Hồng Nhung ám ảnh về tuổi thơ "lạnh lẽo" tình cảm gia đình
(Dân trí) - “Ngày nhỏ, tôi ở trong hoàn cảnh không sung sướng gì, không được ở với mẹ, bố lại đi công tác xa, phải ở với dì ghẻ. Cuộc sống trong nhà không mấy vui vẻ. Sau sự ra đi của bà nội, 11 tuổi tôi chỉ có một mình…”, “Bống” Hồng Nhung kể về tuổi thơ thiếu thốn tình cảm.
“Tôi từng mong được hát như Thanh Lam”
Chị từng thổ lộ mình ngưỡng mộ Thanh Lam từ thời 7- 8 tuổi. Khi chị ngồi dưới hàng ghế khán giả nhìn lên sân khấu xem Thanh Lam biểu diễn. Vậy khi sinh hoạt cùng nhau ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi, có khi nào hai chị “cạnh tranh” nhau để được hát đơn ca không?
Không cạnh tranh, bởi tôi và Thanh Lam một người giọng rất trầm, một người giọng rất thanh, không khi nào “vào” ca khúc gì mà giống nhau cả. Khi tôi 7-8 tuổi, chưa hoạt động ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi thì Thanh Lam đã hát rồi. Dù hơn mình 1 tuổi nhưng mà Lam là con nhà nòi, được vào CLB sớm hơn.
Khi Lam hát, tôi nhớ Lam hát “Mầu áo chú bộ đội, mới trông là mầu xanh./Như mầu lá trên cành, trộn vào mầu xanh rêu đá./ Mầu áo chú bộ đội, đi trên đường cát bụi./ Lại ánh sắc mầu vàng, có mầu đỏ đất núi…”. Tôi nhớ Lam để kiểu tóc vuông tròn như cái nồi úp vào, tóc dày càng giống cái nồi. Lam mặc váy màu xanh lá cây hát máu lắm, dậm chân. Và hát ca khúc “Ý ô à” nhạc ngoại, rồi hát song ca với ca sĩ Thanh Tùng…
Ngày đấy tôi chỉ mong được hát như bạn Thanh Lam kia. Về sau, năm 10 tuổi được vào đội Họa Mi, được hát. Đối với tôi, được hát là niềm hạnh phúc và là nguồn sống suốt thời thơ ấu.
Nhắc đến những ca khúc thiếu nhi gắn với tuổi thơ Hồng Nhung, khán giả thế hệ 7x không thể quên “Lời chào của em”, “Đàn sếu”, “Đi học” và rất nhiều ca khúc khác nữa… Chị có thể chia sẻ kỷ niệm tuổi thơ khi thể hiện ca khúc thiếu nhi?
“Lời chào của em”, tôi thể hiện được thu vào năm vừa tròn 11 tuổi. Lúc đó, tôi thu bài hát này ở phòng rất đẹp lớn nhất của Đài tiếng nói Việt Nam. Thời đó, hát và dàn nhạc chơi trực tiếp chứ không như bây giờ. Một người sai thì cả dàn nhạc phải chơi lại từ đầu. Vì thế thu ca khúc khá áp lực, may là mình còn bé nên không cảm giác bị áp lực.
Tôi nhớ phải thu đi thu lại ca khúc này vì tôi cứ buồn cười. Khi đó chú Cao Việt Bách chỉ huy dàn nhạc, chú đứng ở cái bục lớn trước dàn nhạc. Khi chú chỉ huy, chú chỉ huy bằng cả tay, cả chân, thậm chí cả… hông, cả ngực. Đối với một đứa trẻ 11 tuổi như tôi thì trông chú rất buồn cười, như một nhân vật trong phim hoạt hình. Đấy là kỷ niệm rất đẹp với ca khúc “Lời chào của em”, cũng là bản thu đầu tiên được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam.
Ngoài “Lời chào của em”, chị còn những câu chuyện khác về những ca khúc gắn bó tuổi thơ của mình không?
Ngày nhỏ, tôi còn hát “Em đi giữa biển vàng” biểu diễn trên sân khấu đầu tiên. Có nhiều kỷ niệm vui lắm. Có 5 bạn thi hát ca khúc này, ai hát hay nhất sẽ được hát đơn ca. Tôi rất sợ nốt cao nhất là “hương lúa chín”, nốt cao quá không lên được. Cuối cùng tôi vẫn được chọn hát đơn ca.
Khoảng năm 81-82, hồi ấy chúng tôi chỉ mặc quần dài biểu diễn, có được mặc váy đâu. Đến khi được mặc váy vào thì rất sợ… cái quần lót sẽ rơi xuống.
Tôi còn nhớ, lần đầu tiên mặc váy biểu diễn cảm giác rất sợ, cứ 5-10 phút tôi lại đi toilet một lần vì quá run. Cô giáo bảo: “cháu cứ bình tĩnh đi ra hát”. Và tôi bình tĩnh ra sân khấu chào, đến khi ngẩng đầu lên thì nghĩ ngay đến việc là… liệu quần lót còn nguyên trong váy không? Thế là tôi cúi xuống cầm váy nhấc lên, thấy quần lót vẫn còn mới bắt đầu hát. Các bạn thiếu nhi ở dưới cười ầm lên. Đấy là những kỷ niệm quá hồn nhiên.
Giờ đây, nghĩ đến việc cùng Bằng Kiều lên sân khấu hát những ca khúc thiếu nhi một thời trong chương trình “Tuổi thơ tôi” là tôi lại xúc động, lại run. Mong gặp lại khán giả cùng thời, cùng chia sẻ và tìm lại ký ức tuổi thơ ăm ắp những hoài niệm…
“Đi hát với cát - sê 25 ngàn đồng”
Nhìn từ thời chị, Bằng Kiều hay Thanh Lam đi hát và thế hệ các cháu thiếu nhi bây giờ như Quán quân The Voice Kids Nhật Minh, “Ngôi sao” Nhà văn hóa Thiếu nhi Quận Ba Đình Ngọc Linh… nếu so sánh mọi thứ từ mục đích, cát- sê cho đến sự tự tin… thì có lẽ là một trời một vực?
Đối với chúng tôi, được hát là nguồn hạnh phúc. Hát xong được ăn bát phở và hai que kem thì đó là niềm vui thú. Ngày đó, tôi ăn được mấy đâu, nửa bát phở là hết hơi nhưng tất cả đó là nguồn sống, nguồn hạnh phúc.
Hát ở CLB không có cát- sê, đến khi 15 tuổi, tôi có đi hát ở các trường học và được trả cát- sê… 25 ngàn đồng. Số tiền đó giúp tôi mua sách vở, nộp tiền ăn cho dì.
Các cháu giờ khác lắm, tự tin, độc lập và được trang bị nhiều thứ. Thời của tôi hát vậy thôi, tôi hát khắp Việt Nam, 14 tuổi được đi biểu diễn ở nước ngoài. Tôi thời đó cũng tự tin, nhưng khác thời nay. Thời nay, các bạn muốn vươn tới ngôi sao. Cát- sê thời đó cũng không thể so sánh với các cháu đi hát thời nay.
Ngày 18/6 tới tại Hà Nội, cặp nghệ sĩ tái ngộ trên sân khấu thể hiện những ca khúc thiếu nhi quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả.
Chị nghĩ sao về việc bao nhiêu năm qua, giờ người ta vẫn hát các ca khúc thiếu nhi được sáng tác từ xưa. Và giờ rất hiếm các sáng tác hay dành cho thiếu nhi?
Thời chúng tôi nhiều sáng tác hay nhất. Sau đó, thời bé Xuân Mai, nhưng những ca khúc không đọng lại được lâu, vì có màu sắc nhưng không có độ sâu của tâm hồn. Có lẽ phải đợi đến thời nào đấy để tiếp tục có được những sáng tác cho thiếu nhi sâu sắc như thế.
Tôi cũng không hiểu tại sao giờ ít có sáng tác hay dành cho thiếu nhi. Có thể bởi chất liệu sống bớt “thơ” chăng?
Thế chị có thể chia sẻ điều gì khi trước hiện tượng, nhiều em nhỏ đi thi hát lại chọn lựa những ca khúc người lớn?
Thực ra các cháu cũng không được sống với âm nhạc thiếu nhi mấy, các cháu chỉ nhìn lên các ngôi sao như Britney Spears, Justin Timberlake… hát theo luôn. Thậm chí, nhiều em ca khúc thiếu nhi chưa chắc thuộc hết nhưng lại thuộc làu ca khúc của Sơn Tùng.
“Tôi không có được quan hệ tình cảm mẹ con sâu sắc"
Vì sao chị lại nói, những ca khúc thiếu nhi là nguồn sống, đã thắp lên ngọn lửa hạnh phúc duy nhất suốt thời niên thiếu của mình?
Bởi thời đó, tôi ở trong hoàn cảnh không sung sướng gì, không được ở với mẹ, phải ở với dì ghẻ, bố lại đi công tác xa. Cuộc sống trong nhà không mấy vui vẻ. Tất cả niềm hạnh phúc của tôi là được đi bộ từ số 11 Điện Biên Phủ, đến cung Văn hóa Thiếu nhi. Một tuần đi bộ ba lần để học hát, sau này được tập huấn đi hát, đó là nguồn vui duy nhất của tôi.
Sau sự ra đi của bà nội khi tôi 11 tuổi, tôi chỉ có một mình và những ca khúc thắp lên ngọn lửa hạnh phúc duy nhất suốt thời niên thiếu.
Nhìn một Diva Hồng Nhung tươi trẻ, cuộc sống đủ đầy và tràn đầy năng lượng ngày hôm nay, ít ai biết ẩn sau là quá khứ “lạnh lẽo” tình cảm gia đình. Dường như những ký ức buồn vẫn ám ảnh chị cho đến ngày hôm nay?
Dù đời sống thế nào thì âm nhạc vẫn là điều tuyệt diệu nhất. Còn chẳng may cuộc sống tuổi thơ của tôi như vậy…
Cuộc sống của tôi không được sống gần mẹ, thiếu thốn tình cảm. Con gái lớn lên bị kinh nguyệt không ai bảo. Cũng tủi thân lắm. Lớn lên không có mẹ, những chăm sóc kỹ lưỡng không có. Bố yêu mình nhưng không thể chăm con như mẹ được. Răng của mình hỏng rồi, lẽ ra nhổ đi, chẳng ai nhổ cho nên mọc lung tung, tí tóe như thế.
Tôi đã từng khóc rất nhiều khi hát ca khúc về mẹ. Sinh ra ai cũng cần tình cảm của mẹ. Khi hát ra bằng âm nhạc, mình bộc lộ ra khao khát tình mẹ…
Bù lại sự thiếu thốn tình cảm của người thân, những ngày sinh hoạt ở ngôi nhà thiếu nhi, cô giáo Ngọc lại coi tôi như con. Bà Quỳnh, tôi gọi là mẹ Quỳnh dạy múa, cũng chỉ bảo, thậm chí những người đàn ông cũng yêu thương tôi.
Chị vẫn còn trách cứ mẹ ruột đã không ở bên những năm tháng tuổi thơ?
Không phải không có sự trách cứ, mà không có quan hệ đấy. Đấy là mất mát lớn nhất. Mình không có được quan hệ tình cảm mẹ con sâu sắc. Dù bây giờ mẹ ở ngay cạnh nhà, và suốt ngày sang chơi với cháu. Giờ mẹ cũng rất yêu các cháu. Nếu oán trách thì tôi đã không cho mẹ gặp cháu. Mỗi một chuyện xảy ra đều có hoàn cảnh nhất định. Ai cũng thiệt, mình thiếu tình mẹ nhưng mẹ cũng thiệt, không được ở với con gái vừa dễ thương vừa hát hay thế…
Nguyễn Hằng