1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Trung Quốc tranh cãi đề xuất bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ với Chủ tịch nước

(Dân trí) - Đề xuất sửa đổi hiến pháp nhằm bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc, song các cơ quan chính phủ và truyền thông nhà nước đã đưa ra những tuyên bố nhằm “bảo vệ” đề xuất này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: PA)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: PA)

Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 25/2 đã công bố đề xuất sửa đổi hiến pháp, bao gồm việc bãi bỏ quy định về giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm, đối với các chức danh chủ tịch và phó chủ tịch nước. Ngoài ra, Ủy ban Trung ương cũng đề xuất đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc trong thời đại mới” vào hiến pháp.

Những đề xuất sửa đổi hiến pháp có thể được đưa ra xem xét tại phiên họp đầu tiên của kỳ họp quốc hội Trung Quốc, dự kiến bắt đầu vào ngày 5/3 tới. Nếu đề xuất của Ủy ban Trung ương đảng về việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ được thông qua, ông Tập Cận Bình có thể sẽ tiếp tục được giữ cương vị Chủ tịch sau hai nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2013.

Đề xuất sửa đổi hiến pháp trên đã làm dấy lên nhiều tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng cần có giới hạn cụ thể về thời gian tại nhiệm của lãnh đạo, dù có thể nhiều hơn hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước và một số báo lớn của Trung Quốc đã lên tiếng “bảo vệ” đề xuất này.

Trong bối cảnh truyền thông quốc tế dành sự quan tâm lớn đối với thông tin về sửa đổi hiến pháp của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra quan điểm dù cơ quan này thông thường chỉ bình luận về các vấn đề ngoại giao.

“Kể từ năm 1954 khi hiến pháp Trung Quốc lần đầu được thông qua, các bản hiến pháp này liên tục được cải thiện. Tôi hy vọng mọi người có thể công nhận tiếng nói của tất cả người dân Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu trong cuộc họp báo.

Vai trò của Chủ tịch Tập

Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa) tại lễ bế mạc đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2017 tại Bắc Kinh (Ảnh: Getty)
Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa) tại lễ bế mạc đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2017 tại Bắc Kinh (Ảnh: Getty)

Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng đăng tải bài bình luận khẳng định việc dỡ bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ sẽ góp phần duy trì hệ thống lãnh đạo mà cả ba vị trí Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Tổng tư lệnh quân đội cùng do một người nắm giữ.

“Trong hơn 20 năm qua, việc kết hợp vai trò lãnh đạo của ba vị trí Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương đã được định hình và phát huy hiệu quả. Việc dỡ bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chủ tịch nước có thể giúp duy trì hệ thống bộ ba này và tăng cường thể chế đối với vai trò lãnh đạo của đảng và nhà nước”, Thời báo Hoàn cầu viết.

Theo báo Trung Quốc, với vai trò trọng tâm của ông Tập Cận Bình, “đảng Cộng sản Trung Quốc đã trở nên mạnh hơn”. “Từ chiến dịch chống tham nhũng cho tới việc thúc đẩy toàn diện quy chuẩn luật pháp để tái cơ cấu sâu sắc nền kinh tế, Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc với ông Tập Cận Bình là cốt lõi đã mở ra một kỷ nguyên mới cho một đất nước Trung Quốc đầy triển vọng”, Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh.

Cũng theo Thời báo Hoàn cầu, “sự thay đổi (hiến pháp) không có nghĩa là Chủ tịch Trung Quốc sẽ nắm quyền trọn đời”, đồng thời cảnh báo những tác động xấu từ việc hiểu thông tin sai lệch cũng như sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Thời báo Hoàn cầu dẫn lời Giáo sư Su Wei tại Trường đảng Trùng Khánh cho biết giai đoạn từ 2020-2035 là thời điểm quan trọng để Trung Quốc về cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Do vậy, Trung Quốc và đảng Cộng sản Trung Quốc cần có sự lãnh đạo ổn định, chắc chắn và nhất quán. Theo đó, việc bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ đối với Chủ tịch Tập Cận Bình là cần thiết trong giai đoạn này.

Theo hiến pháp Trung Quốc hiện tại, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ kết thúc nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai vào năm 2023. Nếu sửa đổi hiến pháp được thông qua, ông Tập, 64 tuổi, có thể sẽ không bị hạn chế trong việc tiếp tục nắm giữ 3 vị trí quan trọng nhất tại Trung Quốc. Theo New York Times, kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp, xây dựng Sáng kiến Vành đai và Con đường, tái cơ cấu mạnh mẽ lực lượng quân đội, tăng cường an ninh nội địa và thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm