Tài chính tiêu dùng: Sôi động mùa rót vốn cuối năm

(Dân trí) - Hàng loạt thương vụ rót vốn từ các đối tác nước ngoài hoặc tăng quy mô vốn điều lệ được các công ty tài chính liên tục công bố khiến thị trường những ngày cuối năm nóng hơn bao giờ hết.


Thị trường vốn dành cho tài chính tiêu dùng được dự báo vẫn sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2018

Thị trường vốn dành cho tài chính tiêu dùng được dự báo vẫn sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2018

Vốn được dự báo sẽ là một năm sôi động của thị trường tài chính tiêu dùng, 2017 rốt cuộc đã không làm giới đầu tư thất vọng khi chứng kiến một loạt các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A), đầu tư lớn hay tăng vốn điều lệ “ngoạn mục” của các công ty tài chính.

Sôi động mùa đầu tư cuối năm

Đầu tiên có thể kể đến thương hiệu FE Credit, tên tuổi đang nắm giữ gần một nửa thị phần tài chính tiêu dùng với “cú nhảy vọt” khi tăng vốn điều lệ tới 60% từ 2.790 tỷ đồng lên hơn 4.474tỷ đồng vào hồi tháng 8. Chỉ 3 tháng sau, FE Credit lại cho thấy chiến lược thu hút vốn của họ chưa dừng lại ở đó khi vào cuối tháng 11 vừa qua, FE Credit thông báo sẽ tiếp nhận khoản vay 100 triệu USD từ Deutsche Bank nhằm tiếp tục mở rộng kế hoạch kinh doanh.

Cùng thời điểm, Ngân hàng Quân đội (MB) chính thức ra mắt công ty tài chính MB Shinsei sau khi bán 49% công ty tài chính Mcredit cho đối tác Nhật với tham vọng vào top 3 công ty tài chính tiêu dùng mạnh nhất Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

Trước đó, cuối tháng 9, ngân hàng Techcombank cũng đã đạt được thỏa thuận chuyển nhượng 100% công ty tài chính TechcomFinance cho Lotte Card thuộc tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) với giá 87,5 tỷ won (khoảng 1.730 tỷ đồng), gấp gần 2,9 lần so với vốn điều lệ 600 tỷ đồng của TechcomFinance.

Việc các đối tác nước ngoài không ngần ngại “xuống tiền” mua lại với giá cao hoặc đầu tư “bạo tay” vào các công ty tài chính tiêu dùng cho thấy thị trường này còn rất nhiều tiềm năng và thực sự hấp dẫn.

Săn tìm vốn ngoại

Thực tế, sự sôi động của thị trường vốn dành cho các công ty tài chính tiêu dùng năm 2017 đã được dự báo từ giữa năm ngoái khi Thông tư 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực từ 1/7/2016.

Cụ thể, thông tư 06 yêu cầu các tổ chức tín dụng phi ngân hàng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn còn một nửa, từ 200% xuống 100%, giảm tiếp xuống 90% vào đầu năm 2017 và chỉ còn 80% vào đầu năm 2018 nhằm đảm bảo sự an toàn vốn. Yêu cầu này buộc các công ty tài chính phải tăng cường huy động nguồn vốn trung, dài hạn hơn mà việc vay vốn từ các tổ chức nước ngoài là một trong những sự lựa chọn hàng đầu.

Điều đáng lưu ý là, việc vay vốn của các tổ chức nước ngoài sẽ buộc các công ty tài chính phải hoạt động minh bạch hơn, hiệu quả hơn, có chiến lược và tầm nhìn dài hạn hơn. Điều này, cùng với các lợi thế như dân số vàng, thói quen chi tiêu đang thay đổi theo hướng hiện đại hơn, mức thu nhập trung bình tăng, hành lang pháp lý được hoàn thiện,… khiến thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang trở nên hấp dẫn các đối tác vốn ngoại hơn bao giờ hết.

Trước đó, tại Hội nghị Quốc tế về Tài chính Tiêu dùng ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN cho rằng thị trường tín dụng tiêu dùng hiện vẫn đang trong thời điểm vàng để phát triển.

Với tình hình hiện tại, có thể lạc quan rằng, thị trường vốn dành cho tài chính tiêu dùng vẫn sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2018 và thậm chí còn tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ hơn những gì đã diễn ra trong năm 2017 khi tài chính tiêu dùng tiếp tục được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh 20-30% trong năm tới.

Đỗ Hà

Tài chính tiêu dùng: Sôi động mùa rót vốn cuối năm - 2