Làm thế nào để các sân khấu không bị “chết mòn" trong thời đại 4.0?
(Dân trí) - Nhiều nhà nghiên cứu và lí luận - phê bình sân khấu đã đưa ra các giải pháp nhằm "cứu" nghệ thuật sân khấu khỏi tình trạng bị "chết dần chết mòn" trong thời đại công nghệ 4.0.
Sân khấu rơi vào khủng hoảng nhưng chưa sao thoát ra được
Mới đây, Hội Nghệ sỹ Sân khấu (NSSK) Việt Nam đã tổ chức hội thảo về “Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật sân khấu trong thời kỳ mới” tại Tuyên Quang. 21 bản tham luận của các nhà lí luận - phê bình sân khấu tại hội thảo đều hướng tới việc đổi mới tư duy sáng tác, thực hiện tính tiên phong của sân khấu trước xã hội đang bước vào thời công nghệ 4.0.
Nhìn nhận về tình hình thực tế của các sân khấu hiện nay, nhất là câu chuyện liên quan đến việc nhiều sân khấu phải đóng cửa vì thua lỗ được đề cập đến trong nhiều ngày qua, NSƯT Trần Minh Ngọc - Trưởng ban lí luận, BCH Hội NSSK Việt Nam cho rằng, nhìn lại sân khấu (công lập và tư nhân) những năm qua có thể thấy còn lạc hậu, chậm phát triển so với đà phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều sân khấu chỉ quanh quẩn với các đề tài về quá khứ lịch sử, về đời sống hàng ngày với những mâu thuẫn cá nhân, vụn vặt, đời thường…
“Từ khi đất nước thống nhất đến nay, sân khấu chập chững bước vào thị trường cạnh tranh nhưng nhiều yếu kém, ít hiểu biết về thị trường nên đã để sân khấu ngày càng lép vế trước các phương tiện nghe nhìn công nghệ cao. Mò mẫm làm sân khấu theo thị trường mà không nắm được quy luật sẽ dẫn đến bế tắc.
Chẳng hạn, các sân khấu xã hội hóa ở phía Nam càng chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả “tầm thấp” đã biến sân khấu thành một thứ “nghệ thuật tiêu dùng”, biến khán giả thành người thụ động, người chứng kiến những “trò” kinh dị, đồng tính, ma mị… Nếu nhìn sâu hơn vào thực trạng của các vở diễn thì sân khấu chúng ta còn đơn điệu trong hình thức thể hiện. Sân khấu chưa đẹp, chưa hấp dẫn về hình thức. Ngoài một vài thử nghiệm thành công về ngôn ngữ thể hiện, sân khấu vẫn bình chân trong tả thực, ít thấy những đột phá trong cách thể hiện”, NSƯT Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Duy Khuê cũng cho rằng, mấy chục năm qua nghệ thuật sân khấu đã không theo kịp sự phát triển của hiện thực đời sống, bất cập đối với các chức năng nghệ thuật, không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức và chiêm nghiệm nghệ thuật của công chúng. Nói cách khác, sân khấu rơi vào khủng hoảng nhưng chưa sao thoát ra được.
PGS.TS Đinh Quang Trung cũng nhìn nhận, quá trình giao lưu - hội nhập quốc tế cùng sự phát triển của khoa học công nghệ đầu thế kỷ 21 đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn nói chung, đơn vị nghệ thuật sân khấu nói riêng. Cạnh tranh ngày càng gay gắt đã góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng nghệ thuật nhưng cũng khiến nhiều đơn vị nghệ thuật đứng trước nguy cơ tan rã do không đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Giái pháp "cứu" nghệ thuật sân khấu khỏi cái "chết"
Bàn về giải pháp giúp các nhà hát công lập lẫn tư nhân có thể “sáng đèn” trong thời đại công nghệ 4.0, PGS.TS Phạm Duy Khuê cho rằng, hiện thực đời sống thế kỷ 21 thay đổi toàn diện và liên tục phát triển nên muốn có những tác phẩm tương xứng với cuộc sống đương đại buộc các đơn vị sân khấu phải thay đổi cách cảm, cách nghĩ, cách nhìn nhận, cách phản biện và cách phản ánh hiện thực…
“Phải sáng tạo ra những ngôn ngữ hình thể mới, giầu sức biểu cảm trong sự phối kết hợp tương thích với sáng tạo của các thành phần nghệ thuật và các yếu tố kỹ thuật hiện đại cùng tham gia xây dựng vở diễn để thể hiện tốt nhất đời sống của nhân vật.
Hãy xem tất cả những con người cá nhân trong xã hội đều là những gợi ý cho tưởng tượng cất cánh bay của người làm nghệ thuật. Không nhất thiết phải nghĩ đến hoặc tuân theo những nguyên tắc của khái quát hóa và điển hình hóa.
Tác phẩm sân khấu ngày nay không nhất thiết phải có cốt truyện song nhất thiết phải tái hiện, tái tạo, xây dựng được những tình huống thích hợp giầu kịch tính, được đặt trong những hoàn cảnh phát triển lịch sử cụ thể của nhân vật. Trong những tình huống “éo le” ấy, con người - nhân vật phải tích cực hành động ứng xử để thích nghi, chinh phục, vượt qua tình huống.
Trong quá trình ráng sức hành động ấy, con người - nhân vật có điều kiện bộc lộ hết mình đến tận mọi góc khuất, khúc quanh nơi đời sống tâm hồn, trí tuệ, hữu thức và vô thức. Đương nhiên, trong quá trình đó, cũng đồng thời nảy sinh những suy nghĩ, tình cảm, nhận thức, tính cách mới, được hiện thân bằng những hành động – ngôn ngữ hình thể của diễn viên đóng vai và ngôn ngữ sáng tạo mới giầu sức miêu tả và biểu cảm của các loại hình nghệ thuật và các biện pháp kỹ thuật cùng tham gia xây dựng vở diễn.
Nội dung một kịch bản sân khấu được hiện ra trước hết và nhiều nhất từ lời đối thoại giữa các nhân vật và lời độc thoại của nhân vật phân thân (đối thoại với chính mình). Tuy nhiên, đối thoại chứ không phải “đấu khẩu” hay “chém gió” mà kịch bản cứ viết quá nhiều lời như hiện nay…”, PGS.TS Phạm Duy Khuê nhấn mạnh.
PGS.TS Đinh Quang Trung bày tỏ rằng, để sân khấu có thể tồn tại và phát triển được trong quá trình hội nhập với thế giới mở, một trong những yêu cầu quan trọng chính là chất lượng nghệ thuật. Thực tế cho thấy, tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao không đồng nghĩa với mức độ hoành tráng về dàn dựng cũng như mức đầu tư kinh phí.
Nó cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với thẩm mỹ của số đông khán giả và lượng kinh phí thu được. Tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, trước tiên là tác phẩm đẹp về nội dung, hình thức, đảm bảo yêu cầu thể loại và đáp ứng nhu cầu giải trí. Đặc biệt, tác phẩm đó phải mang hơi thở của thời đại và bản sắc dân tộc.
Theo PGS.TS Đinh Quang Trung trong hoạt động biểu diễn sân khấu, bên cạnh việc rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, mỗi đơn vị nghệ thuật, cũng như các nghệ sĩ cần khai thác, phát huy những giá trị của di sản, bản sắc văn hóa ở mỗi địa phương, dân tộc, vùng miền để tạo nên sự độc đáo và đa dạng văn hóa.
Bên cạnh đó, người nghệ sĩ cần xác định rõ việc giao lưu văn hóa có thể đem lại nhiều lợi ích cho mỗi dân tộc nhưng cũng có nguy cơ làm tha hóa, thậm chí biến mất các nền văn hóa. Bởi vậy, việc tiếp biến văn hóa trong nghệ thuật biểu diễn cần chú trọng tới yếu tố nội sinh, bản địa, vùng miền.
“Nhiều năm qua, hoạt động biểu diễn giao lưu quốc tế đã diễn ra khá phổ biến và thường xuyên đối với một số đơn vị nghệ thuật ở Trung ương như: Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Ca nhạc nhẹ, Nhà hát Múa rối Trung ương, Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát tuồng Việt Nam, Nhà hát chèo Việt Nam, Liên đoàn xiếc Việt Nam… Tuy nhiên, với những đơn vị nghệ thuật ở địa phương, hoạt động này còn rất hạn chế.
Nếu biết vận dụng và khai thác yếu tố bản sắc văn hóa vùng miền để tạo nên những nét riêng biệt thì không phải không có cơ hội để giao lưu - hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biểu diễn sân khấu.
Việc gắn kết hoạt động du lịch với các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật mang bản sắc vùng miền cũng chính là một cầu nối để gia tăng mối quan hệ và cơ hội để đơn vị nghệ thuật ở địa phương tham gia vào hoạt động biểu diễn, giao lưu quốc tế. Giao lưu văn hóa, nghệ thuật không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trước mắt mà còn là sự gia tăng hiểu biết giữa các dân tộc.
Thông qua giao lưu văn hóa, các đơn vị nghệ thuật cũng có thể tiếp nhận thêm kiến thức nghệ thuật, cũng như kinh nghiệm quản lý, kinh doanh, mở rộng các mối quan hệ liên doanh, liên kết, đặc biệt là quảng bá văn hóa Việt Nam với các dân tộc trên thế giới.
Một trong những nhân tố quyết định sự tồn tại, phát triển của bất cứ đơn vị, tổ chức nào chính là người đứng đầu đơn vị. Người lãnh đạo đơn vị nghệ thuật không chỉ giỏi về chuyên môn, quản lý, ngoại giao... mà cần phải được xem như linh hồn của đơn vị. Trong môi trường cạnh tranh nghệ thuật ngày càng khốc liệt thì vai trò của người lãnh đạo đơn vị, hơn lúc nào hết càng phải được chú trọng hàng đầu", PGS.TS Đinh Quang Trung chia sẻ thêm.
Hà Tùng Long