Những bộ phim vang bóng một thời của đạo diễn Lê Mộng Hoàng

(Dân trí) - Sinh thời, đạo diễn Lê Mộng Hoàng được nhiều người gọi là “phù thuỷ điện ảnh” bởi ông là người đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả bởi hàng trăm bộ phim lớn nhỏ với rất nhiều thể loại khác nhau.

Đạo diễn Lê Mộng Hoàng - một tên tuổi gạo cội gắn liền những bộ phim điện ảnh Việt Nam thời kì đầu tiên vừa trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 88 tại TP.HCM.

Nhắc đến ông là nhắc đến một kho đồ sộ những tác phẩm điện ảnh từng gây nhiều tiếng vang trong lòng khán giả nhiều thế hệ. Đặc biệt, vào những thập niên 1960, 1970 Lê Mộng Hoàng là vị đạo diễn “mát tay” đã có công đưa những tài năng trẻ như: Thẩm Thúy Hằng, Trần Quang, Huy Cường, La Thoại Tân, Thanh Lan, Phương Hồng Ngọc… trở thành diễn viên nổi tiếng trong rất nhiều bộ phim.

Đạo diễn Lê Mộng Hoàng từng sang Pháp du học và tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc Paris, sau tốt nghiệp ông theo học cao học điện ảnh Paris. Ảnh: TL.
Đạo diễn Lê Mộng Hoàng từng sang Pháp du học và tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc Paris, sau tốt nghiệp ông theo học cao học điện ảnh Paris. Ảnh: TL.

Đạo diễn Lê Mộng Hoàng từng sang Pháp du học và tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc Paris, sau tốt nghiệp ông theo học cao học điện ảnh Paris. Năm 1957 ông thực hiện bộ phim Bụi đời dựa trên tác phẩm Những hòn sỏi của nhà văn Võ Đình Cường.

Phim có sự tham gia của các diễn viên: Bạch Xuyến, Bích Sơn, Minh Giao... Phim nói về kiếp sống lầm than của những trẻ em mồ côi trên hè phố Sài Gòn. Câu chuyện về quãng đời trôi nổi của một đứa bé tên Nhơn. Cha chết, Nhơn được mẹ gửi cho ăn học ở nhà người bác. Có lần vì làm vỡ đồ đạc nhà bác, Nhơn sợ bị hành hạ nên bỏ trốn. Lang thang, đói khát, sống kiếp bụi đời... Nhơn cùng người bạn tên Chát nhảy xe lên Đà Lạt tìm mẹ nhưng khi biết được sự thật đau lòng là mẹ cũng bị người cha dượng đày ải nên cậu đến bỏ trốn vào Sài Gòn...

Tại đây, Nhơn phát hiện mẹ mình làm gái điếm hạng sang và hai mẹ con đã ôm ôm nhau khóc giữa đêm khuya, trong một căn phòng tội lỗi, đầy những lọ nước hoa và son phấn ô nhục... Bên ngoài trời, ánh bình minh sáng dần trên thành phố.

Vai Nhơn do bé Minh Giao đóng. Minh Giao giống nhân vật ở hoàn cảnh mồ côi cha cộng với năng khiếu và sự thông minh, đã diễn rất tròn vai. Vai bà mẹ do Bạch Xuyến đóng. Đoạn bà mẹ gặp lại con mình sau bao ngày tháng thương đau, Bạch Xuyến diễn rất đạt làm cho khán giả xem phim phải rơi nước mắt.

Cảnh đạo diễn Lê Mộng Hoài thị phạm cho diễn viên Thẩm Thúy Hằng trước khi bước vào một cảnh quay. Ảnh: TL.
Cảnh đạo diễn Lê Mộng Hoài thị phạm cho diễn viên Thẩm Thúy Hằng trước khi bước vào một cảnh quay. Ảnh: TL.

Bối cảnh phim được quay ở nhiều nơi như: Huế, Nha Trang, Đà Lạt,, Sài Gòn... mất 2 tháng. Những hình ảnh đẹp trong phim do nhà quay phim Trần Văn Lịch cầm máy. Phần thu thanh bộ phim được thực hiện tại Hồng Kông.

Ông tiếp tục đạo diễn một số phim như: Xin đừng bỏ em, Nàng, Chiều kỷ niệm, Mãnh lực đồng tiền, Vụ án tình... Bộ phim Nàng là phim đầu tiên khai thác khía cạnh hồng nhan đa truân. Người con gái mang tên Cẩm Vân là hiện thân cho sự đau khổ. Người xem rất cảm động khi phim có nhiều tình tiết diễn biến liên tục bất ngờ. Các diễn viên tham gia phim: Thẩm Thúy Hằng, Trần Quang, La Thoại Tân, Mỹ Chi, Diễm Kiều… Bộ phim đã đoạt giải Tượng vàng tại Đại hội Điện ảnh Á châu ở Đài Loan lần thứ 17 năm 1971.

Bộ phim nổi tiếng và gây xôn xao dư luận thời đó là Mãnh lực đồng tiền năm 1971 với dàn diễn viên: Thanh Nga, Bích Thuận, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền, Tám Vân, Lý Quốc Mậu… Phim có nội dung phê phán, đả kích những kẻ nhẫn tâm chà đạp lên thuần phong mỹ tục, luân thường đạo lý nhằm thỏa mãn những dục vọng thấp hèn, chạy theo sự cám dỗ của vật chất. Phim gây được tiếng vang trong dư luận trước lối sống hiện sinh, thực dụng ở miền Nam lúc bấy giờ.

Trong cuốn Lịch sử Điện ảnh Việt Nam có ghi: “chưa từng khi nào số đạo diễn và diễn viên tham gia làm phim trong một thời gian ngắn (5 năm) mà đông như vậy, có sự góp mặt của 29 đạo diễn người Việt Nam, 6 đạo diễn người nước ngoài và khoảng chừng trên dưới 150 diễn viên đảm nhận các vai chính, thứ.”

Sau giải phóng, đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện nhiều bộ phim như: Làm lại cuộc đời, Ngọc lửa thành đồng, Tình yêu của em, Bản tình ca, Tiếng gọi lúc mờ sáng, Kỳ tích núi Bà Đen, Tình khúc 68…

Tình ca 68 được xem là bộ phim nổi bật nhất của ông thời kỳ này. Bộ phim nói về những tháng ngày đã trở nên bất tử về chân dung người chiến sĩ biệt động đi vào huyền thoại, về những chiến công hiển hách của mùa xuân 68. Phim đề cập đậm nét số phận con người trong chiến tranh. Đài Trang - cô gái văn công tham gia chiến dịch Mậu Thân bị thương và được một đại úy cảnh sát ngụy cứu thoát. Về lại chiến khu cô bị nghi ngờ, bị khai trừ Đảng và buộc phải trở lại địa phương.

Diễn viên xinh đẹp Mộng Vân vào vai Trang Đài trong phim Tình ca 68 khá thành công. Ảnh: TL.
Diễn viên xinh đẹp Mộng Vân vào vai Trang Đài trong phim Tình ca 68 khá thành công. Ảnh: TL.

Nỗi oan này chỉ có một đồng chí lãnh đạo nội thành thông cảm, tạo điều kiện cho hoạt động trở lại dưới chân dung ca sĩ. Nhưng cô bị địch nghi ngờ, bắt giam và tra khảo về người đại úy cảnh sát ân nhân của cô năm trước. Cô bị đầy ra Côn Đảo, bị tra tấn mù mắt sau đó cũng trở về sau ngày chiến thắng mùa xuân 1975. Buổi biểu diễn đầu tiên của Trang Đài trong Nhà hát thành phố mừng giải phóng cũng là buổi cô được gặp lại người đại úy kia trong trang phục giải phóng quân. Diễn viên xinh đẹp Mộng Vân vào vai Trang Đài khá thành công, để lại nhiều dấu ấn trong nghề nghiệp và khán giả.

Trong những năm 90, tên tuổi của đạo diễn Lê Mộng Hoàng vang xa với những bộ phim truyện điện ảnh “hốt” doanh thu như: Thăng Long đệ nhất kiếm, Tráng sĩ Bồ Đề, Vết thù năm tháng, Ngôi nhà oan khốc…

Phim dã sử Thăng Long đệ nhất kiếm chiếu năm 1990 với thành phần diễn viên nổi tiếng như: Lý Hùng, Diễm Hương, Mộng Vân… Trong phim Lý Hùng vai tráng sĩ hào kiệt Nguyễn Thế Trung, có cảnh giữa vòng vây của quân địch, sau hồi tả xung hữu đột, đạo diễn cho anh kết thúc trận đấu bằng một cú đá vòng cầu ngay quai hàm đối phương khiến đối thủ bị đá rớt xuống, bàn bể tan.

Cha con Lý Hùng - Lý Huỳnh trong phim Thăng Long đệ nhất kiếm. Ảnh: TL.
Cha con Lý Hùng - Lý Huỳnh trong phim Thăng Long đệ nhất kiếm. Ảnh: TL.

Bộ phim Vĩnh biệt mùa hè là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Đông Thức với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Chánh Tín, Băng Châu... Bộ phim là câu chuyện về mùa hè cuối cùng với những mối tình đầu đời vừa thơ mộng vừa cay đắng của nhóm 4H (Hằng, Hạ, Hoa, Hân).

Với sự góp mặt của tài tử Nguyễn Chánh Tín, lúc bấy giờ đang là một ca sĩ trẻ điển trai được nhiều người hâm mộ và cốt truyện liên quan nhiều đến những mơ mộng tuổi hoa, Vĩnh biệt tình hè đã được giới học sinh sinh viên Sài Gòn thời đó đón nhận nhiệt liệt. Trong phim anh vào vai chàng sinh viên nghèo đem lòng yêu cô tiểu thư nhà giàu do nữ ca sỹ xinh đẹp Băng Châu đóng. Với gương mặt xinh đẹp, vóc dáng thon thả của Băng Châu; vẻ đẹp trai, thư sinh của Chánh Tín đã làm nên cặp đôi đẹp của màn ảnh Việt và được giới trẻ mến mộ. Từ đây, ca sĩ Nguyễn Chánh Tín vụt sáng trở thành một ngôi sao màn bạc. Và cũng nhờ chất giọng đặc biệt phù hợp của Nguyễn Chánh Tín, nhạc phẩm Vĩnh biệt tình hè đã trở thành bất tử trong lòng một thế hệ khán giả mùa hè năm 1971.

Bìa đĩa phim Tráng sĩ Bồ đề. Ảnh: TL.
Bìa đĩa phim Tráng sĩ Bồ đề. Ảnh: TL.

Tráng sĩ bồ đề là một phim truyện dã sử kiếm hiệp Việt Nam do Lê Mộng Hoàng làm đạo diễn vào những năm 90. Phim được thực hiện thật công phu và tốn kém với các thành phần diễn viên nổi tiếng đóng góp hùng hậu như: Lý Hùng, Thu Hà, Lê Tuấn Anh, Giáng Mi, Bùi Cường, Minh Châu, Yến Chi, Huy Công, Thanh Tú… được sản xuất theo mẫu các phim võ thuật Hồng Kông.

Kỷ niệm khiến Lý Hùng nhớ là khi bộ phim được quay ở Hà Tây (cũ), Thu Hà phải trầm mình chịu cái nóng kinh hồn, càng quạt càng nóng, vậy mà Thu Hà vẫn giữ được phong thái dịu dàng, xinh xắn. Phim có nhiều diễn biến cao trào, võ thuật đẹp mắt, mặc dù được làm trong thời điểm còn rất khó khăn. Thời kỳ này dòng phim cổ trang ở Việt Nam đang rất thịnh hành, có thể “đánh gục” cả một “đế chế” phim Hồng Kông giàu mạnh.

Ngoài ra ông còn thực hiện nhiều phim truyện video có doanh thu cao tiêu biểu như: Nửa đời phóng đãng, Người bất hạnh, Cuộc tình hai mặt, Tóc gió thôi bay, Chú bé có tài mở khóa, Bên thềm hoa vẫn nở, Ngỡ rằng đã quên, Công chúa và bảy chú lùn, Người về trên bến Ô Môi, Viên ngọc Côn Sơn, Dã quỳ…. Đặc biệt năm 1997, ông thực hiện phim Chân dung Điềm Phùng Thị, đã nhận bằng khen của LHP Việt Nam lần thứ XII. Làm cố vấn nghệ thuật và đạo diễn cho các phim: Vương Thúy Kiều, Thạch Sanh Lý Thông, Ngọc trong đá, Tình xa, Bản sắc anh hùng (đạo diễn Từ Khắc- Hồng Kong); Đế chế tàn vụn (hãng phim Pháp sản xuất). Năm 1995, ông là giảng viên giảng dạy ở trường Sân khấu - Điện ảnh TP. HCM…

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm