1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Pháp vượt qua “cuộc sát hạch” quan trọng

Theo kết quả cuối cùng được công bố ngày 12-6, với tỉ lệ ủng hộ lên tới 32,32%, đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (LREM) của đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các đồng minh của đảng này đã giành chiến thắng vang dội trong vòng 1 cuộc bầu cử Hạ viện nước này.

Theo đó, giới phân tích dự đoán, đảng LREM cùng liên minh là đảng Phong trào Dân chủ (MoDem) có thể giành từ 415 – 445 ghế trong tổng số 577 ghế Hạ viện ở vòng 2 cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 18-6.

“Các bạn thân mến, nước Pháp đã trở lại. Những thông điệp của người Pháp không hề mơ hồ. Các cử tri đã gửi đi một thông điệp rõ ràng tại vòng một cuộc bầu cử Hạ viện Pháp rằng họ muốn một Quốc hội với “diện mạo mới”. Chiến thắng này là một minh chứng cho những quyết tâm cải cách và thống nhất nước Pháp, quyết tâm phục vụ đất nước và người dân Pháp”, Thủ tướng Philippe nói, đồng thời cam kết sẽ nhanh chóng thúc đẩy những cải cách táo bạo trong lĩnh vực bảo vệ người lao động và chính sách an ninh của Pháp.

Trong khi đó, từ Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gửi lời chúc mừng Tổng thống Macron về “thành công to lớn” của LREM sau khi những dự báo cho thấy đảng này sẽ giành được đa số áp đảo tại Hạ viện.

Thông qua mạng xã hội Twitter, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Steffen Seibert viết: “Thủ tướng Merkel: Những lời chúc mừng chân thành dành cho Tổng thống Emmanuel Macron về thành công to lớn của đảng ông tại vòng một cuộc bầu cử Hạ viện. Một cuộc bầu cử dành cho những cải cách”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: EPA.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: EPA.

Kết quả bầu cử vòng 1 cuộc bầu cử Hạ viện Pháp cho thấy nền chính trị nước này đang được định hình lại với tương quan mới giữa các lực lượng chính trị, trong đó đảng LREM được thành lập cách đây hơn 1 năm đang nắm giữ vị trí trung tâm; hai đảng truyền thống là đảng Xã hội (PS) và đảng Những người Cộng hòa (LR) vốn thay nhau nắm quyền ở Pháp trong gần 60 năm qua đã thất bại nặng nề.

Có thể nói, Tổng thống Macron đã vượt qua “cuộc sát hạch” quan trọng, mở đường thực thi cương lĩnh “thay đổi” nhằm xây dựng một tương lai tươi đẹp hơn cho nước Pháp và người dân Pháp. Kết quả này cũng phản ánh rằng, cử tri Pháp đã chấp nhận rủi ro với những con người mới hơn là tiếp tục với những con người cũ.

Một người dân Pháp bày tỏ: “Giờ Tổng thống đã được bầu và các công dân Pháp đã chọn ông ấy, ông ấy cần áp dụng chính sách của mình, và nếu chúng ta phản đối Quốc hội thì sẽ là việc thiếu tích cực. Nền dân chủ đã cho chúng ta một vị Tổng thống tốt, giờ chúng ta cần ủng hộ ông ấy”.

Bên cạnh đó, nếu dự đoán của giới phân tích về số ghế mà đảng LREM và đảng MoDem có thể giành được trong Hạ viện trở thành sự thật thì đây sẽ là đa số tuyệt đối lớn nhất mà một đảng tại Pháp giành được trong Quốc hội Pháp trong gần 1 thế kỷ qua (từ 1919) và Tổng thống Macron sẽ có một sự hậu thuẫn lớn chưa từng có từ nhánh lập pháp.

Nói cách khác, sau ngày 18-6, ông Macron sẽ không chỉ là Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Pháp mà còn nhiều khả năng trở thành Tổng thống Pháp nắm trong tay nhiều quyền lực nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Việc có thể kiểm soát đến 2/3 Quốc hội Pháp sẽ là bàn đạp để ông Macron thực thi nhiều cải cách táo bạo mà trước mắt sẽ là việc thay đổi Bộ luật Lao động vốn cực kỳ nhiều tranh cãi trong nhiệm kỳ của ông Francois Hollande.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một yếu tố buộc Tổng thống Macron và đảng của ông buộc phải lưu ý khi đã nắm trọn trong tay quyền lực ở cả hai nhánh hành pháp và lập pháp: sự ủng hộ thực sự của người dân Pháp.

Phản ứng trước chiến thắng của đảng LREM và đồng minh MoDem, Phó Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) Florian Philippot đã thừa nhận “sự thất vọng”, đồng thời kêu gọi cử tri tham gia bỏ phiếu ủng hộ cho đảng này trong vòng 2.

Tương tự, Chủ tịch đảng PS Jean-Christophe Cambadelis thừa nhận đảng PS đã phải đối mặt với những tổn thất “chưa từng thấy”, theo đó đảng này có thể mất tới hơn 200 ghế.

Các dự báo sau vòng một cuộc bầu cử Hạ viện Pháp cho thấy số ghế của đảng PS sẽ giảm xuống còn 15-40 ghế trong Quốc hội mới từ mức 277 ghế hiện nay. Nếu được xác nhận, kết quả này thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn hồi năm 1993 khi số ghế Quốc hội của đảng PS đã giảm từ 278 ghế xuống còn 56.

Sau khi những dự báo đầu tiên về kết quả được công bố, Chủ tịch đảng PS cho rằng, các kết quả này đánh dấu bước thụt lùi chưa từng có tiền lệ của phe cánh tả nói chung và đảng PS nói riêng. Trong khi đó, theo kết quả chính thức, ông Cambadelis đã mất ghế Quốc hội tại vòng một cuộc bầu cử Hạ viện Pháp ngày 11-6.

Theo Khổng Hà (tổng hợp)

Công an nhân dân