“Có lẽ rất lâu nữa Việt Nam mới lại có một GS Trần Văn Khê thứ 2”

(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia cho rằng GS Trần Văn Khê mất đi là một tổn thất lớn và có lẽ phải rất lâu nữa Việt Nam mới lại có một người tài năng, tâm huyết và yêu nghệ thuật truyền thống đến vậy.

Nhắc đến GS-TS Trần Văn Khê là nhắc đến một bậc đại thụ, một bậc trưởng bối với nhiều đóng góp và cống hiến cho nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, thông tin về sự ra đi của GS Khê khiến cho không ít người cảm thấy đau xót, bàng hoàng. Ông chia sẻ cảm xúc của mình thế nào trước thông tin này?

Tôi vừa dẫn đoàn nghiên cứu viên chức của Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam vào tư gia để thắp hương kính viếng và đưa tiễn GSTS Trần Văn Khê. Trong đoàn có rất đông học trò của Giáo sư những năm 70 của thế kỷ trước, có cả những nhà nghiên cứu hay chỉ đơn thuần là những người yêu mến và trân trọng tài năng của ông. Chúng tôi đứng lặng lẽ bên linh cữu Giáo sư, một vài người mắt đã nhòe đi. Tôi cảm thấy thực sự buồn, mất mát và đau xót như mất đi một người thân trong gia đình. Chắc chắn, từ nay các hội thảo khoa học quốc tế của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia sẽ không còn sự có mặt, đóng góp ý kiến của Giáo sư nữa. Đây là một tổn thất rất lớn.

Chúng tôi cũng rất cảm động trước tình cảm mà mọi người dành cho Gs Trần Văn Khê. Trong tang lễ, nhiều người dân ở khắp nơi, xếp hàng dài, tay cầm hoa cúc trắng, lặng lẽ chờ đến lượt mình vào viếng GS lần cuối. Tình cảm ấy có lẽ không có gì có thể đong đếm và định lượng bằng một thước đo cụ thể nào.

Theo ông đâu là dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời GS Trần Văn Khê?

Đánh giá một con người, nhất là người ấy đã ra đi, thực sự là khó khăn với thế hệ hôm nay. GS TS Trần Văn Khê, tôi nghĩ là người có công lao vô cùng to lớn  ở hai phương diện: Thứ nhất, là một Việt Kiều, một người Việt xa xứ, GS Trần Văn Khê đã có công lao to lớn trong việc quảng bá văn hoá truyền thống nói chung, âm nhạc truyền thống của Việt Nam nói riêng với các quốc gia, dân tộc khác trên hành tinh này. Viết sách, viết báo, giảng dạy ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, nói chuyện với các tầng lớp độc giả, đưa các nghệ nhân, nghệ sĩ đến các nước trình diễn.

 Đáng lưu ý là các loại hình nghệ thuật trình diễn như ca trù, hát xẩm, quan họ Bắc Ninh v.v… được GS đưa vào trong danh mục các CD của UNESCO phát hành tới nhiều quốc gia. GS đã làm cho hình ảnh di sản văn hoá Việt Nam hiện diện trên bản đồ văn hoá thế giới; Trong số những Việt kiều xa xứ như Nguyễn Thiện Đạo, Nguyễn Thuyết  Phong  v.v… ở lĩnh vực âm nhạc, Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị v.v…, ở lĩnh vực hội họa, Lê Thành Khôi, Hồ Huệ Tâm v.v…, ở lĩnh vực khoa học lịch sử, có lẽ GS Trần Văn Khê là người tiên phong, miệt mài, không ngừng nghỉ giới thiệu văn hóa Việt Nam với nước ngoài.Tấm lòng yêu nước, yêu quê hương khiến GS Trần Văn Khê làm thành công, làm có hiệu quả công việc này.

Thứ hai, theo tôi GS Trần Văn Khê có vai trò rất lớn đối với việc xây dựng các hồ sơ quốc gia về các di sản văn hóa phi vật thể trình UNESCO nhất là hồ sơ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và  hồ sơ Dân ca quan họ Bắc Ninh.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến viếng và chia buồn cùng gia đình GS - TS Trần Văn Khê
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến viếng và chia buồn cùng gia đình GS - TS Trần Văn Khê

Là một người từng có cơ hội gặp gỡ và làm việc cùng GS Trần Văn  Khê, ông có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ của mình?

Kỷ niệm tôi nhớ nhất về ông là trong hội thảo khoa học quốc tế:" Sự biến đổi của cồng chiêng Tây Nguyên trong xã hội đương đại” năm 2009. Khi ấy, Giáo sư Khê phải ngồi trên xe lăn, đi máy bay từ thành phố Hồ Chí Minh lên thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, thế mà ông hầu như không biết mệt mỏi, vẫn tươi cười vui vẻ với bạn bè trong giới khoa học, lịch sử, với các vị lãnh đạo tỉnh.

Tôi được một bài học về tinh thần vượt lên mọi nghịch cảnh, để tham gia các hoạt động khoa học.

Cả cuộc đời GS Trần Văn Khê vẫn đeo đuổi chỉ một công việc: nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá giá trị đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam và góp phần vinh danh giá trị đó ở khắp mọi nơi trên thế giới. Chính vì những đóng góp lớn lao của GS Trần Văn Khê mà nhiều người cho rằng, có lẽ phải rất lâu nữa Việt Nam mới lại có một người tài năng, tâm huyết và yêu nghệ thuật truyền thống đến vậy, thưa ông?

GS Trần Văn Khê mất đi là một tổn thất lớn cho dòng nghệ thuật dân gian của Việt Nam. Ông là một người có tâm, có đức, lại am hiểu kỹ về nhạc dân tộc. Là một nhạc sĩ, học giả và một tri thức, GS Trần Văn Khê đã truyền bá không biết mệt mỏi cho âm nhạc Việt Nam. Suốt cuộc đời mình, GS đã tạo hứng khởi và làm rung động biết bao người.

Để có những người kế cận được thì lớp trẻ chắc chắn phải cần có những năm tháng học hỏi rất nhiều, nhất là ngành lý luận âm nhạc càng cần phải có trải nghiệm qua nhiều thời kỳ. Có thể nói GS Khê giống như một cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam mà muốn có cây đại thụ như vậy thì phải mất nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, phải yêu đất nước, âm nhạc, con người và văn hóa Việt Nam thì mới có thể thay thế được.

Hà Trang

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm