1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vinh nhục đời lính đánh thuê

Lật đổ các Chính phủ, thủ tiêu các nguyên thủ quốc gia hay các chính khách, luôn sẵn sàng can thiệp vào bất cứ “điểm nóng” nào trên hành tinh…

... Đó là những mục tiêu mà giới lính đánh thuê chuyên nghiệp thường thực hiện theo “đơn đặt hàng” của các cơ quan mật vụ, hay từ các hội nhóm lưu vong cuồng khích.

Điều trớ trêu là “trung tâm điểm” của lực lượng lê dương quốc tế lại nằm ở thủ đô Brussels của Vương quốc Bỉ, cũng chính là nơi trú đóng Tổng hành dinh của Khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Những hợp đồng ký kết trong cửa hiệu

Rose Briges đấm tay lên mặt bàn, đôi lông mày nhíu lại, với vẻ mặt đầy kích động: “Chúng tôi cần phải tấn công mỏ vàng gần Maroni. Ở đấy có ít nhất 60kg vàng nguyên chất. Đó chính là chiến lợi phẩm từ chiến dịch của chúng tôi tại Suriname”.

Rose mới 37 tuổi, thường mặc quần jeans, áo khoác da màu đen và áo giáp chống đạn bên trong, nhưng lại không để râu như một mẫu người vùng Flandre. Rose sinh hạ ở thành phố Ostend phía bắc Bỉ, nơi cha mẹ hắn sở hữu một cái cối xay gió…

Một toán lê dương quốc tế chuẩn bị lên đường sang “tác nghiệp” tại khu vực Trung Phi.
Một toán lê dương quốc tế chuẩn bị lên đường sang “tác nghiệp” tại khu vực Trung Phi.

Viên cựu trung sĩ quân đội Hoàng gia Bỉ này rất hay cười và mê nhậu. Hiện giờ R. Briges là lính đánh thuê chuyên ủng hộ hay lật đổ các chính phủ khác nhau theo một khoản tiền đặt cọc trước nào đó, cũng như nhiều đồng nghiệp lê dương khác, Rose đang háo hức chờ người ta thu xếp những “công việc” mới tại Brussels.

“Chiến dịch gần đây đầy gian truân - R. Briges kể lại - Chúng tôi cần phải đánh đổ Chính phủ Cộng hòa Suriname ở Nam Mỹ do Tổng thống Desi Bouterse đứng đầu. Một tổ chức không chính thức gốc Suriname đã thuê chúng tôi. Chúng tôi cần phải huấn luyện các du kích địa phương, chỉ huy họ để cùng tấn công vào thủ đô Paramaribo và làm tê liệt quân đội chính quy”.

“Đơn đặt hàng” về một cuộc đảo chính đến từ những kẻ đại diện cho cái gọi là “Quân đội giải phóng Suriname”, hay chính xác hơn là từ cựu chủ nhân một tiệm rượu kiêm bán lẻ thuốc phiện lậu người gốc Suriname, hiện sở hữu hộp đêm Karel Apel ở Amsterdam (Hà Lan), cùng một hội nhóm Suriname lưu vong là tổ chức Anses Faundasen - liên lạc qua hộp thư lưu ký số 3493 tại bưu cục trung tâm Amsterdam.

“Hợp đồng thuê mướn có vũ trang” được ký trong một cửa hiệu ở hải cảng Rotterdam, được ngụy trang như là một cơ sở cho thuê băng đĩa hình. Với nhiệm vụ chính là lật đổ chính phủ hợp hiến hiện thời tại Suriname, một điều khoản phụ trong hợp đồng này cho phép lực lượng đánh thuê sở hữu Kho bạc Nhà nước Suriname, như là “chiến lợi phẩm” xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Một nguồn tin mật từ tổ chức Anses Faundasen cho biết: “Nếu chiến dịch thành công, số tiền thu được trong ngân khố quốc gia Suriname là vào cỡ 1,5 tỉ USD”.

Cộng hòa Suriname là một vùng lãnh thổ rộng gấp 4 lần Vương quốc Hà Lan. Với R. Briges thì chiến dịch đảo chính ấy đúng là một cơn ác mộng: “Du kích quân là những người không được chuẩn bị gì cả, thậm chí họ cũng chẳng rõ các khái niệm về chiến tranh nữa, suốt ngày hút bồ đà và nốc rượu Rhum. Còn vũ khí và trang bị lại vô cùng thiếu thốn”. Rốt cục là chiến dịch đã thất bại. Theo Rose thì những kẻ đã “đặt hàng” còn nợ hắn 47.000 USD nữa, nhưng người ta cứ khất lần mãi, hay đúng hơn là hắn đã dính “quả lừa”.

Đội “cố vấn” ô hợp

Những người lính đánh thuê da trắng như R. Briges đang hiện diện tại bất cứ lò lửa nào trên hành tinh. Họ thường đóng vai “cố vấn” cho các chính thể sắp sụp đổ, hay các thế lực quá khích khác nhau… nhưng lại hành động theo tiền cọc đặt trước của các cơ quan tình báo, hoặc các công ty đa quốc gia vì “quyền lợi sống còn” trong mục đích kinh doanh… Các thống kê không chính thức cho thấy, đội ngũ lính đánh thuê chuyên nghiệp thường tụ tập ở Brussels đã từng “nhấn cò súng thả phanh” tại hơn 30 điểm nóng trên địa cầu.

Tại Guatemala hiện có chừng 50 “cố vấn” người da trắng do chính phủ nước này thuê, họ chỉ đạo các đơn vị đặc nhiệm chuyên trách chống du kích ly khai trong rừng sâu. Còn dọc đường biên giới giữa Thái Lan và Malaysia từng hiện diện một đơn vị chuyên nhiệm “tìm và diệt”, do cựu đại tá cảnh sát Bỉ Jimi Vogeleer chỉ huy cùng với nhiều “cố vấn” da trắng khác. Lực lượng bao gồm chừng 200 người này chủ yếu nhằm “tảo thanh” các nhóm du kích thiểu số chống đối.

Còn khoảng 100 lính đánh thuê người Anh và Nam Phi trong 2 thập niên gần đây, đã can dự vào các cuộc giao tranh giữa quân đội Chính phủ Sri Lanka và lực lượng du kích Những con Hổ giải phóng Tamil (LTTE). Lương hàng năm của mỗi người lính này được chính quyền trả là 64.000 USD, gấp hàng chục lần so với thu nhập của một sĩ quan quân đội cao cấp. Sau khi có những hành động “càn quét thái quá” chống lại những người dân vô tội, 60 kẻ lê dương đã bị mất “việc làm” và bị Chính phủ Sri Lanka trục xuất …

Từ đó người ta lần ra những hoạt động bí mật của các hãng xuyên quốc gia chuyên “bảo đảm an ninh”, với trụ sở đặt tại London (Anh) thường đứng ra thu xếp “công việc” cho giới lính đánh thuê trên thế giới. Họ trực tiếp tham gia vào các vụ lật đổ, hay khôi phục các nguyên thủ hoặc chính phủ khác nhau.

Đó là các công ty “gạo cội” như Defense Services, Special Training Services, Cautenrfors, Shield, hay Falcon Star… Đứng hàng đầu trong dạng công ty chuyên “buôn bán thần chết” này là Hãng KMC, do 2 cựu binh thuộc lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố Anh cầm đầu là thiếu tá David Woole và đại tá Jim Johnson, với “sức huy động tại chỗ” tới 10.000 quân/lần (!)

Lính đánh thuê có nguyện vọng được nhận lương thường xuyên bao gồm 8.500 thành viên thuộc Binh đoàn Lê dương (FFL) do Ngân sách Nhà nước Pháp đài thọ. Hiện 50% lính đánh thuê nhà nghề trên thế giới là người Pháp, còn khoảng 10% là dân Đức.

Trong bối cảnh nạn thất nghiệp tràn lan tại các quốc gia phương Tây, thì việc sung vào đội quân đánh thuê chuyên nghiệp cũng lôi cuốn không ít công dân, trung bình có từ 7.000 - 8.000 người đăng ký hàng năm tại các trung tâm tuyển chọn, trong đó chừng 1.000 kẻ được “nhận việc”.

Nếu như được bố trí tại các vùng xa xăm, mỗi lính lê dương sẽ lĩnh 2.500 USD/tháng. Các căn cứ lê dương quốc tế đang hiện diện tại trên đảo Corsica của Italia, hay Guiana thuộc Pháp, hoặc ở các hòn đảo Tahiti và Maiao trong quần đảo Polynesia phía nam Thái Bình Dương là lãnh thổ hải ngoại của Pháp…

Chiến tranh chỉ là cuộc chơi lớn

Rất ít các chiến dịch do lính đánh thuê thực hiện đạt được thành công, cũng như rất ít những lính lê dương nhà nghề kiếm chác được trong cái nghiệp “ăn gan uống máu” này.

Một trong những chiến binh lê dương hiếm hoi “thành đạt” là cựu đại úy Bob Denard (1929-2007) người Pháp, kẻ từng hạ bệ Chính phủ của quần đảo Comoro cách đây hơn 3 thập niên. Quần đảo Comoro thơ mộng nằm giữa Ấn Độ Dương vốn nổi tiếng là lắm tài nguyên, nhất là các loại cây công nghiệp.

B. Denard cầm đầu vụ tấn công Dinh Tổng thống Comoro.
B. Denard cầm đầu vụ tấn công Dinh Tổng thống Comoro.

Ngày 23-5-1978, chiếc tàu chiến loại nhỏ Antinea buông neo gần quần đảo, 43 tên lính đánh thuê người Pháp và Bỉ dùng thuyền cao su đổ bộ lên bờ, bí mật tấn công Dinh Tổng thống, doanh trại cảnh vệ và Đài phát thanh ở thủ đô Moroni. Tổng thống Said Atthoumani mới tại nhiệm 10 ngày bị bắn chết ngay trên giường ngủ. Toàn bộ chiến dịch diễn ra trong vòng một giờ rưỡi đồng hồ.

Sau “chiến thắng vang dội”, mỗi tên lê dương được thưởng 12.000 USD. Người ta cho rằng, đứng sau phi vụ này là các cơ quan mật vụ Pháp thông qua giới doanh thương cỡ bự. Tổng chi phí cho vụ này bao gồm 528.000 USD cho lính đánh thuê và 120.000 USD đóng con tàu chiến.

Lúc sinh thời, B. Denard rất mãn nguyện về cuộc đời lê dương của mình, với tòa biệt thự xa xỉ ven biển La Manche, người ăn kẻ ở cùng dàn xe hơi đắt giá. Sau “phi vụ đảo chính” nói trên, B. Denard còn được ưu ái nhận lương “cố vấn” cho Chính phủ mới ở Comoro cho đến tận lúc lìa đời, cũng như có chân trong Hội đồng Quản trị nhiều cơ sở kỹ nghệ trên quần đảo.

Leon Chirac 58 tuổi, một chiến hữu sát cánh cùng B. Denard trong “vụ Comoro”, ôn lại quãng đời binh nghiệp của mình: “Vụ kế tiếp chúng tôi tham gia huấn luyện một nhóm du kích trong rặng núi Andes thuộc Nam Mỹ, với mức thu nhập chừng 600 USD/tuần. Tuần đầu thì có lương, sau đó thì kẻ thường trả tiền cho chúng tôi đột nhiên mất tích…”. Cả Fernan Braitons 61 tuổi cũng chưa quên cái “chiến dịch bất thành” tại Zaire (nay là Congo).

Sau đó hắn làm nghề giữ kho ở Brussels, công nhân trong một xí nghiệp hóa chất và lái tàu điện…

Hiện hắn sống bằng trợ cấp thất nghiệp với 250 euro/tháng. Nhưng xem ra Fernan vẫn chưa nguôi mộng làm giàu bằng kiếp đánh thuê. Hắn trải tấm bản đồ thế giới cáu bẩn lên sàn nhà và suy tư về những “điểm nóng” mới như Syria, Yemen, Nam Sudan… Với hắn thì “chiến tranh chỉ là một cuộc chơi lớn” mà thôi, miễn sao người ta chịu chi tiền cọc trước và trả thù lao hậu hĩnh là được”, gã lính lê dương “nhà nòi” thổ lộ.

Theo Quang Phú/Morning Star

An ninh thế giới