Lộ diện đại gia châu Á chi 4.000 tỉ đồng mua tranh Picasso

(Dân trí) - Danh tính người chi ra gần 4.000 tỉ đồng để mua tranh của Picasso - bức tranh khắc họa thân hình phụ nữ gợi cảm - đã được hé lộ. Bức tranh đã phá vỡ những kỷ lục về giá nhưng sẽ không thể treo công khai trong nhà chủ nhân. Tại sao?

Trong tháng 5 này, bức tranh “Những người phụ nữ Algiers” của danh họa Picasso vừa xác lập kỷ lục mới về giá, trở thành bức tranh được trả giá cao nhất tại một cuộc đấu giá. Một người mua ẩn danh đã trả 180 triệu đô la (gần 4.000 tỉ đồng) để nắm quyền sở hữu bức tranh.

Bức tranh có thể sẽ không bao giờ xuất hiện trước công chúng một lần nữa bởi hiện tại người mua bức tranh đã lộ diện, đó là cựu Thủ tướng Qatar.

Qatar là một quốc gia Hồi giáo, vì vậy, ngài cựu Thủ tướng sẽ không thể trưng bày bức tranh một cách công khai ở quê nhà Qatar bởi trong tranh khắc họa hình ảnh những người phụ nữ khỏa thân - một điều cấm kỵ trong văn hóa đạo Hồi.

Cựu Thủ tướng Qatar - ông Hamad bin Jassim bin Jaber Al Thani - đã thực hiện việc mua bán bức tranh thông qua một chuyên gia trung gian trong lĩnh vực mua bán tác phẩm hội họa. Người này đã xuất hiện thay cho người mua đích thực, vì vậy, ban đầu, danh tính người mua tranh chỉ được hé lộ là một nhà sưu tầm đến từ Trung Đông.

Bức tranh với những gam màu sống động khắc họa những người phụ nữ khỏa thân nhiều khả năng sẽ được trưng bày trong phòng kín bởi những quy định khắt khe của đạo Hồi không cho phép một bức tranh “lõa lồ” như thế này được xuất hiện công khai.

Lộ diện đại gia châu Á chi 4.000 tỉ đồng mua tranh Picasso

Bức “Những người phụ nữ Algiers” của Pablo Picasso đã được bán với mức giá kỷ lục 180 triệu đô la.

Lộ diện đại gia châu Á chi 4.000 tỉ đồng mua tranh Picasso

Hiện tại, những người thạo tin trong giới sưu tầm nghệ thuật cho biết chính cựu Thủ tướng Qatar (trái) là người đang nắm quyền sở hữu bức tranh.

Lộ diện đại gia châu Á chi 4.000 tỉ đồng mua tranh Picasso

Bức tranh theo trường phái lập thể này sẽ không thể trưng bày công khai ở Qatar bởi tranh khắc họa những người phụ nữ khỏa thân.

Hiện tại, trong giới sưu tầm nghệ thuật, Qatar đang nổi lên như một “đại gia khổng lồ”, sẵn sàng chi những món tiền không tưởng để sở hữu những tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất.

Hồi tháng 2 vừa qua, Hoàng gia Qatar cũng đã nắm quyền sở hữu đối với bức tranh khắc họa hai cô gái Tahiti của danh họa Paul Gauguin với mức giá 300 triệu đô la (hơn 6.500 tỉ đồng) - mức giá kỷ lục đối với một tác phẩm hội họa từng được bán ra trong lịch sử. Vậy là chỉ trong 2 quý đầu năm 2015, Qatar đã lập nên 2 kỷ lục mới về giá trong lịch sử hội họa.

Lộ diện đại gia châu Á chi 4.000 tỉ đồng mua tranh Picasso


Bức “Hai cô gái Tahiti” đã được Hoàng gia Qatar mua để đưa vào hệ thống các viện bảo tàng nghệ thuật đẳng cấp quốc tế sắp được mở ra tại vương quốc dầu lửa này.

Hồi năm 2011, Hoàng gia Qatar cũng từng lập kỷ lục về giá khi mua bức “Những người chơi bài” của Paul Cezanne với giá 250 triệu đô (gần 5.500 tỉ đồng) để rồi sau đó chính họ lại phá vỡ kỷ lục với bức “Hai cô gái Tahiti”.

Lộ diện đại gia châu Á chi 4.000 tỉ đồng mua tranh Picasso


Các chuyên gia cho rằng giá tranh được đẩy lên cao như vậy là bởi ngày càng có nhiều tỉ phú quyết định đầu tư vào lĩnh vực hội họa để tìm kiếm sự an toàn, bên cạnh đó, những nhà sưu tầm có tiếng sẽ luôn cùng tìm kiếm những tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất, khiến tác phẩm “đội giá” lên đến mức không tưởng.

Trong những năm gần đây, Qatar liên tục mua về những tác phẩm hội họa nổi tiếng của phương Tây với những mức giá gây sốc. Việc Qatar - một xứ sở dầu lửa nổi tiếng giàu có trên thế giới - không ngừng chi ra bộn tiền để mua về những tác phẩm hội họa đắt giá nhất đã khiến thế giới phải kinh ngạc.

Qatar rất quyết đoán trong việc sưu tầm hội họa, luôn có khát khao mở rộng bộ sưu tập của mình bằng bất cứ giá nào (theo đúng nghĩa đen).

Không ai biết chính xác từ trước đến nay Qatar đã chi tổng cộng bao nhiêu tiền cho việc mua về các tác phẩm hội họa, nhưng rõ ràng đất nước này đang thực hiện kế hoạch nắm giữ nhiều siêu phẩm hội họa đỉnh cao.

Chính sự tham gia của Qatar vào các thương vụ chuyển nhượng tác phẩm hội họa đã làm mức giá trả cho các tác phẩm này tăng lên vùn vụt.

Các chuyên gia trong giới khẳng định rằng khi Qatar hoàn tất cơ bản việc sưu tầm tác phẩm nghệ thuật và dần dần rút lui khỏi thị trường, họ sẽ để lại một khoảng trống không ai có thể lấp đầy trở lại.

Hiện tại, Liên hiệp Các viện bảo tàng Qatar đã thành lập 3 viện bảo tàng cấp quốc gia nằm ở thủ đô Doha. Tuy vậy, đây mới chỉ là khởi đầu của kế hoạch lâu dài bởi họ đang có tham vọng biến thành phố Doha trở thành một trung tâm nghệ thuật với những viện bảo tàng hàng đầu thế giới giống như của New York hay Paris.

Con số các viện bảo tàng nghệ thuật được mở ra trong tương lai ở Doha sẽ là gần 20 viện bảo tàng với những chủ đề nghệ thuật đa dạng.

Qatar không che giấu tham vọng trở thành một trung tâm quốc tế trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả văn hóa, du lịch. Nếu muốn hấp dẫn du khách tìm đến với một quốc gia, người ta cần có lý do để khiến du khách muốn đến. Qatar hiện đang ráo riết chuẩn bị cho những chiến lược của mình, trong đó có những viện bảo tàng nghệ thuật hàng đầu thế giới.

Hiện tại, thế giới phương Tây đã phải “ngả mũ” trước khả năng chi tiền bạo tay của Qatar để có được các siêu phẩm hội họa.

Bích Ngọc
Tổng hợp