1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thông điệp gì từ vụ Singapore trục xuất giáo sư nổi tiếng gốc Trung Quốc?

(Dân trí) - Singapore hồi tuần trước đã bất ngờ công bố trục xuất một giáo sư Mỹ với cáo buộc làm gián điệp. Dù Singapore không nói rõ ông này cấu kết với quốc gia nào, nhưng hầu hết mọi người đều cho đó là Trung Quốc. Vụ việc đã gây nhiều đồn đoán và tranh luận tại đảo quốc sư tử.


Giáo sư Huang Jing (Ảnh: AFP)

Giáo sư Huang Jing (Ảnh: AFP)

Người Singapore đi ra ngoài châu Á thường gặp phải những câu hỏi cho thấy sự nhầm lẫn về địa lý của nước mình. “Bạn tới từ Singapore à? Đó là một phần của Trung Quốc phải không?”.

Là quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc đại lục có phần lớn dân số là người gốc Hoa và có diện tích chỉ tương đương với một thành phố, một vài nhầm lẫn về vị thế của Singapore là điều có thể hiểu được.

Sau 52 năm kể từ ngày lập quốc, Singapore vẫn thấy cần phải cho thế giới biết rằng đây là một nước cộng hòa có chủ quyền.

Vụ trục xuất giáo sư Mỹ gốc Trung Quốc

Vào ngày 4/8, Singapore đã tuyên bố trục xuất một giáo sư người Mỹ gốc Trung Quốc vì tìm cách gây ảnh hưởng tới chính sách ngoại giao của đảo quốc sư tử. Giáo sư Huang Jing, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, đã bị cáo cuộc chuyển “thông tin đặc quyền” cho các quan chức cấp cao Singapore với ý đồ gây ảnh hưởng tới các quyết định của họ.

“Ông ấy làm điều này khi phối hợp với các mật vụ tình báo nước ngoài”, tuyên bố của Bộ Nội vụ Singapore cho hay. “Điều này dẫn tới sự phá hoại và can thiệp của nước ngoài trong các vấn đề chính trị nội bộ của Singapore”.

Đây là lần đầu tiên trong hơn 2 thập niên qua Singapore công khai trục xuất một nhân vật bị cáo buộc hoạt động cho một thế lực nước ngoài vì can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Singapore.

Singapore không nêu tên quốc gia mà ông Huang Jing được cho là cấu kết, nhưng hầu hết mọi người đều cho đó là Trung Quốc, nơi ông này sinh ra. Vụ việc đã gây ra nhiều đồn đoán và những tranh luận căng thẳng. Do những vụ trục xuất như thế này mang tính biểu tượng, câu hỏi đặt ra là Singapore muốn truyền đi thông điệp gì từ vụ việc này?

Chính sách thân Mỹ


Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu (Ảnh: AFP)

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu (Ảnh: AFP)

Động thái trên cần được xem xét trong bối cảnh một Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh.Giống hầu hết các quốc gia khác, Singapore phải thích ứng với điều này. Đáng nói là, Singapore từng đóng vai trò nổi bật trong việc giúp phương Tây "giải mã" Trung Quốc trong những năm đầu mở cửa. Singapore từng lo ngại, và tiếp tục lo ngại, rằng nếu mối quan hệ này bị xử lý không khéo, các láng giềng châu Á của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã quyết tâm thuyết phục Mỹ không thân thiết với cường quốc châu Á đang nổi này nhưng khuyến khích nước này đóng vai trò có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Ông Lý là một người hay "bật mí" về Trung Quốc hiệu quả tới nỗi thỉnh thoảng ông bị hiểu nhầm tại phương Tây là “tay chân” của Bắc Kinh.

Gần đây, Singapore phải đối mặt với một vấn đề nhạy cảm. Trung Quốc, nay đã trở thành một cường quốc, đã bóng gió rằng Singapore quá thân Mỹ và không đủ thân thiện với người láng giềng châu Á.

Các nhà phân tích đã chỉ ra nhiều hành động của Singapore mà Bắc Kinh không hài lòng. Bản thân ông Huang đã liệt kê những điều mà ông xem là sai lầm chiến lược của đảo quốc sư tử. Trong một chương trình về các vấn đề hiện thời của Trung Quốc hồi tháng 4, ông Huang nói rằng Singapore đáng lẽ không nên lên tiếng về phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Huang cũng cho rằng Singapore đã quá nhiệt tình với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Trung Quốc không phải là thành viên. Cuối cùng, Singapore đã đặt quá nhiều niềm tin vào chiến lược tái cân bằng sang châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama, cũng như dự đoán rằng bà Hillary Clinton có thể đắc cử và tiếp tục chiến lược này.

Hồi tháng 5, Thủ tướng Singapore, không giống hầu hết các nhà lãnh đạo trong khu vực, đã không nhận được lời mời tham dự hội nghị Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì. Một sự việc khác là vụ 9 xe quân sự của Singapore bị giữ trong 2 tháng ở Hong Kong khi đang trên đường trở về nhà sau các cuộc tập trận quân sự tại Đài Loan. Bất kể là giải thích thế nào thì vụ việc tại Hong Kong là lời nhắc nhở với Singapore về những phiền phức mà Bắc Kinh có thể gây ra với Singapore nếu muốn.


Hong Kong đã tạm giữ 9 xe quân sự của Singapore hồi năm ngoái (Ảnh: AP)

Hong Kong đã tạm giữ 9 xe quân sự của Singapore hồi năm ngoái (Ảnh: AP)

Cảnh báo cứng rắn

Có các dấu hiệu rõ ràng cho thấy chính phủ Singapore dường như rất nhạy cảm về các bình luận cho rằng nước này có thể đã sai lầm trong việc xử lý quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Hồi tháng 12 năm ngoái, hai học giả từ Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, vốn có liên hệ với giới tinh hoa chính sách ngoại giao và an ninh của Singapore, đã viết một bài báo đích danh chỉ trích các nhà bình luận của Singapore khi nói rằng vụ việc tạm giữ xe quân sự tại Hong Kong là một dấu hiệu cho thấy sự tức giận của Trung Quốc. Các học giả khẳng định rằng đồn đoán như vậy là không có cơ sở và “những khẳng định sai lầm” có thể gây ra sự giận giữ ở trong nước cũng như làm leo thang căng thẳng.

Nhà ngoại giao kỳ cựu Kishore Mahbubani, Hiệu trường Trường Lý Quang Diệu, đã phản ứng mạnh mẽ trước bài báo trên, khi ông viết một bài báo kêu gọi Singapore “”hãy thận trọng” và “rất kiềm chế trong việc bình luận về các vấn đề liên quan tới các cường quốc”. Ông này đã nhắc cụ thể tới tranh chấp biển giữa Trung Quốc và Philippines, cho rằng tốt hơn là Singapore nên thận trọng.

Ông Mahbubani sau đó đã nhận hàng tấn “gạch đá”. Cựu đồng nghiệp của ông Mahbubani là Bilahari

Trong bối cảnh đó, vụ trục xuất Giáo sư Huang Jing có thể được hiểu là một cảnh báo rõ ràng của chính phủ Singapore rằng nước này sẽ không cho phép quá nhiều người can thiệp vào quan hệ Singapore - Trung Quốc. Cảnh báo này được cho là không chỉ gửi tới các chuyên gia chính sách ngoại giao của Singapore, mà còn nhiều các nhân vật khác có gốc gác Trung Quốc trong các cơ sở nghiên cứu của Singapore.

Kausikan, một người có nhiều ảnh hưởng, đã gọi bình luận trên là “sai trái và thực sự nguy hiểm”. Bộ trưởng Nội vụ Singapore K Shanmugam thì cho rằng quan điểm đó là “đáng ngờ” và đi ngược với tư tưởng của Lý Quang Diệu.

Để hiểu vụ việc của ông Huang Jing, cũng có thể lật lại lịch sử.

Một vụ việc tương tự đã xảy ra vào năm 1988. Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Mỹ tại Singapore khi đó là E. Mason Hendrickson đã bị trục xuất vì cáo buộc hối thúc một nhóm luật sư tranh cãi kết quả bầu cử. Mỹ đã phản ứng rằng ông ấy chỉ làm công việc giữ liên lạc với phe đối lập, và đáp trả bằng cách trục xuất một nhà ngoại giao Singapore.

Singapore từng và vẫn tin về sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực. Từ vụ việc đó, quan hệ đã nồng ấm trở lại với một thỏa thuận được ký vào năm 1990, vốn mở đường để Singapore hỗ trợ hậu cần cho quân đội Mỹ, trong đó có hạm đội Thái Bình Dương. Nhưng vào năm 1988, Singapore cảm thấy nước này cần phải gửi một thông điệp tới Mỹ rằng, dù có bất kỳ mối quan hệ thân thiết nào thì vẫn phải có các giới hạn rõ ràng.

Vụ trục xuất bất ngờ Giáo sư Huang Jing có thể được hiểu trong cùng bối cảnh như vậy.

Một tín hiệu đã được phát đi: Đảo quốc sư tử tuy nhỏ và phụ thuộc vào sự hợp tác thân thiện với Trung Quốc nhưng là một quốc gia độc lập.

An Bình

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm