Sau “sự cố”, Hải Phòng tạm dừng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017

(Dân trí) - Việc UBND TP. Hải Phòng quyết định tạm dừng Lễ hội chọi trâu 2017 có thể coi là động thái mạnh để xử lý vụ việc. Tuy nhiên điều này lại khiến không ít người dân Đồ Sơn và những người quan tâm đến lễ hội này còn băn khoăn.

Thậm chí có người còn cho rằng, một sự cố không thể làm ảnh hưởng đến cả một lễ hội truyền thống có từ nhiều thế kỷ trước. Có chăng nên rà soát lại qui trình tổ chức sao cho chặt chẽ mà thôi!

Lễ hội chọi trâu luôn hấp dẫn người xem bởi những pha đấu đẹp mắt của các ông trâu (ảnh Hồng Phong)
Lễ hội chọi trâu luôn hấp dẫn người xem bởi những pha đấu đẹp mắt của các "ông trâu" (ảnh Hồng Phong)

Lễ hội truyền có từ nhiều đời

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có từ bao giờ khó mà nói chính xác được, chỉ biết Lễ hội đã có từ bao nhiêu đời và được coi là hình thức sinh hoạt văn hóa, một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Còn theo truyền thuyết thì lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương có từ thế kỷ thứ 18.Thời điểm chính mở hội là giai đoạn chuyển từ vụ cá nam sang vụ cá bắc...Tức là vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm.

Lễ hội chọi trâu cũng như nhiều lễ hội khác có hai phần, phần lễ và phần hội đan xen. Phần lễ với các nghi lễ trang trọng, chủ yếu diễn ra trước phần hội một vài ngày. Phần hội sẽ diễn ra vào chính hội (9/8).

Lễ hội chọi trâu không chỉ đem lại sự phấn khởi, vui vẻ mà còn là thú chơi công phu. Nói là công phu vì từ việc chọn trâu, mua trâu, chăm nuôi và huấn luyện trâu đều phải kỹ lưỡng. Trâu muốn tham gia hội phải được chọn lựa kỹ mới mua về, rồi huấn luyện, chăm nuôi trước trận đấu hàng năm.

Đặc biệt, trâu chọi ở Lễ hội này dù thắng hay thua cũng đều được giết mổ để tế lễ trời đất, cầu mùa màng thuận hoà…

Sau nhiều năm tháng gián đoạn, năm 1992, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được khôi phục lại và được Nhà nước xác định là 1 trong 15 lễ hội quốc gia và được công nhận là Di sản phi vật thể Quốc gia.

Đến với Lễ hội, bạn có thể thưởng thức các nghi thức truyền thống dân gian, các kháp đấu hấp dẫn, dũng mãnh của các “ông trâu”…Sân đấu hiện tại cũng được tổ chức tại sân vận động thị xã rộng lớn. Thời gian cũng được chia gọn làm hai vòng, tính theo lịch âm. Cụ thể, ngày 8/6 đấu loại và 9/8 đấu chính thức.

Sự cố và buộc phải tạm dừng

Trâu chọi húc chủ của mình tại sân đấu (ảnh CTV)
Trâu chọi húc chủ của mình tại sân đấu (ảnh CTV)

Trâu số 18 bị khống chế.

Trâu số 18 bị khống chế.

Theo UBND Quận Đồ Sơn, vòng loại Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2017 diễn ra vào lúc 7 giờ 30 ngày 1/7 (tức ngày 8/6 năm Đinh Dậu) gồm 32 “ông trâu” chia làm 16 trận đấu. Suốt qua trình đấu từ đầu cho tới kháp 13 mọi việc diễn ra an toàn.

Tuy nhiên đáng tiếc đến kháp đấu thứ 14, trâu số 18 của ông Đinh Xuân Hướng (Phường Vạn Hương) bất ngờ tấn công chủ trâu số 23 (cùng kháp đấu) là ông Lưu Đình Vũ. Rất may ông Vũ đã chạy thoát nhưng chính ông Hướng sau đó đã bị trâu chọi của mình tấn công dẫn đến trọng thương và tử vong.

Ban tổ chức lễ hội đã lập tức dừng trận đấu, chỉ đạo lực lượng nhốt trâu số 18 vào vị trí an toàn.

Chiều cùng ngày, UBND TP, Hải Phòng đã quyết định tạm dừng Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017.

Bộ VHTT &DL cùng chiều ngày 1/7 cũng có văn bản gửi Sở VHTT, TP.Hải Phòng yêu cầu kiểm tra, rà soát công tác tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017, đặc biệt công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong lễ hội.

Bộ VHTT &DL cũng yêu cầu, quá trình rà soát nếu thấy công tác chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội chưa đảm bảo an toàn theo quy định, đề nghị báo cáo UBND TP Hải Phòng để tạm thời dừng việc tổ chức Lễ hội chọi trâu năm 2017.

Tại cuộc làm việc với sở VHTT &DL, UBND quận Đồ Sơn sáng nay (2/7), bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cũng đã ghi nhận sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bài bản của Quận Đồ Sơn trong công tác chuẩn bị cho lễ hội đúng quy định cũng như sự vào cuộc khắc phục sự cố thấu tình đạt lý của địa phương.

Tuy nhiên, bà Thủy cũng cho rằng, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nên không phải chỉ ở phần chọi trâu mà phải ở cả giá trị về tâm linh và phần lễ. Thời gian qua phần quảng bá lễ hội tại địa phương vẫn chỉ chú trọng phần chọi trâu, ít đề cập phần giá trị thiêng liêng, cốt lõi di sản. Do đó Sở VHTT Hải Phòng cần tham mưu cho UBND TP và UBND Quận Đồ Sơn có cách tổ chức khác sao cho phù hợp hơn.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng đã cùng đoàn công tác, kiểm tra an toàn tại sân vận động tổ chức chọi trâu, thăm và động viên gia đình chủ trâu tử vong..

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy kiểm tra mức độ an toàn của sân đấu (ảnh CTV)
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy kiểm tra mức độ an toàn của sân đấu (ảnh CTV)

Bà Thủy yêu cầu Sở VHTT tham mưu UBND TP. Hải Phòng xây dựng lộ trình tổ chức phù hợp và xem xét tổ chức buổi làm việc giữa Lãnh đạo Bộ VHTT&DL với Lãnh đạo TP. Hải Phòng về vấn đề trên để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

Mong muốn tiếp tục được tổ chức lễ hội chung kết

Trước quyết định tạm dừng tổ chức Lễ hội chọi trâu 2017 của UBND TP. Hải Phòng, nhiều người dân Đồ Sơn, nhất là các chủ trâu đều cho rằng nên chăng thực hiện nghiêm ngặt qui trình tổ chức và vẫn để Lễ hội diễn ra như bình thường.

Cụ thể, ông Đinh Đắc Xề (SN1931, ở Vạn Xuyên, Đồ Sơn, gia đình ông có 1 trâu tham gia vòng loại đã vào được chung kết) cho rằng, đây là lễ hội truyền thống, là tâm linh… của người dân Đồ Sơn. Vì vậy có chăng nên rà soát, xem xét lại quá trình sao cho đảm bảo an toàn chứ không nên dừng.

Ông Nguyễn Đắc Thơ (cùng ở phường Ngọc Xuyên, Đồ Sơn) cũng cho biết, các chủ trâu tham gia lễ hội là vì đam mê, vì tâm linh… Không chỉ ông mà các con trai ông cũng đều tham gia. Cũng theo ông Thơ, để có được trâu chọi tham dự các trận đấu không đơn giản, ngoài tiền bạc lên tới vài trăm triệu thì công chăm sóc, huấn luyện cũng rất lớn. Vì vậy nên để lễ hội được tiếp tục.

Nhiều người dân cũng như khách du lịch cũng cũng một quan điểm như trên, một số khách du lịch còn cho biết, năm nào họ cũng đến Đồ Sơn vào dịp Lễ hội chọi trâu để được chứng kiến, thưởng thức những kháp đấu hay của các “ông trâu”.

Lãnh đạo UBND Quận Đồ Sơn cũng cho biết, đây là lần đầu tiên xảy ra chết người tại Lễ hội chọi trâu. Đây cũng được coi là sự cố hy hữu và đáng tiếc. Trong quá trình tổ chức lễ hội nhiều năm qua, Ban tổ chức luôn có quy chế chặt chẽ, có phương án đảm bảo an ninh, an toàn…

Tại cuộc làm việc với Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy lãnh đạo quận Đồ Sơn cũng đã bày tỏ mong muốn của địa phương là tiếp tục được tổ chức vòng chung kết chọi trâu. Để đảm bảo an toàn, địa phương sẽ rút kinh nghiệm, kiểm tra sai sót, tăng cường chặt chẽ hơn từ khâu mua trâu đến huấn luyện và theo dõi trâu sát sao. Nếu phát hiện trâu có biểu hiện gì bất bình thường sẽ cấm vào tham gia lễ hội.

Hàng loạt các giải pháp như: Tăng cường công tác huấn luyện để trâu làm quen với không khí đông đúc của lễ hội, tăng cường cơ sở vật chất, lập hàng rào kiên cô... Bên cạnh đó Ban tổ chức cũng sẽ huấn luyện một đội bắt trâu tinh nhuệ và điều hành linh hoạt hơn phòng khi trâu có biểu hiện bất thường phải lập tức có biện pháp ứng phó kịp thời cũng đã được lãnh đạo UBND quận Đồ Sơn đề ra để đảm bảo an toàn khi diễn ra lễ hội.

Trao đổi với Dân trí sáng nay (2/7), ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cũng cho rằng “trước mắt tạm dừng để xem xét, xử lý và khắc phục hậu quả. Sau đó sẽ rà soát cụ thể và xin ý kiến Trung ương. Tất nhiên quan điểm của thành phố rất muốn giữ lễ hội”.

Hải Sâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm