Nhật Bản và Hàn Quốc là ứng viên hàng đầu cho chức vô địch U23 châu Á
(Dân trí) - Giải sẽ khai mạc vào ngày mai (9/1), tại Giang Tô (Trung Quốc). Đây là giải đấu mà người ta chờ xem bóng đá Thái Lan đã vươn lên đến mức nào, trong khi Nhật Bản thể hiện ra sao sau tuyên bố dùng giải năm nay để chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020?
Nhân tố gây bất ngờ: Thái Lan
Mọi giải đấu sẽ hấp dẫn hơn nếu có bất ngờ từ nhóm các đội chiếu dưới, lật đổ các đội chiếu trên. Ở giải năm nay, Thái Lan là một trong những cái tên thuộc nhóm các đội chiếu dưới được đặt kỳ vọng nhiều nhất.
Trong vài năm qua, bóng đá Thái Lan thắng tiến rất đều đặn, cả về chất lượng, số lượng cầu thủ có đẳng cấp, cho đến nguồn tài chính của nền bóng đá nước này.
Thái Lan cũng là một trong những nền bóng đá thuộc nhóm có trình độ thấp tại châu Á được kỳ vọng là sẽ sớm vươn đến nhóm có trình độ cao, sánh ngang với các quốc gia hàng đầu châu lục gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia trong tương lai gần.
Chính vì vậy, đội tuyển U23 Thái Lan là đội bóng rất được quan tâm tại VCK U23 châu Á năm nay. Nếu có bất ngờ xảy ra tại giải, theo hướng một đội nhóm dưới chen chân vào nhóm có thể cạnh tranh huy chương, thì cái tên được nhắc đến đầu tiên vẫn là Thái Lan.
Nằm trong bảng B cùng các đội Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên và Palestine, người ta cho rằng đội bóng xứ Chùa Vàng đủ sức giành quyền vào vòng tứ kết, bởi Palestine không mạnh hơn Thái Lan, trong khi U23 Thái Lan từng đánh bại U21 Nhật Bản (lực lượng sẽ dự VCK U23 châu Á 2018) ở giải giao hữu M-150 cách nay chỉ chừng 1 tháng.
Đối thủ còn lại trong bảng B là CHDCND Triều Tiên cũng không ổn định, và chuyện Thái Lan thắng được đội bóng Đông Bắc Á trong một ngày đẹp trời nào đó, không phải là nhiệm vụ bất khả thi.
Ấn số… Nhật Bản
Về nhóm các đội cạnh tranh ngôi vô địch, khó đoán nhất kỳ lạ thay lại là đại diện của nền bóng đá số 1 châu Á: Nhật Bản.
Đặt trường hợp, đội bóng xứ sở mặt trời mọc dự giải với thành phần mạnh nhất trong lứa tuổi 23, họ đương nhiên là ứng cử viên vô địch hàng đầu của giải.
Nhưng, người Nhật chỉ cử đội U21 tham dự, với đích đến là Olympic Tokyo trên sân nhà của họ vào năm 2020, chứ không phải VCK U23 châu Á 2018. Thành ra, Nhật Bản mới là đội khó đoán.
Nhưng dù sao thì với truyền thống của mình, cộng với chất lượng của dàn cầu thủ mà mọi đội bóng ở châu Á không dám xem thường, cũng như tính hệ thống, tính khoa học trong lối chơi, Nhật Bản vẫn là cái tên đáng được nhắc đến trong số những ứng cử viên vô địch sáng giá.
Một ứng cử viên khác là đương kim Á quân Hàn Quốc. Cho dù cách mà U23 Hàn Quốc vượt qua vòng loại không mấy ấn tượng, do phải chia điểm trong bế tắc trước Đông Timor, hoặc chỉ thắng sát nút U23 Việt Nam 2-1 ở trận cuối cùng vòng loại.
Tuy nhiên, khi vào VCK, có thể Hàn Quốc sẽ khác, bởi điểm rơi phong độ của họ lúc này đã khác cách nay vài tháng, quyết tâm và mục tiêu của các cầu thủ cũng khác hẳn, cụ thể hơn hẳn.
Vả lại, ở bất kỳ thời điểm nào, ở bất kỳ cấp độ nào, tại châu Á, muốn đánh bại Hàn Quốc chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Những ẩn số khác là Australia và Iraq. Đội bóng đến từ châu Đại Dương có lối chơi khá đơn giản, nhưng về mặt tố chất, họ lại là những cầu thủ có tố chất tốt hơn những cầu thủ thuần châu Á.
Australia về mặt địa lý nằm bên ngoài châu Á, còn về mặt phong cách lại mang phong cách châu Âu, thiên về sức mạnh và dùng nhiều bóng bổng, đấy là điều mà các đội bóng châu Á e ngại nhất .
Chính vì vậy, có thể Australia không quá hào nhoáng, nhưng nếu sơ hở, thì mọi đội bóng đều phải trả giá trước họ.
Trường hợp của Iraq lại khác, họ không có giải quốc nội phát triển tốt, các đội tuyển quốc gia của họ cũng ít có điều kiện tập trung và thi đấu cùng nhau, do tình hình chung của đất nước. Tuy nhiên, khi đứng chung một màu cờ sắc áo, Iraq lại là đội bóng rất khó chịu, rất khó bị đánh bại.
Riêng trường hợp đáng tiếc nhất không thể góp mặt tại VCK U23 châu Á năm nay là Iran, nền bóng đá có truyền thống trong nhóm đầu châu lục.
Kim Điền