1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc bị nghi âm mưu quân sự hóa vũ trụ

(Dân trí) - Một tàu vũ trụ nhỏ được tên lửa Trường Chinh 7 đưa lên quỹ đạo từ bãi phóng Văn Xương trên đảo Hải Nam, miền nam Trung Quốc hôm 25/6 có nhiệm vụ dọn rác vũ trụ, theo chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nhà phân tích khẳng định rằng nó có thể phục vụ mục đích quân sự.


Tên lửa đẩy Trường Chinh 7 rời bệ phóng hôm 25/6 (Ảnh: SCMP)

Tên lửa đẩy Trường Chinh 7 rời bệ phóng hôm 25/6 (Ảnh: SCMP)

Tàu vũ trụ Aolong-1 mà Trung Quốc đưa lên vũ trụ hồi cuối tuần qua được trang bị cánh tay robot để dọn dẹp những vật thể lớn như các vệ tinh cũ.

Tang Yagang, một nhà khoa học vệ tinh cấp cao tại Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hàng không Trung Quốc, cho hay Aolong-1 là con tàu đầu tiên trong hàng loạt con tàu có nhiệm vụ thu nhập rác vũ trụ do con người tạo ra. Ví dụ, nó có thể dọn dẹp một vệ tinh không còn sử dụng của Trung Quốc và đưa nó trở lại trái đất bằng cách cho nó rơi an toàn xuống biển, ông Tang nói.

“Trung Quốc đã cam kết kiểm soát và giảm lượng rác vũ trụ. Để hoàn thành các bổn phận và nghĩa vụ của mình, Trung Quốc đang nỗ lực để tiến tới việc đạt được bước đột phá trong công nghệ dọp dẹp rác vũ trụ”, ông Tang nói thêm.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu có phải Trung Quốc đang phát triển công nghệ hiện đại như vậy chỉ để dọn rác vũ trụ?

Các chuyên gia trong nước vạch ý đồ của Bắc Kinh

“Không thực tế khi muốn dọp dẹp tất cả rác vũ trụ bằng robot. Có hàng trăm triệu mảnh rác lơ lửng trên không”, một nhà nghiên cứu tại Đài quan sát Thiên văn Quốc gia ở Bắc Kinh, thẳng thắn tuyên bố.

Nhưng đối với quân sự, robot có khả năng trở thành một vũ khí chống vệ tinh, chuyên gia trên cho biết thêm.

Aolong-1 là một tàu vũ trụ nhỏ, nặng chỉ vài trăm kg, vì thế nguyên mẫu này có thể được chế tạo và phóng với số lượng lớn.

Nhà nghiên cứu trên cho hay, trong thời bình, tàu vũ trụ trên có thể tuần tra không gian và ngăn chặn các vệ tinh hết hạn sử dụng rơi xuống các thành phố lớn như New York hay Thượng Hải. Trong thời chiến, chúng có thể được sử dụng để răn đe hoặc trực tiếp chống lại các thiết bị của đối phương trong vũ trụ.

Nhà nghiên cứu nói thêm, nó cũng là một vũ khí chống vệ tinh “it điều tiếng”. Vào năm 2007, Trung Quốc đã tiến hành một vụ thử nghiệm chống vệ tinh, trong đó một vệ tinh thời tiết hết hạn sử dụng đã bị phá hủy bằng một tên lửa. Vụ thử nghiệm đã vấp phải sự chỉ trích của quốc tế vì vụ nổ đã tạo ra một lượng lớn rác vũ trụ.

“Lần này, không ai chỉ trích Trung Quốc”, nhà nghiên cứu trên nói.


Đồ họa của NASA cho thấy có khoảng 10 triệu mảnh rác vũ trụ do con người tạo ra (Ảnh: SCMP)

Đồ họa của NASA cho thấy có khoảng 10 triệu mảnh rác vũ trụ do con người tạo ra (Ảnh: SCMP)

Khả năng thất bại cao

Một nhà khoa học vũ trụ khác ở đại lục cho hay vai trò của tàu vũ trụ trên nhằm dọn rác vũ trụ là một “thí nghiệm mạo hiểm” với khả năng thất bại cao.

“Nhìn có vẻ đơn giản, nhưng những thách thức to lớn đang ở phía trước, một vài trong số đó không quốc gia nào khác có thể giải quyết được”, nhà khoa học trên nói.

Việc phát triển công nghệ trên chủ yếu được quân đội hỗ trợ và giữ bí mật, nhà khoa học trên tiết lộ thêm.

Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên phát triển công nghệ dọn rác vũ trụ. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) dự kiến sẽ phê chuẩn một dự án tương tự có tên gọi e.deorbit trong năm nay.

ESA đang cân nhắc 2 cách thức nhằm gom rác vũ trụ, một cách sử dụng một mạng lưới và hai là sử dụng cánh tay robot. Dự kiến được khởi động vào năm 2023, robot e.deorbit “có thể nhắm tới một vệ tinh hết hạn sử dụng của châu Âu ở quỹ đạo thấp, tóm lấy nó và sau đó phá hủy nó một cách có kiểm soát”, ESA cho biết trên trang web.

ESA cũng khẳng định rằng e.deorbit có thể là “sứ mệnh loại bỏ rác vũ trụ đầu tiên trên thế giới”, dù điều này có thể thay đổi do vụ phóng Aolong-1 của Trung Quốc.

Cơ quan Quản lý các dự án nghiên cứu cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) cũng có kế hoạch phóng một tàu vũ trụ lớn hơn, tinh vi hơn cho Không quân Mỹ vào năm 2020. Chương trình robot bảo dưỡng trong vũ trụ Phoenix dự kiến được khởi động hồi năm ngoái nhưng đã bị hoãn lại do các lo ngại về chi phí và kỹ thuật.

Không giống Aolong-1 và e.deorbit, Phoenix có thể thực hiện các công việc như sửa chữa, nâng cấp và tiếp nhiên liệu cho các vệ tinh lâu năm. Nó thậm chí cũng có thể "biến các vệ tinh của nước ngoài thành vệ tinh gián điệp của Mỹ", theo Không quân Mỹ.

Trung Quốc đang tham vọng bám đuổi Mỹ. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hàng không Trung Quốc hồi năm ngoái cho biết Trung Quốc có thể phóng robot vũ trụ đa năng giống Phoenix, có thể vào khoảng năm 2020. Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc cho hay kế hoạch về các robot vũ trụ của nước này bao gồm các sứ mệnh từ quỹ đạo trái đất thấp tới sao Hỏa.

An Bình

Theo SCMP