1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

V-League bị chê trên báo Anh: Thực trạng mà người quản lý giải muốn... né?

(Dân trí) - Những vấn đề mà những nhà quản lý V-League muốn né xung quanh một V-League vắng khán giả, đầy nghi hoặc bởi nghi vấn dàn xếp tỷ số, tính cạnh tranh không cao mới đây vô tình bị phơi bày trên báo nước ngoài, trong bối cảnh mà nhà quản lý giải đấu đang ở tận trời Âu.

Câu chuyện mà nhà báo Thomas Barrett (Anh) nêu trên tờ Guardian ở xứ sở sương mù, phản ánh sự xuống cấp của V-League vốn là câu chuyện không mới. Nó cũ đến mức mà ngay cả những nhà quản lý giải đấu còn chưa chịu mổ xẻ các yếu kém của giải quốc nội, thông qua Hội nghị tổng kết mùa giải.

Mà giờ này, thay vì tổ chức Hội nghị đấy, những nhân vật điều hành giải V-League, cùng rất đông người đang quản lý các CLB đang ở trời Âu, đồng loạt thực hiện chuyến đi “du học” bóng đá vốn cũng gây nhiều tranh cãi trong suốt thời gian qua.

Vấn đề nguy hiểm nằm ở chỗ không chỉ V-League có nhiều bất cập, nhiều yếu kém, mà giải đấu không chưa cho thấy dấu hiệu sẽ tốt lên ở mùa sau, hay mùa sau nữa.

Chuyện V-League vắng khán giả ngay trong ngày đón nhà vô địch mới được phản ánh trên báo Anh
Chuyện V-League vắng khán giả ngay trong ngày đón nhà vô địch mới được phản ánh trên báo Anh

Các CLB dù có đại diện đi “du học” hàng năm, được tổ chức bởi VPF, nhưng công tác điều hành vẫn không mấy được cải tiến. Các đội bóng ở Việt Nam vẫn hoạt động theo kiểu chờ tiền từ ngân sách, hoặc từ túi các ông bầu (hoặc cả hai) mà chưa có cách tự tìm ra tiền, gần nhất là không thể tăng nguồn thu từ vé.

Các đội bóng ở Việt Nam dù hàng năm được đầu tư rất nhiều tiền, nhưng cơ sở vật chất, sân bãi vẫn cứ xuống cấp (Long An, Hàng Đẫy – sân bóng được đề cập trong bài viết của tờ Guardian), và người ta vẫn không làm cách nào tránh được điều tiếng xung quanh những trận cầu thật thật – giả giả, còn đội bóng không có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ.

Nhà điều hành V-League hàng năm đều đặn đi từ Đông sang Tây “du học” nhưng khả năng tổ chức vẫn bị đánh giá thấp, riêng khả năng thu hút khán giả bị báo nước ngoài chê là kém cả giải phong trào.

Tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng” mãi vẫn không giải quyết được, khiến khán giả thì ngán, nhà đầu tư mới nhìn vào tình trạng này mà ngập ngừng, vì cơ bản người ta không muốn tham gia vào một giải đấu đang bị mang tiếng là chịu sự thao túng của 1 – 2 ông chủ nhất định.

Tất cả những vấn đề đấy, tất cả những câu chuyện, những thực tế mà nhà báo Thomas Barrett nêu trên tờ Guardian (Anh) là những vấn đề mà khả năng mùa bóng tới vẫn sẽ tái hiện, tức là các khán đài vẫn nguội lạnh, vấn nạn dàn xếp tỷ số vẫn đầy mơ hồ trong mắt người xem, tình trạng cạnh tranh thiếu sòng phằng ở V-League vẫn là tình trạng nhức nhối... Đấy mới là điều nguy hiểm.

Câu chuyện V-League yếu kém là câu chuyện báo chí trong nước lên tiếng, rồi từng bị chính những nhân vật làm công tác điều hành giải đấu phản ứng theo kiểu trách giới truyền thông cứ nói về mặt trái của giải, khiến họ khó tìm tài trợ.

Giờ thì không chỉ truyền thông trong nước, mà ngay cả truyền thông quốc tế cũng phản ánh về chuyện này, trong khi những người lẽ ra giờ này phải ngồi lại mổ xẻ những tồn tại ở sân chơi do chính mình tổ chức, chính họ tham gia, lại ở tận đẩu tận đâu.

Không rõ khi báo Anh phản ánh những bất cập, phản ánh sự xuống cấp của V-League, những người điều hành V-League, những người điều hành bóng đá Việt Nam có thấy tự ái không?

Trọng Vũ

V-League bị chê trên báo Anh: Thực trạng mà người quản lý giải muốn... né? - 2