125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Đền thờ Bác Hồ - nơi tưởng nhớ vị cha già dân tộc

(Dân trí) - Hiện nay, ở nhiều địa phương ĐBSCL, Đền thờ Bác Hồ được xây dựng khang trang. Đây là những “địa chỉ đỏ” để chính quyền, nhân dân tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu, thể hiện tấm lòng của người con đất Việt đối với vị cha già của dân tộc.

Tỉnh Cà Mau hiện có 18 ngôi đền, phủ thờ Bác Hồ; trong đó có 13 ngôi đền được xây dựng ngay sau khi Bác vừa mất và có 5 đền thờ, Nhà sàn Bác Hồ được xây dựng sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng đến nay. Trong đó, Khu tưởng niệm Bác Hồ nằm trong công viên Văn hóa Cà Mau là nơi để mọi người dân vùng cực Nam Tổ quốc thể hiện lòng tôn kính, biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ kính yêu.

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP Cà Mau được khởi công xây dựng vào ngày 22/6/2011 trên diện tích 62.200 m2 và hoàn thành vào cuối năm 2013 với tổng kinh phí xây dựng trên 75 tỷ đồng.

Theo chính quyền địa phương tỉnh Cà Mau, tại Khu tưởng niệm này địa phương thường tổ chức các hoạt động báo công, dâng hoa, dâng hương, xem phim, đọc sách về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Người; những câu chuyện đầy cảm xúc của những cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu tưởng niệm góp phần đưa việc học tập và làm theo gương Bác ngày càng lan tỏa vào đời sống của người dân mọi thế hệ. Các hoạt động tại Khu tưởng niệm tạo điều kiện để mọi người dân thể hiện tấm lòng kính yêu Bác Hồ, nhất là hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Người mà ra sức học tập, lao động, công tác tốt hơn.

Đến Khu tưởng niệm, ngoài việc được dâng hương tưởng nhớ đến Bác Hồ vĩ đại, mọi người còn được tham quan nhiều cảnh sắc thiên nhiên và phù điêu rất độc đáo từ cổng chào, hàng cây xanh đến các bức phù điêu được chạm khắc trên đá như: Bút tích bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hình ảnh Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ tại Đền Hùng…

Ngoài ý nghĩa nội dung và giá trị mỹ thuật sâu sắc, các bức phù điêu tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cà Mau còn có ý nghĩa làm cho mọi người mỗi lần viếng Bác sẽ luôn nêu cao ý chí cách mạng, luôn luôn học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ vĩ đại.

Đền thờ Bác Hồ ở TP Cà Mau.
Đền thờ Bác Hồ ở TP Cà Mau.

Di chúc Bác Hồ được khắc ngay bên trong đền thờ.
Di chúc Bác Hồ được khắc ngay bên trong đền thờ.

Nhà sàn Bác Hồ được phục dựng trong Đền thờ Bác ở Cà Mau. (Ảnh: Tuấn Thanh)
Nhà sàn Bác Hồ được phục dựng trong Đền thờ Bác ở Cà Mau. (Ảnh: Tuấn Thanh)

Theo người dân xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu), ngày 3/9/1969, sau khi hay tin Bác mất, người dân tỏ ra rất đau xót, nhớ thương Bác. Để tỏ lòng thương kính Bác, chính quyền và nhân dân đã làm lễ truy điệu và quyết định cho dựng một đền thờ để tưởng nhớ, hương khói Bác, nhằm tiếp thêm tinh thần chiến đấu vì cuộc cách mạng mà Bác đã đi. Sau một thời gian thực hiện, Đền thờ Bác cuối cùng cũng được dựng lên ngay tại xã Châu Thới vào tháng 5/1970. Lúc ban đầu, Đền thờ chỉ bằng cây tre lá, dù đơn sơ nhưng rất trang nghiêm, thể hiện tấm lòng kính yêu của đồng bào xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi nói riêng, tỉnh Bạc Liêu nói chung đối với Bác.

Trong thời gian từ 1970 đến 1975, cuộc chiến tranh ngày càng diễn ra ác liệt, địch liên tục càn quét, bắn phá căn cứ cách mạng. Giữa mưa bom lửa đạn, cận kề nguy hiểm nhưng bà con nhân dân xã Châu Thới vẫn quyết tâm bảo vệ, giữ gìn Đền thờ Bác được an toàn cho đến ngày giải phóng.

Sau giải phóng, qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo và xây mới một số công trình, Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới đã trở nên to đẹp hơn so với thời kỳ mới xây dựng. Hiện Đền thờ Bác nằm trong khuôn viên khoảng 45.000m2, cách trung tâm TP Bạc Liêu khoảng 18km. Trong đền thờ cho trưng bày trên 300 tư liệu, hiện vật về Bác và quá trình đấu tranh cách mạng của quân dân xã Châu Thới. Những ngày tết, lễ lớn, nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” để Đảng, chính quyền, nhân dân Bạc Liêu nói riêng và đồng bào trong cả nước nói chung tỏ lòng biết ơn và tổ chức các hoạt động học tập làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ kính yêu.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Bạc Liêu được Bộ VH-TT công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1998.

Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Tư liệu hình ảnh, hiện vật về Bác trong nhà trưng bày.
Tư liệu hình ảnh, hiện vật về Bác trong nhà trưng bày.
Tư liệu hình ảnh, hiện vật về Bác trong nhà trưng bày.

Tư liệu hình ảnh, hiện vật về Bác trong nhà trưng bày.
Tượng Bác Hồ đang tưới nước cây vú sữa miền Nam cũng được phục dựng trong Đền thờ Bác ở Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Từ nhiều năm nay, với nhiều người dân Sóc Trăng, Khu di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (tọa lạc tại xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung) là một điểm đến thường xuyên của mọi người.

Theo lời kể của các cụ lão thành cách mạng, giữa lúc kháng chiến của quân dân miền Nam nói chung, của dân Long Phú và Sóc Trăng nói riêng đang ở thời kỳ đọ sức quyết liệt với kẻ thù, tình thế cách mạng ở các vùng cù lao gặp phải vô vàn những khó khăn, thì một tin buồn ập tới: Bác Hồ, vị cha già của dân tộc Việt Nam không còn nữa. Là những người dân ở vùng sông nước cù lao, lại là vùng kháng chiến mang ơn Đảng, ơn Bác Hồ nên nỗi đau này hơn ai hết, nhân dân ở đây coi như là nỗi đau của chính mình. Huyện ủy, Mặt trận giải phóng dân tộc huyện, dân quân xã An Thạnh Nhì cũng như đồng bào, chiến sỹ vùng đất này đã tổ chức ngay cuộc lễ truy điệu Bác Hồ để chịu tang Người.

Tại cuộc lễ này có hàng ngàn người đến dự, đồng chí Bí thư huyện ủy đọc bài điếu văn nói về công ơn trời biển của Người và kêu gọi đồng bào, cán bộ chiến sỹ biến đau thương thành hành động cách mạng. Sau lời tuyên thệ và quyết tâm đó, đã có hàng trăm ý kiến yêu cầu lãnh đạo huyện, xã cho nhân dân lập ngay một đền thờ trên đất Cù Lao Dung này để tưởng nhớ và phụng thờ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 3/2/1970 công trình xây dựng đền thờ Bác Hồ chính thức thi công. Việc xây dựng đền thờ Bác phải qua nhiều khó khăn gian khổ, máy bay, tàu chiến liên tục đánh phá nên phải làm vào buổi chiều và ban đêm. Dù vậy, anh em thợ và nhân dân trong ấp làm việc với tinh thần nhiệt tình, khẩn trương. Ngày 19/5/1970, tại ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Nhì vui như ngày hội khi có mặt của hàng ngàn người dân bất chấp nguy hiểm do bom đạn của kẻ thù, đã về dự khánh thành đền thờ Bác trong niềm vui hân hoan và nỗi nhớ Bác khôn nguôi.

Trong thời điểm Đền thờ Bác lập xong cũng là lúc Mỹ ngụy mở các cuộc càn quét lấn chiếm, tái chiếm những vùng nông thôn căn cứ cách mạng. Người dân Long Phú, Cù Lao Dung, An Thạnh Nhì đã cương quyết, khôn khéo, mưu trí, dũng cảm đương đầu với kẻ thù để bảo vệ an toàn cho ngôi đền thờ Bác cho đến ngày giải phóng. Trải qua nhiều lần tôn tạo, sửa chữa, đến năm 2010, UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định đầu tư, tôn tạo Đền thờ Bác Hồ với kinh phí trên 30 tỷ đồng, gồm các hạng mục: nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà hội, sân lễ, ao sen, tường rào, đường nội bộ…trên diện tích rộng hơn  2,2 ha.

Sau gần 3 năm thi công, ngày 2/6/2013, Đền thờ Bác Hồ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng lòng mong đợi và là niềm tự hào của nhân dân Sóc Trăng. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cù Lao Dung được Bộ VH-TT quyết định công nhận là Di tích Lưu niệm Danh nhân cấp Quốc gia vào năm 2011.

Đền thờ Bác Hồ được xây dựng khoảng năm 1990 ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.
Đền thờ Bác Hồ được xây dựng khoảng năm 1990 ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.
Đền thờ Bác Hồ được xây dựng khoảng năm 1990 ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.

Đền thờ Bác Hồ hiện nay ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Cao Xuân Lương)
Đền thờ Bác Hồ hiện nay ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Cao Xuân Lương)

                                                                        Huỳnh Hải – Xuân Lương – Tuấn Thanh