Đạo diễn Đỗ Phú Hải đau lòng khi thầy Lê Mộng Hoàng ra đi
(Dân trí) - Là một trong những người đến sớm nhất trong ngày viếng đầu tiên của đạo diễn tài năng Lê Mộng Hoàng. Anh ngồi khá lâu và chia sẻ cùng gia đình cũng như sự tiếc thương vì người thầy anh kính trọng đã ra đi.
Tối qua (23/2), tại chùa Vĩnh Nghiêm, TPHCM đã diễn ra ngày viếng đầu tiên đạo diễn Lê mộng Hoàng. Trong tang lễ của ông, các con ở phương xa đều về đông đủ. Ông có 5 người con, 3 người con gái sinh sống tại Pháp đều về để tang cho cha. Rất tiếc, trong gia đình sau đạo diễn Lê Mộng Hoàng không có ai theo nghệ thuật.
Đạo diễn Lê Mộng Hoàng sinh ngày 1/6/1929 (Năm thật 1927 theo gia đình chia sẻ), tại Phú Xuân, Huế trong một gia đình có truyền thống Nho giáo. Ông từng sang Pháp du học và Tốt nghiệp ở trường quốc gia âm nhạc Paris, sau tốt nghiệp ông theo học Cao học Điện ảnh Paris. Ông là đạo diễn duy nhất của Việt Nam đạt giải Tượng vàng tại Đại hội điện ảnh Châu Á tại Đài Loan năm 1971.
Năm 1957 ông thực hiện bộ phim “Bụi Đời” dựa trên tác phẩm “Những hòn sỏi” của nhà văn Võ Đình Cường, nói về kiếp sống của những đứa trẻ mồ côi trên đường phố Sài Gòn.
Năm 1960, diễn Lê Mộng Hoàng làm việc tại Trung tâm điện ảnh Quốc gia với vai trò người phụ tá chuyên môn và đạo diễn. Tính đến năm 1975 ông đã có được gần 30 bộ phim. Những bộ phim tiêu biểu, như: Ly rượu mừng, Mãnh lực đồng tiền, Năm vua về làng, Bốn thủy thủ sợ ma, Gánh hàng hoa, Một thoáng đam mê, Con gái chị Hằng... Trong đó, phim Nàng đoạt giải Tượng vàng tại đại hội điện ảnh Á Châu ở Đài Loan lần thứ 17.
Sau năm 1975, ông tiếp tục cho ra đời những tác phẩm như: Thăng Long Đệ Nhất Kiếm, Tráng sĩ Bồ Đề, Ngọn lửa thần đồng...
Từ năm 1971 đến năm 1975 đạo diễn Lê mộng hoàng tham gia giảng dạy khoa đạo diễn, khoa nhân văn nghệ thuật tại Trường đại học Minh Đức - Sài Gòn. Ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2012.
Đạo diễn Đỗ Phú Hải cho biết, anh may mắn biết thầy Mộng Hoàng từ năm 1989 đến nay. Anh nói: “Tôi là học trò của thầy Lê Mộng Hoàng, may mắn được học hỏi nhiều kiến thức từ xã hội cũng như những kinh nghiệm mà thầy đã truyền đạt cho chúng tôi. Thầy là người rất hiền lành, dễ thương yêu đời và trên hết là sự đáng kính của chúng tôi đối với thầy. Tôi cảm thấy rất đau lòng khi mất một người thầy như thế. Mặc dù biết là người ai cũng sẽ đến những lúc như thế này nhưng tôi vẫn cảm thấy thầy ra đi quá sớm”.
Lễ viếng đạo diễn Lê mộng hoàng bắt đầu từ ngày 23/2 đến hết ngày 27/2 tại chùa Vĩnh Nghiêm, TPHCM.
Lễ động quan diễn ra vào 6 giờ sáng ngày 28/2 và đưa đi an táng tại nghĩa trang Củ Chi.
Bài & ảnh: Băng Châu