1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trung Quốc lo Mỹ kiểm soát khu vực bằng mạng lưới phòng thủ tên lửa tinh vi

(Dân trí) - Một chuyên gia Trung Quốc cho hay lo ngại chính của Bắc Kinh là không chỉ về việc triển khai hệ thống tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc, mà là khả năng lớn hơn của Washington nhằm kiểm soát khu vực với mạng lưới hệ thống tên lửa tinh vi tại Nhật Bản, Singapore, Philippines và thậm chí Đài Loan.

Mỹ bắt đầu triển khai lá chắn tên lửa tới Hàn Quốc


Bấm vào đây để xem ảnh cỡ lớn

Bấm vào đây để xem ảnh cỡ lớn


Mỹ bắt đầu triển khai các thiết bị của hệ thống THAAD tới Hàn Quốc hồi tuần trước (Ảnh: Xinhua)

Mỹ bắt đầu triển khai các thiết bị của hệ thống THAAD tới Hàn Quốc hồi tuần trước (Ảnh: Xinhua)

Mỹ đang triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giao đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc nhằm đối phó với các mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, Seoul và Washington đã đẩy nhanh tiến trình lắp đặt THAAD.

Trung Quốc từ đầu đã phản đối việc triển khai THAAD trên đất Hàn Quốc với lý do hệ thống có thể phá vỡ sự cân bằng về an ninh trong khu vực Đông Bắc Á và đe dọa lợi ích chiến lược của Bắc Kinh.

Thời báo Hoa Nam Buổi sáng ngày 13/3 dẫn lời ông Wang Hongguang, một cựu phó chỉ huy của quân khu Nam Kinh, cho hay lo ngại chính của Bắc Kinh là không chỉ về việc triển khai hệ thống tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc, mà là khả năng lớn hơn của Mỹ nhằm kiểm soát khu vực với mạng lưới hệ thống tên lửa tinh vi tại Nhật Bản, Singapore, Philippines và thậm chí Đài Loan.

Cũng theo ông Wang, Trung Quốc biết rằng nước này có thể không ngăn được Seoul dừng triển khai một hệ thống tên lửa của Mỹ và đã chuẩn bị đáp trả bằng một vũ khí chống radar riêng.

Ông Wang nói Trung Quốc không hi vọng tổng thống mới của Hàn Quốc sẽ thay đổi chính sách và ngừng việc triển khai THAAD, sau khi bà Park Geun-hye, người ủng hộ việc bố trí THAAD, bị phế truất. Các thiết bị đầu tiên của hệ thống đã tới căn cứ không quân Osan tại Hàn Quốc hồi tuần trước.

Ông Wang cho hay Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn các biện pháp để vô hiệu hóa radar của THAAD. “Chúng tôi sẽ hoàn thiện việc triển khai của mình trước khi THAAD đi vào hoạt động. Không cần thiết phải đợi 2 tháng (trước cuộc bầu cử tổng thống mới của Hàn Quốc). Chúng tôi đã có sẵn thiết bị như vậy và chỉ cần vận chuyển nó tới đúng vị trí”, ông Wang nói.

Ông Yue Gang, một cựu đại tá quân đội, nói Trung Quốc có thể phá hủy THAAD hoặc vô hiệu hóa nó. “Phá hủy THAAD nên là một phương án trong thời chiến nhưng Trung Quốc cũng có thể can thiệp vào các chức năng của hệ thống thông qua công nghệ điện từ”, ông Yue nói.

Theo ông Yue, một địa điểm lý tưởng là đặt hệ thống của Trung Quốc trên bán đảo Sơn Đông ở bờ biển phía đông, đối diện Hàn Quốc.

Ông Fu Qianshao, một chuyên gia thiết bị hàng không thuộc không quân Trung Quốc, cho hay Trung Quốc cũng có thể điều máy bay - có người lái hay không người lái - bay gần tới THAAD nhằm cản trở các tín hiệu radar của nó. Ông Fu nói các lực lượng vũ trang của Trung Quốc đều có khả năng can thiệp các tín hiệu radar.

Một khẩu đội THAAD bao gồm 6 bệ phóng đặt trên xe tải, 48 tên lửa đánh chặn (mỗi bệ phóng có 8 tên lửa), một hệ thống kiểm soát hỏa lực và thông tin, và một radar AN/TPY-2. Radar AN/TPY-2, được ví như mắt thần, có khả năng phát hiện mục tiêu ở phạm vi khoảng 1.000 km.

THAAD được thiết kế để đánh chặn tên lửa tầm trung và tầm xa, như Scud và Rodong của Triều Tiên, có tầm xa tới 3.000km và độ cao từ 40-150km.

An Bình