1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thượng viện Mỹ thông qua cải cách thuế lớn nhất trong 31 năm qua

Ngày 2/12, Thượng viện Mỹ phê chuẩn gói cải cách thuế lịch sử, đánh dấu một chiến thắng mang tính biểu tượng về mặt lập pháp của Tổng thống Donald Trump trong năm đầu cầm quyền, qua đó mở đường cho ông hướng tới mục tiêu cải tổ toàn diện hệ thống thuế của nước này.


Lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell phát biểu về gói cải cách thuế của Chính phủ ở Washington, DC., ngày 30/11 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell phát biểu về gói cải cách thuế của Chính phủ ở Washington, DC., ngày 30/11 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau một cuộc họp kéo dài, với tỷ lệ sít sao 51 phiếu ủng hộ và 49 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua chương trình cải cách thuế được đánh giá là tham vọng nhất trong 31 năm qua của nền kinh tế số một thế giới này.

Tiến trình tiếp theo để luật hóa gói cải cách thuế này là hợp nhất văn kiện này với dự luật tương tự đã được Hạ viện thông qua trước đó.

Từ tuần tới, các nghị sỹ thuộc hai viện Quốc hội Mỹ sẽ phải cùng bàn thảo để thống nhất các nội dung trong một văn bản duy nhất. Dự luật hợp nhất sẽ phải được Thượng viện và Hạ viện phê chuẩn trước khi trình tổng thống ký ban hành.

Tổng thống Trump đã bày tỏ mong muốn hoàn tất tiến trình nói trên trong năm nay.

Trước khi được Thượng viện thông qua, dự luật dài 479 trang này đã có những thay đổi nội dung vào phút chót.

Một trong những thay đổi đó là mức chiết khấu thuế đối với tài sản của nhà nước và địa phương có thể lên tới 10.000 USD, tương tự như nội dung trong dự luật của Hạ viện.

Trước đó, Thượng viện đề xuất xóa bỏ hoàn toàn mức chiếu khấu thuế. Một thay đổi khác đó là thuế tối thiểu thay thế (AMT - alternative minimum tax) - một loại thuế thu nhập - cho cả cá nhân và công ty sẽ không được xóa bỏ hoàn toàn.

Thay vào đó, thuế AMT cá nhân có thể được điều chỉnh trong khi mức thuế này đối với các doanh nghiệp vẫn duy trì mức hiện tại.

Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp có thể giảm từ mức 35% hiện nay xuống mức 20% và lợi nhuận sau này của các công ty Mỹ thu được từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài phần lớn sẽ không bị đánh thuế.

Với kế hoạch cải cách này, các nghị sĩ đảng Cộng hòa muốn trong 10 năm tới nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, nợ công hiện đã lên tới 20.000 tỷ USD sẽ phải tăng thêm 1.400 tỷ USD.

Vượt "ải" Thượng viện, đảng Cộng hòa và Tổng thống Trump đã đạt bước tiến lớn tới mục tiêu giảm thuế doanh nghiệp và thuế đánh vào giới ăn nên làm ra.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Mitch McConnell đánh giá dự luật vừa được thông qua có ý nghĩa quan trọng khi việc cắt giảm thuế sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp tái đầu tư trong nước và qua đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta đang nắm trong tay cơ hội để biến nước Mỹ trở nên cạnh tranh hơn, giữ lại việc làm trong nước và hỗ trợ tầng lớp trung lưu."

Trước đó, ngày 16/11 vừa qua, với 227 phiếu thuận và 205 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cải cách thuế.

Theo dự luật có tên "Đạo luật việc làm và cắt giảm thuế," các nghị sĩ Cộng hòa đề xuất giảm các nhóm đối tượng đóng thuế từ bảy nhóm như hiện tại xuống còn bốn nhóm với các mức thuế lần lượt là 12%, 25%, 35% và 39,6%.

Như vậy, dự luật duy trì mức thuế cao nhất là 39,6%, thay vì 35% theo một kế hoạch thuế mà Nhà Trắng công bố hồi tháng Chín vừa qua, đối với các cá nhân có thu nhập 500.000 USD/năm và các cặp vợ chồng có thu nhập một triệu USD/năm.

Mức thuế 25% áp dụng với các cặp vợ chồng có thu nhập 90.000 USD/năm trở lên và 35% đối với các cặp vợ chồng có thu nhập 260.000 USD/năm - theo đó nhiều gia đình có thu nhập cao hiện đang bị đánh thuế 33% sẽ phải chịu mức thuế cao hơn. Trong khi đó, mức thuế đối với các doanh nghiệp được đề xuất giảm từ 35% xuống còn 20%.

Ngoài ra, dự luật cũng hủy bỏ thuế thừa kế từ năm 2024, tăng phụ trợ thuế con nhỏ từ 1.000 USD lên 1.600 USD, mặc dù khoản miễn trừ 4.050 USD/con sẽ bị xóa bỏ. Trong khi đó, các điều lệ hiện tại liên quan đến tiền tiết kiệm nghỉ hưu vẫn được duy trì như hiện tại.

Khấu trừ lãi suất vay mua nhà sẽ được tính với các khoản vay từ 500.000 USD, thay vì một tỷ USD như hiện nay.

Tuy nhiên, chương trình cải cách hệ thống thuế này của chính quyền Tổng thống Trump vấp phải sự chỉ trích của đảng Dân chủ và sự hoài nghi của giới chuyên gia, lo ngại rằng "núi" nợ công sẽ chồng chất thêm và khiến ngân sách thêm thâm hụt.

Theo Vietnam+