1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng: Bước lùi có tính toán?

Báo cáo ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đọc tại kỳ họp Quốc hội nước này vào ngày 5-3 cho biết mức chi cho quân đội trong năm tới chỉ còn 7,6%, mức tăng thấp nhất từ một thập kỷ qua.

Báo cáo này đã thu hút nhiều ý kiến bình luận khác nhau, còn theo giới quan sát đây có lẽ chỉ là một bước lùi nhằm tránh những phản ứng quyết liệt hơn từ cộng đồng quốc tế và có lẽ Trung Quốc đang dùng thế “ngọa hổ tàng long”?

Theo bản báo cáo về ngân sách được công bố hôm 5-3, tại buổi khai mạc kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc, khoản chi dành cho quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2016 sẽ là khoảng 954 tỷ nhân dân tệ (146 tỷ USD).

Trước đó, hôm 4-3, bà Phó Oánh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng đã thông báo rằng ngân sách quốc phòng sẽ tăng từ 7 đến 8% trong năm nay. Đây là lần đầu tiên mức tăng chi về quốc phòng (được thông báo) của Trung Quốc đã tụt xuống dưới mức tăng trưởng 2 con số kể từ 6 năm nay, và tiếp theo hơn một thập niên tăng trưởng gần như liên tục ở mức 2 con số.

Ngân sách quốc phòng Trung Quốc dựa vào 2 điểm chủ yếu: nhu cầu phát triển quân sự cũng như phát triển kinh tế và thu nhập của chính phủ. Trung Quốc là nước chi tiêu về quân sự đứng hàng thứ 2 trên thế giới, và ngân sách thường niên năm 2015 đã tăng 10,1% lên tới con số tổng cộng trên 135 tỷ USD.

Giải thích về việc giảm tăng trên, trong bài xã luận hôm 5-3, tờ Hoàn Cầu thời báo biện minh rằng, giảm mức tăng quân sách quốc phòng là phù hợp với nhu cầu kinh tế. Kinh tế Trung Quốc trong năm 2015 tăng trưởng trên 7%, mức thấp nhất trong vòng hơn 20 năm qua. Tờ báo này cũng khẳng định rằng Chính phủ Trung Quốc "không muốn gây khó chịu cho các quốc gia khác và gây ra một cuộc chạy đua vũ trang".

Lần đầu tiên sau nhiều năm, Trung Quốc giảm mức tăng ngân sách quốc phòng.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, Trung Quốc giảm mức tăng ngân sách quốc phòng.

Hoàn Cầu thời báo nói thêm là, về đối nội, chính phủ cũng "không muốn làm cho người dân lo lắng, như thể là sắp xảy ra xung đột quân sự lớn". Nhưng chính Tân Hoa Xã cùng ngày nhìn nhận rằng, mức tăng của chi tiêu quân sự chậm lại như vậy là do tình hình kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn ngày càng nhiều và cũng do Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc sẽ phải cắt giảm mạnh quân số. Đại ý là ít người thì phải trả lương ít.

Chủ tịch Tập Cận Bình, với tư cách tổng tư lệnh tối cao của quân đội, vào tháng 9-2015 thông báo cắt giảm 300.000 quân trên tổng quân số 2,3 triệu người của quân đội Trung Quốc, quân đội lớn nhất thế giới hiện nay. Việc cắt giảm quân số là nằm trong khuôn khổ một kế hoạch cải tổ sâu rộng nhất trong quân đội Trung Quốc từ nhiều thập kỷ qua.

Kế hoạch do ông Tập Cận Bình đề ra chủ yếu nhằm thống nhất các bộ tư lệnh binh chủng hải, lục, không quân và lực lượng tên lửa trong một bộ chỉ huy hỗn hợp theo kiểu của Mỹ, để quân đội này có thể bảo vệ tốt hơn chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và lợi ích của quốc gia này ở nước ngoài.

Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 5-3, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đã nêu lên các yêu cầu đối với quân đội nước này, đó là phải đẩy mạnh hiện đại hóa và đi theo đúng các chuẩn mực của quốc tế, đồng thời bảo đảm vững chắc an ninh cho nhà nước.

Như vậy có thể tạm thấy là Trung Quốc giảm mức chi cho quốc phòng vì hai lý do. Thứ nhất vì khó khăn kinh tế và thứ hai vì cải tổ giảm bớt quân số trong quân đội. Tuy nhiên, các chuyên gia lại có những diễn giải khác. Xưa nay, các số liệu do Trung Quốc đưa ra thiếu tính minh bạch. Họ muốn công bố thế nào thì chỉ có họ mới biết được chứ con số thực không ai biết được.

Jagannath Panda, một chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Delhi nhận định: "Thật ra có quá nhiều “vùng xám” trong công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc. Ta không biết nguồn tài chính ở đâu? Việc cấp ngân được đệ trình ra sao? Những khoản chi tiêu thực sự diễn ra ở đâu, hoặc có diễn ra hay không". Ông Panda nói thêm rằng việc cắt giảm ngân sách quốc phòng có thể được thực hiện vì một số lý do kỹ thuật.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Quốc hội ngày 5-3.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Quốc hội ngày 5-3.

Điều quan trọng là không nên dựa vào mức thông báo giảm tăng cho ngân sách quốc phòng mà phải chú ý tới những động thái của quân đội Trung Quốc. Sự giảm chi diễn ra vào một thời điểm mà Trung Quốc đang vội vã xây dựng các hòn đảo nhân tạo và kiên quyết khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông đang gây quan ngại cho các nước láng giềng. Một phần nguyên do của sự giảm chi này cũng có thể nhắm vào mục tiêu xoa dịu sự lo ngại trong khu vực.

Alexander Neill, một giảng viên kỳ cựu về châu Á tại Viện Nghiên cứu Sách lược Quốc tế trong cuộc Đối thoại Shangri-la ở Singapore nói: "Thông điệp chính trị có lẽ là để phản bác điều đó. Nó nói rằng Trung Quốc đang chuẩn bị giảm thiểu và kiềm chế chi tiêu quốc phòng". Ông Neill cho rằng việc giảm thiểu cũng có thể là một "thông điệp chính trị cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bày tỏ sự kiềm chế".

Theo nhận xét của chuyên gia Jagannath Panda, qua việc kéo chậm tăng ngân sách, Trung Quốc dường như tìm cách gửi đi một thông điệp tế nhị rằng, họ không phải là một mối đe dọa an ninh và các nước láng giềng phải coi họ là một nước đang mưu tìm hợp tác. Tuy nhiên, ông nói "không có cách nào Trung Quốc lại nới lỏng lập trường của họ" về các vấn đề lãnh thổ và an ninh.

Điều này được thể hiện rõ trong phát biểu của ông Lý Khắc Cường trước các đại biểu quốc hội Trung Quốc hôm 5-3: "Trung Quốc sẽ tăng cường thực thi pháp luật hàng hải, bảo đảm tự do hàng hải, an ninh tại các vùng biển và sẽ đối phó một cách thích hợp với các hành vi xâm phạm chủ quyền Trung Quốc trên biển".

Các chuyên gia cho rằng việc thông báo hạ mức tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc nằm trong một chiến lược tổng thể hơn. Một mảnh ghép của chiến lược này cũng vừa được Trung Quốc hé lộ qua vụ Hải Sâm. Ngày 2-3, Trung Quốc điều 5 tàu trấn xung quanh bãi Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Theo Philippines, tàu Trung Quốc ngăn cản tàu cá của họ tiếp cận "ngư trường truyền thống" ở bãi Hải Sâm. Sau khi bị tố cáo âm mưu chiếm bãi Hải Sâm, ngày 3-3, Trung Quốc cho rút tàu khỏi bài này. Tuy nhiên, những tuyên bố của báo chí Trung Quốc thì lại hoàn toàn khác.

Trong bài "Tàu nước ngoài đã bị quét sạch khỏi rạn san hô của Trung Quốc", tờ China Daily ngày 3-3 nói rằng "một tàu cá nước ngoài bị mắc kẹt trên một rạn san hô của Trung Quốc ở Biển Đông trong vài tháng qua đã được kéo đi". Mở đầu bài viết với giọng hung hăng, China Daily ở đoạn cuối lại nói bằng giọng giả lả rằng, lần này Trung Quốc đã rút ra bài học là giải quyết vụ việc một cách duy lý và kiềm chế, đúng với luật pháp quốc tế.

Bài báo trích lời người phát ngôn Wang Guoqing của khóa họp thường niên cơ quan tư vấn chính trị tối cao Trung Quốc rằng "Biển Đông nên là một vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác, không nên trở thành cái cớ và công cụ cho một vài nước nhằm ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc".

Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, Phó Đô đốc Joseph Aucoin.
Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, Phó Đô đốc Joseph Aucoin.

Hai giọng điệu hung hăng và hòa hoãn cùng trong một bài báo đang phản ánh một sự tự kiềm chế nào đó của Trung Quốc. Theo giới quan sát, đây có lẽ chỉ là một bước lùi nhằm tránh những phản ứng quyết liệt hơn từ cộng đồng quốc tế trong lúc chờ thời điểm khác thuận lợi hơn, có thể là sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực La Haye vào tháng 5-2016, hoặc chờ lúc chiến dịch tranh cử tổng thống ở Mỹ bước vào giai đoạn cao trào nhất.

Trong một diễn biến mới nhất, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ tuyên bố Trung Quốc phải công khai ý đồ quân sự ở Biển Đông. "Trung Quốc nên nói rõ ý đồ của các công trình xây đắp đảo nhân tạo và việc triển khai phi đạn ra các vùng có tranh chấp ở Biển Đông để giúp tình hình ổn định hơn" - phát biểu trên tàu USS Blue Ridge từ Philippines hôm 7-3, của Tư lệnh hạm đội 7 Hải quân Mỹ - Phó Đô đốc Joseph Aucoin.

Ông Aucoin kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động làm tăng thêm bức xúc trong khu vực, khiến leo thang căng thẳng, và cần phải minh bạch hơn những mục tiêu đề ra. Đô đốc Aucoin nhấn mạnh tất cả các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần bắt tay nỗ lực cùng nhau và việc đầu tiên cần làm là phải ngưng cải tạo đất đai nhằm thay đổi nguyên trạng các khu vực có tranh chấp.

Theo Mộc Thạch (tổng hợp)

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm