Bí ẩn về vị danh họa cả cuộc đời ám ảnh vẽ tranh vũ nữ ba-lê
(Dân trí) - Trong cuộc đời mình, ông đã vẽ tới 1.500 bức tranh khắc họa vũ nữ ba-lê. Dù luôn khắc họa phụ nữ nhưng sinh thời ông lại giữ thái độ “đối địch” với họ. Tâm hồn ông được ví như “đôi giày múa ba-lê bằng lụa màu hồng xinh xắn nhưng đã nhàu nhĩ sau buổi tập”.
Trong hội họa, mỗi một vị danh họa thường gắn liền với một nhóm chủ đề nào đó đặc trưng của riêng họ, mà chỉ cần nhắc đến tên của họa sĩ thôi, loạt tranh đó đã hiện ra trong trí nhớ người yêu hội họa, như Van Gogh có loạt tranh hoa hướng dương, Picasso có loạt tranh chân dung về những người phụ nữ từng bước qua cuộc đời ông…
Và còn có một danh họa nổi tiếng với những bức tranh khắc họa diễn viên múa ba-lê. Ông là Edgar Degas (1834-1917) - họa sĩ người Pháp theo đuổi trường phái Ấn tượng. Degas sinh ra trong một gia đình trung lưu khá giả ở Paris, ngay từ thời niên thiếu, ông đã bị ám ảnh bởi múa.
Sinh thời, ông tự tự miêu tả tâm hôn mình giống như “một đôi giày múa ba-lê bằng lụa màu hồng xinh xắn nhưng đã nhàu nhĩ sau buổi tập”.
Degas cho rằng phần đông mọi người không hiểu được hết niềm hứng thú của ông trong những bức tranh khắc họa vũ công ba-lê: “Mọi người thường gọi tôi là họa sĩ chuyên vẽ các vũ công. Nhưng họ không bao giờ hiểu rằng niềm đam mê chủ đạo của tôi lại nằm ở những động tác múa và những trang phục đẹp đẽ của các vũ công”.
Trong khi các họa sĩ thường thích đi ra ngoài và thả hồn vào không gian mở để vẽ tranh thì Degas thích ngồi trong một góc phòng kín để quan sát và vẽ. Dù theo đuổi trường phái Ấn tượng, nhưng ông tự nhận mình mang hơi hướng Hiện thực, việc ngồi vẽ trong phòng kín giúp ông có thể vẽ được chính xác hơn những gì đang diễn ra trước mắt.
Một nét khác biệt nữa là Degas thường không ghi lại danh tính những người phụ nữ xuất hiện trong tranh ông, thậm chí ông còn “giấu mặt” họ đi, bởi Degas chỉ tập trung vào hình thể, động tác và trang phục.
Nếu để tâm tới góc nhìn của Degas, người ta sẽ nhận thấy ông luôn hướng ánh mắt xuống mặt sàn, vì vậy, người xem tranh tinh ý vẫn sẽ phần nào cảm nhận thấy sự hiện diện của ông trong không gian căn phòng tập của các nữ vũ công.
Sự ám ảnh của Degas với các vũ công ba-lê kéo dài suốt 4 thập kỷ, đề tài này đã chứng kiến sự chuyển dịch của ông từ hội họa hàn lâm cổ điển sang hiện đại. Một nửa số tranh mà Degas vẽ trong suốt cuộc đời, khoảng 1.500 bức, khắc họa các vũ công ba-lê.
Trong các bức tranh của Degas, vũ công luôn xuất hiện hơi nhòa, hiếm khi được khắc họa sắc nét, bởi Degas muốn nhấn vào những động tác nhún nhảy, xoay vòng làm mờ đi cả gương mặt của các vũ công, chỉ còn lại hình thể, động tác và trang phục.
Các vũ công trong tranh Degas thường đang thực hiện một động tác nào đó, họ hiếm khi được khắc họa gương mặt một cách sắc nét và đa phần đều giống nhau.
Đôi khi, những bức tranh còn như “thấm mệt” với sự luyện tập vất vả của các diễn viên múa. Degas không chỉ khắc họa sự thăng hoa, tài tình của họ mà còn đi sâu vào nội tâm họ. Sự khắc họa tinh tế vẻ đẹp của những chiếc váy còn được ông nhấn mạnh hơn cả biểu cảm gương mặt hay ánh mắt nhân vật.
Nếu những họa sĩ khác thường khắc họa mẫu nữ với vẻ đẹp hoàn hảo thì Degas không bao giờ đặc tả vẻ đẹp ấy. Ông đặc tả phụ nữ bằng sự chú tâm đầy kiên nhẫn, miêu tả họ thật chân thực bằng cây cọ thay vì lồng ghép vào đó sự thăng hoa, tôn sùng. Đương thời, ông đã từng thú nhận thái độ đối địch của mình đối với phụ nữ.
Những phát ngôn của Degas có thể khiến người ta nghĩ rằng ông từng bị đau khổ nhiều vì phụ nữ để rồi quay ra căm ghét họ, ông vẽ rất nhiều tranh về phụ nữ nhưng vẽ bằng sự lạnh lùng, quan sát tỉ mỉ, chi tiết.
Mối quan tâm hàng đầu của Degas là sự chân thực, ông vượt lên trên những quan niệm thường thấy trong hội họa thế kỷ 19 và luôn đặt cho mình nhiệm vụ quan sát thật sâu kỹ đối tượng được khắc họa.
Ở thế kỷ 19, những vũ công múa ba-lê thường có cuộc sống nghèo khó, vất vả, họ được trả công bèo bọt để trình diễn mua vui cho khán giả, vốn thuộc giới thượng lưu, quý tộc. Thuở ấy, phụ nữ phương Tây vẫn còn ăn vận “kín cổng cao tường” nên những cô gái xuất hiện trước đám đông mà khoe ra bờ vai, đôi chân như các diễn viên múa ba-lê vẫn là một sự rất “hiếm hoi”.
Cuộc sống của các vũ công múa ba-lê thời bấy giờ chẳng lấy gì làm xán lạn, họ vừa phải lao động nghệ thuật vất vả vừa phải chật vật với đời sống cơm áo. Đa phần họ không kết hôn. Những vũ công thường qua lại với những quý ông - những nhà bảo trợ giàu có để được bảo đảm về mặt tài chính, nhưng những quý ông thượng lưu này sẽ không bao giờ lấy họ làm vợ.
Tất cả những điều này đều được Degas quan sát và thấu hiểu, vì vậy, có những bức vẽ của ông khắc họa cả sự mệt mỏi, bơ phờ của diễn viên múa. Nếu có một danh xưng nào để nói về Degas, hẳn người ta sẽ phải gọi ông là “danh họa bậc thầy về múa”.
Ông đã quan sát các mẫu của mình kỹ đến mức, không chỉ khắc họa vẻ đẹp hào nhoáng của họ mà còn đặc tả cả nội tâm phức tạp, mệt mỏi của họ. Trong đời sống xã hội ở Paris lúc bấy giờ, những phụ nữ đứng đắn, lịch thiệp, không bao giờ khoe ra bờ vai và đôi chân, vì vậy, họa sĩ muốn khắc họa phụ nữ chỉ có thể tìm đến hoặc kỹ nữ hoặc vũ công.
Dù luôn có những phát ngôn lạnh lùng về phụ nữ, nhưng Degas lại rất thấu hiểu và phần nào cảm thông với đời sống của những nữ vũ công.
“Mỗi bức tranh luôn đòi hỏi phải có chút bí ẩn, chút mơ hồ, chút tưởng tượng. Nếu bạn luôn đặc tả mọi ý tứ một cách đơn giản đến hoàn hảo, cuối cùng bạn sẽ khiến người ta phát ngấy” - Edgar Degas từng nói như vậy. Những suy nghĩ và cảm xúc của ông đằng sau các bức tranh khắc họa vũ công ba-lê vẫn luôn khiến giới phê bình cảm nhận thấy có một lớp màn bí ẩn.
Cả cuộc đời, Degas không bao giờ kết hôn, chỉ luôn mê mải khắc họa nhân vật đặt trong những bối cảnh không gian đóng kín. Những gì đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí Degas không bao giờ thay đổi. Suốt cả cuộc đời ông sống với những quan niệm, ám ảnh và đam mê quen thuộc, đó là lý do tại sao ông có thể vẽ cả nghìn bức tranh về các nữ diễn viên múa mà không… chán.
Những điều này khiến ông trở thành một nhân vật bí ẩn trong giới hội họa, có lẽ, giống như nhận định rằng “mỗi bức tranh luôn đòi hỏi phải có chút bí ẩn, chút mơ hồ, chút tưởng tượng…”, ông cũng chủ ý biến mình trở thành một danh họa “bí ẩn, mơ hồ”, khó giải mã.
Bích Ngọc
Theo Huffington Post