắc hài hước chứ không có ý đả kích hoặc châm biếm ai.
Nhà biên kịch Chu Thơm cho rằng, việc tạo hình nhân vật Bắc Đẩu theo hướng Cô Đẩu như của Táo Quân có phần hơi nhạy cảm. Vì những người trong cộng đồng LGBT ngày nay đang cố gắng thay đổi cách nhìn của cộng đồng đối với những người đồng tính - song tính - chuyển giới thì việc đưa những người như thế lên sân khấu theo hướng của Táo Quân sẽ có phần khiến những người xung quanh nhìn nhận về họ theo chiều hướng ngược lại.
“Các cụ xưa có câu “Ốm thì tha, chiêm la thì bắt”, nghĩa là những người trong cộng đồng LGBT không phải là một tệ nạn. Tệ nạn thì đáng châm biếm và lên án, còn họ mang giới tính như thế từ khi sinh ra thì không thể châm biếm họ. Bản thân nhân vật Bắc Đẩu trong sách vở không phải như thế mà là một người rất đĩnh đạc.
Tôi nghĩ, diễn viên đóng nhân vật Bắc Đẩu rất tài năng nhưng cách xây dựng nhân vật như thế là chưa ổn. Và tôi có cảm giác biên kịch chương trình ngày càng bị đuối về ý tưởng.
Thiết nghĩ, Táo Quân là chương trình được khán giả mong chờ nhưng là mong chờ chương trình hay, chương trình thú vị… chứ không phải là chỉ cười theo thói quen. Người ta đang ngộ nhận, Táo Quân mang đến tiếng cười cho nhiều khán giả nghĩa là tốt nhưng chưa hẳn đã vậy. Tiếng cười của Táo Quân phải vượt lên trên những tiếng cười cơ học và xứng tầm là chương trình được mong đợi nhất của năm”, nhà biên kịch Chu Thơm nói.
Ca sĩ Hoàng Bách cũng đồng ý với ý kiến của đại diện cộng đồng LGBT. Nam ca sĩ chia sẻ: “Rất trân trọng cố gắng của ê-kíp để giữ Táo Quân sau bao năm phát sóng nhưng mang lên sóng quốc gia lại trong khuôn khổ một chương trình vào những giờ khắc quan trọng như Táo Quân rất cần cẩn trọng và cân nhắc hơn về những vấn đề mà ngày xưa, có thể không ai để ý, nhưng sau nhiều năm, câu chuyện đã khác.
Không thể chỉ chú trọng kiểm duyệt những yếu tố thuộc về chính trị mà vô tình bỏ quên những vấn đề khác xứng đáng hơn, hợp lý hơn”.
Tiến sỹ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, bà đồng tình với quan điểm của Viện ISEE và Trung tâm ICS.
“Nhiều năm nay, khi xem Táo Quân tôi cảm thấy không thoải mái về cái cách mà họ tạo hình nhân vật Bắc Đẩu và sử dụng hình ảnh của người chuyển giới để làm trò cười. Việc đưa người chuyển giới lên sân khấu thì không có vấn đề gì. Nhưng đưa ra để làm trò cười, để chế nhạo thì tôi cảm thấy không được. Nếu trước đây nhận thức của xã hội về LGBT chưa đầy đủ thì còn có thể bỏ qua nhưng càng ngày nhận thức xã hội càng nâng cao thì các nhà biên kịch lẫn đạo diễn và nghệ sĩ nên có sự điều chỉnh, có sự tiết chế để không gây phản cảm. Đặc biệt, không gây sự bất bình trong cộng đồng LGBT và xã hội nói chung.
Táo Quân là một sản phẩm văn hóa rất đặc sắc ở Việt Nam trong nhiều năm nay vì thế mà sẽ có tác dụng dẫn dắt, thay đổi nhận thức rất lớn. Và nếu chúng ta để có những hạt sạn như thế thì thật là đáng tiếc. Những năm trước có những câu đùa rất thô thiển về người chuyển giới. Năm nay còn có những câu nhận xét về phụ nữ cao tuổi hoặc phụ nữ bị cho là không được đẹp. Những câu thoại đó rất không ổn. Nếu ISEE và ICS không lên tiếng thì cũng sẽ có nhiều người khác lên tiếng.
Ngay khi đang xem Táo Quân tôi cũng đã không nhịn được nên có viết lên trang cá nhân mấy câu thể hiện việc không chấp nhận được những câu bình luận về phụ nữ và người chuyển giới như vậy.
Tôi hy vọng, nếu có Táo Quân sang năm thì không nên lặp lại. Tương tự, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật khác cũng nên tránh những chuyện như vậy. Vì đến bây giờ mà còn phản ánh những chuyện như thế theo góc nhìn như thế thì quả là rất lạc hậu. Chúng ta là những người làm nghệ thuật mà không cập nhật được sự thay đổi của xã hội, đặc biệt là về quyền của những nhóm người như vậy thì thật đáng tiếc”, bà Khuất Thu Hồng bày tỏ.
Trong khi đó, nhiều độc giả của Dân trí lại cho rằng, việc mang nhân vật trên sân khấu để đánh đồng với người ngoài đời thực là không hợp lý.
“Có cái gì để mà phản đối đâu chứ. Không lẽ trong cộng đồng LGBT không có những nhân vật như Cô Đẩu hay sao. Đừng đánh đồng một nhân vật trên sân khấu với hình ảnh chung của cộng đồng LBGT. Các bạn cứ sống là chính mình và hãy là người có ích cho xã hội. Thế là quá đủ với các bạn rồi. Mình xin nhắc lại Cô Đẩu là Cô Đẩu, không thể là ai khác. Và Cô Đẩu không hề mang tính đại diện cho cộng đồng LBGT”, độc giả Hoàn Lê chia sẻ.
Thành viên có nickname “Bóng đêm 74” cũng bày tỏ: “Tôi nghĩ vấn đề Cô Đẩu ở đây không hề có tính miệt thị cộng đồng người LGBT mà ngược lại nó giúp cho cộng đồng này rất nhiều. Cộng đồng LGBT có thể tận dụng hình tượng này để mọi người biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn về thế giới, về khó khăn, về quan điểm sống... của mình. Hãy để mọi người hiểu hơn về các bạn. Việc mọi người coi hình tượng này là miệt thị cộng đồng LGBT thì tôi nghĩ suy nghĩ đó là hơi tiêu cực.
Tôi nhìn thấy ra rất nhiều ý nghĩa ở đây. Cô Đẩu luôn khẳng định khao khát muốn sống đúng với bản chất của mình mặc cho các Táo cười chê thế nào. Tôi hiểu hơn về khát vọng, quyết tâm và những khó khăn, những giọt nước mắt mà các bạn LGBT khi muốn sống với đúng con người mình. Cô Đẩu không đơn độc, luôn được Ngọc Hoàng (Đại diện thiên đình) và Nam Tào công nhận. Tôi không nhớ rõ Táo Quân năm nào nhưng tôi nhớ có năm xem Táo Quân có đoạn Thiên đình ra văn bản công nhận hợp pháp và bảo vệ Cô Đẩu cũng như luôn dành sự ưu ái, quan tâm cho Cô Đẩu.
Cộng đồng LGBT không đơn độc! Các bạn được pháp luật bảo vệ và bên cạnh các bạn luôn có những người bạn, người cộng sự thấu hiểu, ủng hộ và bảo vệ hết lòng. Thông qua Táo Quân tôi mới mới nhận ra điều này. Đó là Cô Đẩu đôi khi chanh chua, đôi khi ham tài, đôi khi khó tính (hay bắt nạt Thiên Lôi), đôi khi nịnh nọt... nhưng là một con người tài năng (giữ chức rất to trong Thiên đình) và đặc biệt về cuối sẽ luôn thể hiện ra sự hướng thiện trong con người. Giống như con người vậy, ai không có sự ích kỷ trong riêng mình nhưng về bản chất ai cũng sẽ hướng thiện”.
Thành viên Đạt Bikey lại cho rằng, Không có gì phải quá căng thẳng cả. Đây là chương trình giải trí đề cập đến các vấn đề “nóng” của xã hội trong năm. Cần hiểu rõ trong chương trình, yếu tố nào là vấn đề nổi cộm, yếu tố nào là hài hước, gây cười. “Theo quan điểm cá nhân tôi thì yếu tố "Bà Đẩu" chỉ gây cười và cho chương trình thêm hài hước, sinh động chứ không hề mang tính chất châm biếm đả kích ai cả”, thành viên này phát biểu.
Hà Tùng Long