1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Nga đột ngột rút máy bay chiến đấu khỏi Iran?

(Dân trí) - Nga và Iran hôm qua 22/8 xác nhận toàn bộ máy bay chiến đấu của Không quân Nga tham gia chiến dịch không kích chống phiến quân Syria đã rút khỏi căn cứ Hamadan của Iran sau 1 tuần.


(Ảnh minh họa: EPA)

(Ảnh minh họa: EPA)

Các máy bay chiến đấu của Nga bắt đầu chiến dịch xuất kích từ căn cứ Hamadan của Iran để chống phiến quân ở Syria từ ngày 16/8. Đây được coi là bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Nga nhằm tăng cường hiện diện ở Trung Đông, củng cố mối quan hệ Nga - Iran. Tuy nhiên, tại sao thỏa thuận hợp tác này đổ vỡ chóng vánh như vậy vẫn là một bí mật.

Về quyết định bất ngờ này, phía Nga nói rằng họ đã đạt được các mục tiêu đề ra và không loại trừ khả năng mượn tiếp căn cứ của Iran trong tương lai. “Các máy bay quân sự Nga tham gia chiến dịch không kích IS từ căn cứ Hamadan đã hoàn thành thành công các nhiệm vụ đề ra. Tất cả máy bay Nga tham gia chiến dịch ở đây đã trở về đất Nga”, Thiếu tướng quân đội Nga, ông Igor Konashenkov cho biết.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi nói: “Nga không có căn cứ tại Iran. Nga không đồn trú tại đây. Nga đã kết thúc chiến dịch”. Tuy nhiên, ông cũng để ngỏ khả năng trong tương lai các máy bay Nga có thể xuất kích từ Iran và nói rằng điều này còn “phụ thuộc vào tình hình ở khu vực và sự cho phép của Iran”. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan thì công khai chỉ trích Nga “phô trương” và “thiếu thận trọng” khi công bố thông tin mượn căn cứ Hamadan.

Maziar Behrooz, một giáo sư về lịch sử tại Đại học San Francisco đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Nga-Iran, cho rằng việc Iran đột ngột rút lại quyết định cho phép Nga mượn căn cứ có thể là tín hiệu cho thấy hai bên vẫn thiếu sự hợp tác về thỏa thuận mà đến nay vẫn là một bí mật. “Nga công bố thông tin khi chưa đảm bảo một số vấn đề tế nhị với vấn đề đối nội của Iran. Nếu Nga không công bố, có lẽ sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra”, ông Behrooz nhận định. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Nga buộc phải công bố thông tin sau khi Mỹ nắm bắt được tình hình và tuyên bố đánh giá liệu việc Nga mượn căn cứ của Iran có vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc hay không.

Hãng tin Al Jazeera cho rằng, những rạn nứt chính trị trong giới lãnh đạo Iran cũng có thể là một lí do đằng sau quyết định đột ngột này. “Ở Iran có những tiếng nói có trọng lượng và họ nói rằng thỏa thuận này là vi hiến, Iran không nên cho bất cứ quốc gia nước ngoài nào sử dụng căn cứ không quân của mình”, Al Jazeera bình luận.

Cliff Kupchan, Chủ tịch tổ chức cố vấn rủi ro chính trị Eurasia tại Washington, cho rằng: “Iran không tin tưởng Nga. Họ không tin tưởng nhau”.

Trong khi đó, hãng tin Pravda dẫn lời chuyên gia cho rằng, thỏa thuận hợp tác Nga-Iran chấm dứt đột ngột có thể do sự can thiệp từ phương Tây. Leonid Gusev, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu quốc tế MGIMO, cho rằng, nếu phương Tây trì hoãn dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào Iran khi quốc gia Trung Đông này vừa mới trở lại thị trường dầu mỏ sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử với phương Tây hồi tháng 7 năm ngoái.

Minh Phương

Tổng hợp