1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc đang thay đổi quân đội như thế nào?

Mặc dù ngân sách cho quân đội Trung Quốc tăng ở mức khiêm tốn 7% trong năm nay, tuy nhiên, đây vẫn là con số cao hơn tăng trưởng bình quân kinh tế và đủ để chứng minh rằng, nước này muốn tập trung phát triển quân đội.

Dưới đây là những điều chuẩn bị thay đổi ở quân đội Trung Quốc.

Chuyển trọng tâm

Trung Quốc sẽ cắt giảm 300.000 binh sĩ
Trung Quốc sẽ cắt giảm 300.000 binh sĩ

Trong khi các lực lượng trên bộ vẫn chiếm khoảng 73% tổng số lượng binh sĩ, Trung Quốc đang tìm cách chuyển dịch nguồn lực cho hải quân và không quân. Điều này cũng phù hợp với chính sách bành trướng và gây hấn của Bắc Kinh trên Biển Đông, biển Hoa Đông hay eo biển Đài Loan. Đây cũng là động lực để Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố cắt giảm 300.000 binh sĩ ở các lực lượng phi chiến đấu hoặc những đơn vị vận hành các loại vũ khí lỗi thời.

Mua thêm nhiều máy bay

Để tìm kiếm lợi thế trong không chiến, Trung Quốc đầu tư mạnh vào mổ xẻ nghiên cứu Su-27 của Nga, để cho ra mắt một mẫu máy bay gần như giống hệt có tên gọi J-11. Những năm gần đây Trung Quốc còn cho ra mắt thêm máy bay chiến đấu tự phát triển J-10 và phiên bản nâng cấp của máy bay ném bom H-6. Ít nhất 2 nguyên mẫu của chiến đấu cơ thế hệ 5 đã được bay thử, mặc dù chưa có thông tin về khả năng thực sự và thời gian nó sẽ được biên chế.

Trung Quốc cũng đang vươn lên về mặt công nghệ không người lái. Mặc dù các máy bay này vẫn chưa thể so sánh được với các mẫu Predator và Reaper của Mỹ, tuy nhiên, Bắc Kinh đang sở hữu một phi đội đa dạng, có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Lực lượng hải quân mới

Sự kịch tính còn đến từ việc Trung Quốc biến hải quân vốn chỉ có nhiệm vụ bảo vệ duyên hải trở thành một lực lượng có thể hoạt động trên những vùng biển xa. Điều này được thể hiện rõ nhất từ việc Trung Quốc mua tàu sân bay Varyag từ Ukraine để sửa chữa và đổi tên thành Liêu Ninh nhằm đưa sử dụng trong năm 2012. Bắc Kinh hiện cũng vừa tuyên bố rằng, họ đang đóng thêm chiếc tàu sân bay thứ 2 hoàn toàn bằng công nghệ nội địa.

Tàu sân bay Liêu Ninh
Tàu sân bay Liêu Ninh

Trung Quốc đang bổ sung thêm nhiều tàu khu trục, tàu hộ tống và tàu ngầm hạt nhân mới. Theo thống kê, chưa có nước nào trên thế giới, biên chế tàu chiến với tốc độ nhanh như Trung Quốc.

Thêm nhiều tên lửa

Tên lửa chống hạm DF-21D
Tên lửa chống hạm DF-21D

Lực lượng tên lửa Trung Quốc, còn được gọi là Quân đoàn Pháo binh số 2, là một trong những lực lượng có khả năng tấn công mạnh mẽ nhất trên thế giới. Nếu tính cả lực lượng hạt nhân, Trung Quốc đang có ít nhất 1.200 tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình tấn công mặt đất. Bắc Kinh cũng nỗ lực phát triển thêm các tên lửa chống hạm như DF-21 và tên lửa đất đối không có tốc độ cao và tầm bắn xa hơn như HQ-9.

Thay đổi chiến thuật

Quân đội Trung Quốc đang phát triển những hệ thống ngăn chặn sự tác động từ bên ngoài. Ngoài các hệ thống vũ khí như tên lửa đánh chặn và tàu ngầm, Bắc Kinh cũng đầu tư mạnh vào tác chiến trên mạng.

Trung Quốc cũng đã cơ cấu lại quân đội nhằm có được sự kết hợp tốt hơn giữa các cơ quan khác nhau. Nước này thậm chí còn thay đổi những nguyên tắc lâu đời trong việc sử dụng quân đội, ví dụ như việc xây dựng căn cứ quân đội ở Djibouti. Đây được coi là căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài, được thành lập với mục tiêu bảo vệ cho các tàu thương mại của nước này đi qua khu vực Sừng châu Phi.

Theo Minh Anh

Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm